Tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1 – 6 năm 2019

Tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1 – 6 năm 2019

Nguyễn Thành Lam, Hà Mạnh Phương
Vi Trần Doanh, Nguyễn Thị Thu Hà, Vũ Bích Huyền
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1 – 6 năm 2019.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến hành trên 327 bệnh nhân ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1/2019 đến tháng 6/ 2019.
Kết quả: Tuổi trung bình 51,7 ± 21,2 , 56,9 % là nữ, 60,6 % ung thư ở giai đoạn III and IV, ung thư phổi, vú, tiêu hóa, vùng đầu cổ và phụ khoa gặp nhiều hơn. Đau xuất hiện ở 68,2 % bệnh nhân, 66,4 % bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau. Điểm trung bình sức khỏe tổng quát của bệnh nhân là 48,7 ± 17,7, chức năng thể chất là 65,8 ± 18,3, chức năng nhận thức là 70,6 ± 16,3, chức năng hoạt động là 57,5 ± 14,7, chức năng xã hội là 53,9 ± 22,2, chức năng cảm xúc là 59,2 ± 23,4. Điểm trung bình của các triệu chứng hay gặp là: đau (63,3 ± 25,2 điểm), mệt mỏi (58,5 ± 17,6 điểm điểm), chán ăn (49,6 ± 14,1 điểm), mất ngủ (47,8 ± 13,5 điểm) và khó khăn tài chính (77,5 ± 32,7 điểm). Bệnh nhân ở các giai đoạn muộn đau nhiều hơn và hay gặp đau nặng. Điểm trung bình sức khỏe tổng quát thấp hơn ở bệnh nhân đau nặng hơn, ung thư giai đoạn muộn hơn.
Kết luận: 68,2 % bệnh nhân có đau với điểm trung bình 63,3 ± 25,2. Đau hay gặp ở bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Điểm trung bình sức khỏe tổng quát là 48,7 ± 17,7, thấp ở bệnh nhân đau nặng, giai đoạn muộn.
Từ khóa: Bệnh nhân ung thư, đau, chất lượng cuộc sống, chăm sóc giảm nhẹ.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, tuổi mắc ung thư cũng trẻ hơn. Tuy nhiên, ở nước ta, số bệnh nhân phát hiện bệnh muộn còn cao. Đau là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ở các giai đoạn muộn lại càng đau nhiều hơn. Đau nhiều và kéo dài làm tình trạng bệnh xấu hơn, đau ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều trị giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân là một phần quan trọng trong chiến lược phòng chống ung thư. Để đánh giá đau có nhiều phương pháp, một trong những phương pháp đơn giản và chính xác là đánh giá bằng thước đo VAS. Bộ câu hỏi EORTC of QLQ C30 được dùng phổ biến để đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư trên thế giới. Bộ câu hỏi này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên số bệnh nhân ung thư có biểu hiện bệnh cảnh đa dạng, mức độ đau và đòi hỏi dùng thuốc giảm đau cũng khác nhau. Đánh giá đúng tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân là công việc quan trọng giúp cho công tác điều trị đặc biệt là chăm sóc giảm nhẹ được tốt. Do đó chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu:
Đánh giá tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1- 6 năm 2019.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng, thời gian, địa điểm nghiên cứu
Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:
Bệnh nhân bị ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 1 – 6 năm 2019 có đầy đủ hồ sơ bệnh án và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ:
– Bệnh nhân ung thư không có khả năng trả lời bộ câu hỏi.
– Bệnh nhân không hợp tác tốt hoặc từ chối tham gia.
– Bệnh nhân có mắc các bệnh mạn tính khác kèm theo như: đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn, bệnh tâm thần…
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả.
Chọn mẫu
Bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ và trong thời gian trên, tiến hành lấy mẫu tích luỹ đến khi đủ cỡ mẫu nghiên cứu.
Chỉ tiêu nghiên cứu
+ Tuổi, giới.
+ Loại ung thư nguyên phát.
+ Giai đoạn bệnh.
+ Các phương pháp đã điều trị ở bệnh nhân.
+ Tình trạng đau.
+ Các loại thuốc giảm đau phải sử dụng.
+ Chất lượng cuộc sống.
+ Liên quan giữa 1 số đặc điểm hay gặp ở bệnh nhân với đau, chất lượng cuộc sống.
Kỹ thuật thu thập số liệu
– Phỏng vấn, hỏi bệnh các bệnh nhân ung thư lúc vào điều trị.
– Đánh giá đau và mức độ đau theo thang điểm VAS.
– Đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh nhân bằng bộ câu hỏi EORTC of QLQ – C30.
Xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm SPSS 16.0 for Windows.Đạo đức nghiên cứu:
Đề cương nghiên cứu được thông qua Hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu của Bệnh viện. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được giải thích kỹ. Thông tin được giữ bí mật.

