Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến lo âu, trầm cảm ở sinh viên ngành y khoa Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến lo âu, trầm cảm ở sinh viên ngành y khoa Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Đàm Thị Bảo Hoa, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đắc Vinh
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

TÓM TẮT
Mục tiêu: (1). Mô tả thực trạng mắc lo âu, trầm cảm ở sinh viên ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. (2). Xác định một số yếu tố liên quan đến các rối loạn lo âu, trầm cảm.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành trên 964 sinh viên ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Phương pháp: Mô tả cắt ngang.
Kết quả nghiên cứu: Trầm cảm là 303 sinh viên (31,4%); lo âu là 406 sinh viên (42,1%). Trong đó chủ yếu là các mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên cũng có một tỷ lệ trầm cảm và lo âu nặng – rất nặng (5,1% và 9,8%). Giới tính nữ, sinh viên các năm đầu và mắc stress là các yếu tố liên quan đến tỷ lệ trầm cảm cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ lo âu cao chỉ liên quan đến yếu tố năm học và mắc stress.
Khuyến nghị: (1). Cần có các biện pháp tuyên truyền về nhận biết các biểu hiện bệnh cho sinh viên và khám tâm thần định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp, hỗ trợ phù hợp. (2). Cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ sinh viên (tư vấn tâm lý, cố vấn học tập, cải thiện chương trình, giảm tải học tập… để phòng chống các vấn đề tâm lý ở sinh viên Y khoa.
Từ khóa: Trầm cảm, lo âu, stress, sinh viên y khoa.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trầm cảm và lo âu là những vấn đề thường gặp trong lâm sàng tâm thần, phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu và ở cộng đồng. Trầm cảm, lo âu nếu không được phát hiện, can thiệp phù hợp sẽ dẫn đến hậu quả làm giảm năng suất lao động, học tập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát…
Trong các ngành học, Y khoa là ngành học có nhiều áp lực đòi hỏi sinh viên phải dành nhiều thời gian học đặc biệt là học thực hành tại bệnh viện. Áp lực học tập, thi cử, vấn đề tiếp xúc với người bệnh đặc biệt là bệnh nhân nặng và gia đình họ gây rất nhiều căng thẳng cho sinh viên. Bên cạnh đó, thời gian học kéo dài, ít có thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa làm cho sinh viên ngành Y dễ mắc các vấn đề liên quan đến stress trong đó có trầm cảm, lo âu [10;11].
Thời gian gần đây, đã có nhiều tác giả đưa ra những số liệu phong phú về dịch tễ học các rối loạn trầm cảm, lo âu và các yếu tố liên quan đến việc mắc bệnh. Đã có một số nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này trên sinh viên,… nhằm mục đích đưa ra các khuyến cáo phòng ngừa [2;6;9]. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Việt Nam về thực trạng mắc các rối loạn trầm cảm, lo âu ở sinh viên Đại học Y cũng như các yếu tố liên quan của việc mắc bệnh còn hạn chế. Ở Thái Nguyên, vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Do vậy chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm mục tiêu:
1. Mô tả thực trạng mắc lo âu, trầm cảm ở sinh viên ngành Y khoa, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
2. Xác định một số yếu tố liên quan đến các rối loạn lo âu, trầm cảm.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Sinh viên ngành Y khoa, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
+ Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu: tự nguyện tham gia sau khi đã được giải thích về mục tiêu, nội dung nghiên cứu.
+ Tiêu chuẩn loại trừ: Mắc một bệnh lý tâm thần đã được chẩn đoán khác
Địa điểm nghiên cứu
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Phương pháp nghiên cứu
Mô tả cắt ngang
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
+ Cỡ mẫu: sử dụng cỡ mẫu dành cho nghiên cứu mô tả để đánh giá thực trạng