Bảng 1. Tuổi của bệnh nhân nghiên cứu

Độ tuổi Số bệnh nhân (n = 327) Tỷ lệ %
< 18 18 5,5
18 – 40 95 29,1
> 40 – 60 111 33,9
> 60 103 31,5
Tuổi trung bình: 51,7 ± 21,2 (thấp nhất: 16, cao nhất: 84)

 Nhận xét: Đa phần bệnh nhân ung thư hay gặp ở lứa tuổi trung niên và tuổi già.

Bảng 2. Giới của bệnh nhân nghiên cứu

Giới Số bệnh nhân (n = 327)
Nam 141 43,1
Nữ 186 56,9

 Nhận xét: Trong số bệnh nhân nghiên cứu chúng tôi gặp nữ có phần nhiều hơn nam 56,9 %).

Bảng 3. Loại ung thư nguyên phát ở bệnh nhân nghiên cứu

Loại ung thư nguyên phát Số bệnh nhân Tỷ lệ %
Ung thư phế quản – phổi 64 19,6
Ung thư cơ quan hệ tiêu hóa 54 16,5
Ung thư cơ quan hệ tiết niệu 21 6,4
Ung thư cơ quan vùng đầu, cổ 50 15,3
Ung thư vú 55 16,8
Ung thư cổ tử cung, tử cung, phần phụ 43 13,2
Ung thư hạch bạch huyết 20 6,1
Khác 20 6,1

 Nhận xét: Trong số bệnh nhân nghiên cứu: ung thư phế quản – phổi hay gặp nhất (19,6 %), tiếp đến là ung thư vú (16,8 %), ung thư các cơ quan tiêu hóa (16,5 %), ung thư vùng đầu cổ (15,3 %), ung thư cổ tử cung, tử cung, phần phụ (13,1 %).

Bảng 4. Giai đoạn bệnh ở bệnh nhân nghiên cứu

Giai đoạn bệnh Số bệnh nhân Tỷ lệ %
Giai đoạn sớm I 34 129 10,4 39,4
II 95 29,1
Giai đoạn muộn III 111 198 33,9 60,6
IV 87 26,6

 Nhận xét: Bệnh nhân ung thư giai đoạn III chiếm nhiều nhất (33,9%), sau đó là giai đoạn II (29,1%), có đến 60,6 % bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn muộn.

Bảng 5. Các phương pháp điều trị đã áp dụng ở bệnh nhân nghiên cứu

Phương pháp điều trị đã áp dụng Số bệnh nhân Tỷ lệ %
Phẫu thuật 6 1,8
Phẫu thuật + hóa trị 107 32,7
Phẫu thuật + xạ trị 43 13,2
Phẫu thuật + hóa trị + xạ trị 0 0
Hóa trị + xạ trị 0 0
Hóa trị /nhắm trúng đích 115 35,2
Xạ trị 0 0
Chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần 56 17,1
Tổng 327 100

 Nhận xét: Do trong thời gian nghiên cứu máy xạ trị hỏng, chưa có máy xạ trị mới, chỉ xạ trị chiếu trong ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật bằng 131I nên không có trường hợp nào xạ trị chiếu ngoài đơn thuần, xạ trị phối hợp hóa trị và xạ trị chiếu ngoài phối hợp hóa trị sau phẫu thuật. 43 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau mổ được xạ trị bằng 131I (13,2 %). Nhiều nhất là bệnh nhân hóa trị / nhắm trúng đích (35,2 %) và hóa trị sau phẫu thuật (32,7 %). Có đến 17,1 % bệnh nhân vào viện ở giai đoạn muộn chỉ chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần.

Bảng 6. Tình trạng đau ở bệnh nhân nghiên cứu

Triệu chứng Số bệnh nhân Tỷ lệ %
Không đau 104 31,8
 Đau Đauít 68 223 20,8 68,2
Đau vừa 104 31,8
Đau nặng 51 15,6

 Nhận xét: Có đến 68,2 % bệnh nhân ung thư có đau ở các mức độ khác nhau, trong đó 31,8 % số bệnh nhân đau mức độ vừa, có đến 15,6 % bệnh nhân đau nặng.

Bảng 7. Loại thuốc giảm đau bệnh nhân phải sử dụng

Loại thuốc giảm đau bệnh nhân dùng Số bệnh nhân điều trị Tỷ lệ %
Không dùng thuốc giảm đau 110 33,6
Phải dùng thuốc giảm đau 217 66,4
Thuốc giảm đau Bậc 1 66 20,2
Thuốc giảm đau Bậc 2 100 30,6
Thuốc giảm đau Bậc 3 51 15,6

 Nhận xét: Có đến 66,4 % bệnh nhân phải điều trị bằng huốc giảm đau, trong đó 30,6 % trường hợp phải dùng thuốc giảm đau bậc 2 và 15,6 % bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau bậc 3.

Bảng 8. Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân nghiên cứu

Chỉ tiêu Trung bình Độ lệch chuẩn
Chức năng thể chất 65,8 18,3
Chức năng hoạt động 57,5 14,7
Chức năng nhận thức 70,6 16,3
Chức năng xã hội 53,9 22,2
Chức năng cảm xúc 59,2 23,4
Triệu chứng mệt mỏi 58,5 17,6
Triệu chứng buồn nôn, nôn 21,2 8,6
Triệu chứng đau 63,3 25,2
Triệu chứng khó thở 31,5 12,1
Triệu chứng mất ngủ 47,8 13,5
Triệu chứng chán ăn 49,6 14,1
Triệu chứng táo bón 13,2 6,8
Triệu chứng tiêu chảy 9,5 4,1
Khó khăn tài chính 77,5 32,7
Sức khỏe tổng quát 48,7 17,7

 Nhận xét: Điểm sức khỏe tổng quát đạt mức trung bình 48,7 ± 17,7 điểm.

– Lĩnh vực chức năng: chức năng giao tiếp xã hội thấp nhất (53,9 ± 22,2 điểm).

– Lĩnh vực triệu chứng: đau, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ hay gặp nhất, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn ít gặp hơn cả.

– Khó khăn tài chính hay gặp đa số bệnh nhân (điểm trung bình 77,5 ± 32,7 điểm).

Bảng 9. Liên quan giữa đau và giai đoạn bệnh

Mức độ đau Giai đoạn muộn Giai đoạn sớm Tổng p
Đau nặng 50 1 51 < 0,01
Đau vừa 89 15 104
Đau nhẹ 57 11 68
Không đau 2 102 104
Tổng 198 129 327

 Nhận xét: Bệnh nhân ở các giai đoạn muộn tỷ lệ đau nhiều hơn và thường đau nặng.

Bảng 10. Liên quan giữa đau và chất lượng cuộc sống trong lĩnh vực sức khỏe tổng quát

Mức độ đau Số bệnh nhân Trung bình Độ lệch chuẩn p
Đau ít 68 56,3 15.1 < 0,01
Đau vừa 104 45,9 23,4
Đau nặng 51 34,6 25,9
Tổng cộng 223 45,6 21,5  

 Nhận xét: Có sự khác nhau rõ rệt trong lĩnh vực sức khỏe tổng quát giữa 3 nhóm bệnh nhân: Bệnh nhân càng đau nhiều càng có điểm trung bình sức khỏe tổng quát càng xấu hơn.