Trong đó:
n: Cỡ mẫu tối thiểu (Số sinh viên) cần đưa vào mẫu nghiên cứu.
Z1- α/2: Hệ số giới hạn tin cậy. Chọn α = 0,05 giá trị Z21 – α/2 là 1,96.
p: Tỷ lệ mắc trầm cảm, lo âu (theo các nghiên cứu trước) ở sinh viên là ~ 15 %.
Như vậy ta sẽ có p =0,15 q = 1 – p =0, 85
ε: là độ chính xác tương đối so với tỷ lệ p. Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn ε = 0,12.
Thay các số liệu vào công thức, tính được cỡ mẫu tối thiểu là 771 sinh viên. Để tránh mất mẫu và dễ thực hiện, chúng tôi làm tròn lên thành 900 sinh viên.
Thực tế, chúng tôi nghiên cứu được 964 sinh viên.
+ Cách chọn mẫu: Sinh viên ngành Y khoa học 6 năm từ Y1 – Y6. Mỗi khóa có khoảng 400 -500 sinh viên. Chúng tôi chọn mỗi khóa 150 sinh viên bằng hình thức lập danh sách sinh viên theo từng khóa. Chọn sinh viên theo danh sách với khoảng cách k=2 đến khi đủ số lượng sinh viên nghiên cứu.
Chỉ số/biến số nghiên cứu
Bao gồm các nhóm chỉ số/biến số:
+ Các chỉ số về các đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu: tỷ lệ % theo nhóm tuổi, theo giới, theo dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp.
+ Thực trạng lo âu, trầm cảm ở sinh viên: Tỷ lệ % có rối loạn; Tỷ lệ theo các mức độ; Tỷ lệ các biểu hiện thường gặp của từng rối loạn.
+ Xác định một số yếu tố liên quan đến việc mắc lo âu, trầm cảm (Tuổi, giới, dân tộc, kết quả học tập, yếu tố gây stress khác; yếu tố gia đình…).
Công cụ nghiên cứu:
+ Bệnh án nghiên cứu đáp ứng đầy đủ các mục tiêu nghiên cứu.
+ Test trầm cảm Beck, test lo âu Zung, Test DASS 21.
Kỹ thuật thu thập số liệu và đánh giá
+ Thu thập số liệu dựa vào bảng phỏng vấn online.
+ Đánh giá trầm cảm, lo âu, stress dựa vào Test DASS 21, test Beck, Zung.
+ Xác định các yếu tố liên quan dựa vào bảng phỏng vấn các yếu tố liên quan.
Phương pháp xử lý số liệu
Theo phương pháp thống kê y học, sử dụng sự hỗ trợ của phần mềm Epidata và STATA 10.0.
– Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện sau khi đã có sự cho phép của hội đồng khoa học và hội đồng đạo đức nhà trường. Các đối tượng nghiên cứu đồng ý tự nguyện tham gia sau khi đã được giải thích rõ về yêu cầu, mục đích nghiên cứu. Các thông tin về các đối tượng nghiên cứu được đảm bảo giữ bí mật. Các kết quả nghiên cứu được sử dụng để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.

3. KẾT QUẢ
3.1. Thực trạng lo âu, trầm cảm ở sinh viên ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Bảng 1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

Giới

Năm thứ

Nam Nữ Tổng

(SL, %)

SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
Năm thứ nhất 48 14,0 98 15,8 146
Năm thứ 2 52 15,2 75 12,1 127
Năm thứ 3 44 12,9 92 14,8 136
Năm thứ 4 86 25,1 150 24,1 236
Năm thứ 5 53 15,5 81 13,0 134
Năm thứ 6 59 17,3 126 20,3 185
Tổng 342 35,5 (100,0) 622 64,5 (100,0) 964 (100,0)

Nhận xét: Trong tổng số 964 sinh viên nghiên cứu, nam chiếm 35,5%; nữ chiếm 64,5%. Sinh viên năm thứ 4 chiếm tỷ lệ cao nhất.

Bảng 2. Đặc điểm trầm cảm, lo âu ở sinh viên

Các rối loạn

Mức độ

Trầm cảm (n=964) Lo âu (n=964)
SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
Không rối loạn 662 68,6 558 57,9
Có rối loạn Nhẹ 129 13,4 110 11,4
Vừa 124 12,9 202 20,9
Nặng 33 3,4 49 5,1
Rất nặng 16 1,7 45 4,7
Tổng 303 31,4 406 42,1

Nhận xét: Trầm cảm gặp ở 303 sinh viên chiếm 31,4%; Lo âu gặp ở 406 sinh viên chiếm 42,1%. Trong đó chủ yếu là các mức độ nhẹ và vừa.

Bảng 3. Đặc điểm các stress ở sinh viên

Đặc điểm các stress ở sinh viên SL Tỷ lệ %
Không bị stress 644 66,8
Có bị stress 320 33,2
Các loại stress thường gặp ở sinh viên Áp lực học tập, Kết quả học tập không như mong đợi 294 30,5
Bất hòa với người thân (bố, mẹ, anh, chị, em…) 179 18,6
Bất hòa với bạn thân 138 14,3
Bất hòa (hoặc chia tay) với người yêu 142 14,7
Các rắc rối liên quan đến tình dục 53 5,5
Các loại stress thường gặp ở sinh viên Các rắc rối liên quan đến tiền bạc 317 32,9
Các rắc rối liên quan đến sức khỏe của người thân 266 27,6
Các rắc rối liên quan đến sức khỏe của bản thân 263 27,3
Các rắc rối liên quan đến gia đình (bố mẹ bất hòa, ly hôn, gia đình phá sản) 101 10,5
Bản thân nghiện trò chơi điện tử, Internet 150 15,6

Nhận xét: 320 sinh viên bị tác động của stress chiếm 33,2%. Trong đó, các stress về áp lực học tập (30,5%), về vấn đề tiền bạc 32,9%; về sức khỏe của người thân và sức khỏe của bản thân chiếm tỷ lệ cao nhất. Các stress liên quan đến tình dục chiếm tỷ lệ thấp nhất (5,5%).

3.2. Một số yếu tố liên quan đến trầm cảm, lo âu ở sinh viên

Bảng 4. Mối liên quan theo giới

Rối loạn

Giới

Có trầm cảm Có lo âu
SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
Nữ (n=622) 211 33,9 272 47,2
Nam (n=342) 92 26,9 134 39,1
p <0,05 > 0,05

Nhận xét: Tỷ lệ trầm cảm ở nữ sinh viên y khoa cao hơn nam (p<0,05). Không có sự khác biệt về tỷ lệ lo âu giữa nam và nữ.

Bảng 5. Mối liên quan theo khối lớp học

Trầm cảm, lo âu

Năm thứ

Có trầm cảm Có lo âu
SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
Năm thứ 1 (n=146) 100 68,5 78 53,4
Năm thứ 2 (n=127) 49 38,6 60 47,2
Năm thứ 3 (n=136) 41 30,1 59 43,4
Năm thứ 4 (n=236) 74 31,4 98 41,5
Năm thứ 5 (n=134) 29 21,6 42 31,3
Năm thứ 6 (n=185) 10 5,4 69 37,3
p <0,01 <0,01

Nhận xét: Có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ trầm cảm và lo âu theo khối lớp. Trong đó, sinh viên y khoa các năm đầu có biểu hiện trầm cảm và lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ này giảm dần ở sinh viên các năm sau (p<0,01).

Bảng 6. Mối liên quan với tình trạng stress

Rối loạn

Giới

Có trầm cảm Có lo âu
SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
Có stress (n= 320) 211 65,9 225 70,3
Không có stress (n=644) 92 14,3 181 28,1
p < 0.001 < 0.001

Nhận xét: Có mối liên quan rõ rệt giữa tình trạng bị stress với các biểu hiện trầm cảm và lo âu ở sinh viên Y khoa. Nhóm có stress sẽ có tỷ lệ có các biểu hiện trầm cảm và lo âu cao hơn hẳn nhóm không có stress (p<0,001).