Bảng 11. Liên quan giữa giai đoạn bệnh và chất lượng cuộc sống trong lĩnh vực sức khỏe tổng quát

Giai đoạn bệnh Số bệnh nhân Trung bình Độ lệch chuẩn p
Giai đoạn sớm (≤ II) 129 57,5 14,6 < 0,01
Giai đoạn muộn (≥ III) 198 39,9 20,8

 

Nhận xét: Bệnh nhân ở các giai đoạn muộn có điểm trung bình sức khỏe tổng quát thấp hơn so với bệnh nhân ở các giai đoạn sớm.

BÀN LUẬN
Một số đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân nghiên cứu:
Trong số bệnh nhân nghiên cứu chúng tôi gặp 56,9 % là nữ và 43,1 % là nam, độ tuổi trung bình là 51,7 ± 21,2. Tỷ lệ này khá đồng đều so với một số nghiên cứu khác [1, 3, 5, 6] chứng tỏ mẫu nghiên cứu có tính khái quát cho quần thể bệnh nhân.
Tỷ lệ mắc ung thư trong số bệnh nhân của chúng tôi: (19,6 % ung thư phế quản – phổi, 16,8 % ung thư vú, 16,5 % ung thư các cơ quan tiêu hóa, 15,3 % ung thư các cơ quan vùng đầu – cổ, 13,2 % ung thư cổ tử cung, tử cung, phần phụ…) cũng tương đương như một số nghiên cứu của các tác giả trong nước [2, 5, 6]. Điều này cho thấy mẫu nghiên cứu có thể đại diện cho quần thể bệnh nhân ung thư vào điều trị. Bệnh nhân của chúng tôi ở giai đoạn muộn còn cao (60,6 %) và do máy xạ trị hỏng trong thời gian nghiên cứu nên không có bệnh nhân xạ trị chiếu ngoài, 35,2 % số bệnh nhân điều trị hóa trị, 32,7 % bệnh nhân được hóa trị sau phẫu thuật và có đến 17,1 % bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn chỉ điều trị chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần. Vì thế công tác tuyên truyền, sàng lọc và sớm đưa máy xạ trị hoạt động là rất cần thiết.
Đánh giá tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nghiên cứu:
68,2 % bệnh nhân của chúng tôi có đau (20,8 % đau nhẹ, 31,8 % đau vừa, 15,6 % đau nặng) và 66,4 % bệnh nhân đòi hỏi phải dùng thuốc giảm đau (bậc 1: 20,2 %, bậc 2: 30,6 %, bậc 3: 15,6 %). Nghiên cứu của Vũ Văn Vũ và cộng sự (2010) ở 256 bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa: 73,8 % bệnh nhân có đau, 72,7 % phải dùng thuốc giảm đau [6]. Phan Vương Khắc Thái (2018) thấy 66 % bệnh nhân có đau, 61 % phải sử dụng morphin [4]. B. El Osta (2006) thấy 77 % bệnh nhân ung thư có đau [7]. Như vậy đau là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân ung thư, giai đoạn muộn đau nhiều hơn.
Điểm trung bình sức khỏe tổng quát bệnh nhân của chúng tôi là 48,7 ± 17,7.
chức năng thể chất: 65,8 ± 18,3, chức năng nhận thức: 70,6 ± 16,3, chức năng hoạt động: 57,5 ± 14,7, chức năng xã hội: 53,9 ± 22,2, chức năng cảm xúc: 59,2 ± 23,4. Điểm trung bình của các triệu chứng hay gặp là: đau (63,3 ± 25,2), mệt mỏi (58,5 ± 17,6), chán ăn (49,6 ± 14,1), mất ngủ (47,8 ± 13,5) và khó khăn tài chính (77,5 ± 32,7).
Các nghiên cứu trên những đối tượng khác nhau cho kết quả cũng khác nhau: Naga Sunanda (2018) nghiên cứu trên 224 bệnh nhân ung thư ở Ấn Độ thấy điểm trung bình chức năng xã hội là 91,22 ± 1,2, chức năng cảm xúc là 52,16 ± 2,0, mệt mỏi là 48,6 ± 1,66, đau là 48,06 ± 1,95, mất ngủ là 46,13 ± 2,82, chán ăn là 45,24 ± 2,54 [8]. Bùi Vũ Bình (2015) nghiên cứu 175 bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội thấy điểm trung bình sức khỏe tổng quát là 47,03 ± 13,84, chức năng thể chất là 16,24 ± 5,49, chức năng hoạt động là 6,14 ± 4,16, chức năng xã hội là 12,39 ± 2,97, chức năng cảm xúc là 12,26 ± 6,14 [1]. Nguyễn Thị Thanh Phương (2014) nghiên cứu 202 bệnh nhân ung thư giai đoạn IV tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thấy điểm trung bình sức khỏe tổng quát là 45,9, chức năng hoạt động là 32,8, chức năng xã hội là 32,8, mệt mỏi là 70, khó khăn tài chính là 63 [3]. Vũ Văn Vũ (2010) nghiên cứu trên 256 bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh thấy điểm sức khỏe tổng quát đạt mức trung bình 53,7, chức năng thể chất là 59,1, chức năng hoạt động là 57,6, chức năng nhận thức là 64,9, chức năng cảm xúc 56,9, chức năng xã hội là 36, mệt mỏi là 51, đau là 49,5, mất ngủ là 47,9, chán ăn là 44,6, khó khăn tài chính là 76,9 [6]. Tuy vậy, nhìn chung điểm trung bình sức khỏe tổng quát của bệnh nhân ung thư đều tương đối thấp, các triệu chứng đau, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ đều hay gặp với điểm trung bình tương đối cao, ngược lại các triệu chứng ít gặp như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn có điểm trung bình thấp.
Có một số yếu tố liên quan đến tình trạng đau và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bùi Vũ Bình (2015) thời gian mắc bệnh dài, giai đoạn nặng hơn của bệnh cũng như những bệnh nhân đang được điều trị chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng cuộc sống thấp hơn [1]. Vũ Văn Vũ (2010) thấy đau làm xấu đi chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ở tất cả các mặt được khảo sát, nữ dễ cảm thấy đau hơn nam [6]. Nguyễn Thị Thanh Phương (2014) thấy ung thư vùng đầu cổ làm bệnh nhân đau hơn và có điểm trung bình sức khỏe tổng quát thấp hơn ung thư ở các vị trí khác, điểm trung bình mệt mỏi cao hơn ở bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ, gầy độ 3, bệnh nhân càng gầy, chỉ số BMI càng thấp thì điểm trung bình chức năng thể chất càng thấp…[3]. Còn nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng điểm trung bình sức khỏe tổng quát thấp hơn ở bệnh nhân đau nặng hơn, ung thư giai đoạn muộn hơn.

KẾT LUẬN
Nghiên cứu trên 327 bệnh nhân ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ tháng 1 – 6 năm 2019 chúng tôi thấy:
Đau xuất hiện ở 68,2 % bệnh nhân, 66,4 % bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau.
Điểm trung bình sức khỏe tổng quát của bệnh nhân là 48,7 ± 17,7, chức năng thể chất là 65,8 ± 18,3, chức năng nhận thức là 70,6 ± 16,3, chức năng hoạt động là 57,5 ± 14,7, chức năng xã hội là 53,9 ± 22,2, chức năng cảm xúc là 59,2 ± 23,4. Điểm trung bình của các triệu chứng hay gặp là: đau (63,3 ± 25,2 điểm), mệt mỏi (58,5 ± 17,6 điểm điểm), chán ăn (49,6 ± 14,1 điểm), mất ngủ (47,8 ± 13,5 điểm) và khó khăn tài chính (77,5 ± 32,7 điểm).
Bệnh nhân ở các giai đoạn muộn đau nhiều hơn và hay gặp đau nặng. Điểm trung bình sức khỏe tổng quát thấp hơn ở bệnh nhân đau nặng hơn, ung thư giai đoạn muộn hơn.

SUMMARY
The pain status and quality of life of cancer patients treated at Thai Nguyen oncology centre from January to June 2019
Objectives: To assess the pain status and quality of life of cancer patients treated at Thai Nguyen oncology centre from January to June 2019.
Materials and method: A descriptive study was conducted on 327 cancer patients treated at Thai Nguyen oncology centre from January to June 2019.
Results: The average age was 51.7 ± 21.2, 56.9 % was female, 60.6 % cancer patients was in stage III and IV, lung cancer, breast cancer, digestive cancers, cancer of head and neck organs, gynecological cancers were more common in patients. 68.2 % patients was suffering from pain, 66.4 % patients was required for pain killers. The average score of overall health was 48.7 ± 17.7, physical function was 65.8 ± 18.3, cognitive function was 70.6 ± 16.3, active function was 57.5 ± 14.7, social function was 53.9 ± 22.2, emotional function was 59.2 ± 23.4. The average score of some common symptoms were: pain (63.3 ± 25.2), fatigue (58.5 ± 17.6), appetite loss (49.6 ± 14.1), insomnia (47.8 ± 13.5), finalcial difficulties (77.5 ± 32.7). The rate of pain was higher in patients in late stages and these were often severe pain. The average score of overall health was low in severe pain patients and patients in late stages.
Conclusion: 68.2 % patients were suffering from pain with average score of 63.3 ± 25.2.Pain was common in patients in late stages. The average score of overall health was 48.7 ± 17.7 and was low in severe patients, patients at late stages.
Keywords: Cancer patient, pain, quality of life, palliative care.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Vũ Bình, Đỗ Thị Ánh, Dương Tiến Đỉnh, Trương Quang Trung (2015): “Khảo sát chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư và một số yếu tố ảnh hưởng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2015”. Báo cáo Hội nghị khoa học điều dưỡng Bệnh viện Quân y 103 năm 2015, www.benhvien103.vn/…/2015-12/1380.
2. Bùi Diệu và cộng sự (2014): “Báo cáo tình hình hoạt động phòng chống ung thư giai đoạn 2011 – 2014 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế”. Tạp chí Ung thư học Việt Nam, số 2, trang 21 – 28.
3. Nguyễn Thị Thanh Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quỳnh Anh, Trần Tuấn Sơn, Phạm Thị Thu Hiền (2014): “Đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh nhân giai đoạn IV trước và sau điều trị tại Khoa Chống đau – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội năm 2013”. Tạp chí Ung thư học Việt Nam, số 2, trang 3465 – 373.
4. Phan Vương Khắc Thái, Nguyễn Thị Hồng Thơm (2018): «Chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 – 2017». Tạp chí Ung thư học Việt Nam, số 5, trang 369 – 373.
5. Ngô Thị Tính và cộng sự (2017): “Cơ cấu bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên năm, giai đoạn 2012 – 2017”. Tạp chí Ung thư học Việt Nam, số 4, trang 41 – 45.
6. Vũ Văn Vũ, Võ Thị Xuân Hạnh, Phạm Thị Thanh Giang, Thân Trọng Huy Hoàng (2010): “Khảo sát tình trạng đau và chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh 7/2009 – 7/2010”. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 14 (4), trang 811 – 822.
7. B. El Osta, F. S. Braiteh, S. Reddy, H. El Osta, E. Bruera (2006): ‘Patients’ characteristics and outcomes of palliative care inpatient consults at a comprehensive cancer center’. Journal of clinical onconlogy. 24(18), pp. 74 – 77.
8. Naga Sunanda, M. Priyanka, J. Architha, M. Shravan, A. Srinivasa Rao, Mohd. Abdul Hadi (2018): ‘Quality of life assessment in cancer patients of regional centre of Hyderabad city’. Journal of Applied Pharmaceutical Science, 8(1), pp.165 – 169.