4. BÀN LUẬN
4.1. Về thực trạng trầm cảm, lo âu ở sinh viên ngành Y khoa
Lo âu, trầm cảm là những vấn đề phổ biến trong lĩnh vực tâm thần học. Các rối loạn này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trong những năm gần đây bệnh có xu hướng gia tăng do tác động nhiều mặt của kinh tế xã hội. Các rối loạn này có tỷ lệ mắc 3 – 5% dân số, thường hay phát sinh ở tuổi trẻ, gặp ở nữ nhiều hơn nam, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như nguy cơ tự sát [3].
Sinh viên Y khoa là những đối tượng có tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao. Theo Nguyễn Thị Minh Ngọc và cs. (2016) nghiên cứu ở sinh viên Y đa khoa Đại học Y Dược Hải phòng nhận thấy tỷ lệ sinh viên có dấu hiệu trầm cảm là 37% [2]. Nguyễn Hữu Minh Trí, Nguyễn Tấn Đạt (2019) trong một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ trầm cảm và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đối với sinh viên Đại học Y dược Cần Thơ năm 2013 cho thấy có 19% sinh viên có nguy cơ trầm cảm, 7% sinh viên trầm cảm nhẹ và 19% sinh viên trầm cảm thực sự theo thang đo CES-D [7]. Trần Kim Trang khảo sát tình trạng lo âu, trầm cảm, stress ở 483 sinh viên năm thứ 2 Khoa Y và Răng hàm mặt Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 6/2011, sử dụng thang DASS- 21 nhận thấy: Tỷ lệ sinh viên bị trầm cảm, lo âu, stress lần lượt là 28,8%; 22,4% và 71,4%. Đa số ở mức độ nhẹ và vừa [6]. Các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về vấn đề này cũng đưa ra những tỷ lệ đáng báo động. Theo Vanessa Silva, Patrício Costa, Inês Pereira và cs (2017) trong một nghiên cứu tiến cứu tiến hành Đại học Y khoa
Minho, Portugal, các năm học 2009–2010 đến 2012–2013 dựa vào thang trầm cảm Beck, thang lo âu State Trait Anxiety Inventory cho thấy: tỷ lệ trầm cảm thay đổi ở các năm học từ 21,5% xuống còn 12,7% từ năm 2009 – 2010 và năm 2012 – 2013. Tỷ lệ lo âu là 19,7% và ổn định qua các năm học [12]. Maureen Onyishi, Debjyoti Talukdar (2016) trong một nghiên cứu hệ thống 15 bài báo xuất bản từ 1980 – 2016 trên các tạp chí uy tín trên thế giới về vấn đề này cũng nhận thấy trầm cảm, lo âu và stress là những vấn đề thực sự phổ biến, thậm chí nghiêm trọng ở sinh viên Y khoa [9].
Trong nghiên cứu này của chúng tôi, trầm cảm gặp ở 303 sinh viên chiếm 31,4%; Lo âu gặp ở 406 sinh viên chiếm 42,1%. Trong đó chủ yếu là các mức độ nhẹ và vừa, tuy nhiên cũng gặp các sinh viên có các biểu hiện ở mức độ nặng và rất nặng. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với cộng đồng nói chung và cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Điều này cho thấy thực trạng đáng báo động về sức khỏe tâm thần của sinh viên ngành Y khoa.
4.2. Về một số yếu tố liên quan đến trầm cảm, lo âu ở sinh viên
Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy: Trầm cảm và lo âu có mối liên quan rõ rệt đến khối lớp học và stress ở sinh viên y khoa. Sinh viên năm đầu có tỷ lệ mắc cao nhất và tỷ lệ này giảm dần ở những năm sau. Sinh viên nữ mắc trầm cảm nhiều hơn nam (p<0,05) tuy nhiên lo âu chưa thấy có sự khác biệt giữa 2 giới. Cũng nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe tâm thần sinh viên Y khoa, các tác giả Lê Minh Thuận (20..), Nguyễn Minh Ngọc và cs. (2016), Nguyễn Hữu Minh Trí và cs. (2019), Tung Pham, Linh Bui và cs. (2019) đều nhận thấy các stress có liên quan chặt chẽ với trầm cảm, lo âu ở sinh viên. Tuy nhiên, Nguyễn Minh Ngọc và cs. (2016) lại không nhận thấy có sự khác biệt về tỷ lệ các rối loạn này ở các năm học [2]. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa trầm cảm, lo âu với yếu tố giới tính. Nữ sinh viên y khoa có tỷ lệ mắc trầm cảm, lo âu và stress cao hơn nam. Xem xét các kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài như Nishan Babu Pokhrel, Ramesh Khadayat (2020); Dakshitha P. Wickramasinghe và cs. (2019) cũng nhận thấy trầm cảm, lo âu ở sinh viên y khoa có liên quan đến các stress tâm lý như điều kiện sống trong các nhà trọ, ít hoạt động thể thao. Sinh viên năm thứ nhất tỷ lệ bị bệnh cao hơn rõ rệt [8,10]. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên còn có sự không phù hợp với tác giả Nguyễn Minh Ngọc và cs. (2016) về mối liên quan với các năm học ngành Y khoa. Đây cũng là vấn đề mà còn cần được nghiên cứu ở các nghiên cứu tiếp theo.
5. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu về thực trạng mắc lo âu, trầm cảm ở 964 sinh viên ngành Y khoa, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy:
– Trầm cảm là 303 sinh viên (31,4%); Lo âu là 406 sinh viên (42,1%). Trong đó chủ yếu là các mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên cũng có một tỷ lệ trầm cảm và lo âu nặng – rất nặng (5,1% và 9,8%).
– Giới tính nữ, sinh viên các năm đầu và mắc stress là các yếu tố liên quan đến tỷ lệ trầm cảm cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ lo âu cao chỉ liên quan đến yếu tố năm học và mắc stress.

6. KHUYẾN NGHỊ
1. Tỷ lệ trầm cảm và lo âu ở sinh viên ngành y khoa cao. Trong đó, có cả tỷ lệ trầm cảm, lo âu mức độ nặng và rất nặng. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả học tập, đời sống của sinh viên và thậm chí có thể dẫn đến các hành vi nguy hiểm. Do vậy cần có các biện pháp tuyên truyền về nhận biết các biểu hiện bệnh cho sinh viên và khám tâm thần định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp, hỗ trợ phù hợp.
2. Tỷ lệ trầm cảm, lo âu cao có liên quan đến stress tâm lý, những năm đầu học ngành y và giới tính. Do vậy, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ sinh viên (tư vấn tâm lý, hướng dẫn các biện pháp thích nghi, cố vấn học tập, cải thiện chương trình, giảm tải học tập…) để phòng chống các bệnh lý này ở sinh viên y khoa.

SUMMARY
Title: Depression, anxiety among medical students on Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy: The facts and some related factors
Objectives: (1) Describe the situation of anxiety and depression in medical students on Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy. (2) Identifying a number of factors associated with anxiety, depression disorders.
Methods: A cross – sectional survey was carried out on 483 medical students of Thai Nguyen University of medicine and pharmacy by using DASS – 21 questionaire and online interview.
Results: The prevalence depression and anxiety was 31.4%, 42.1%, respectively. In which, mainly mild and moderate levels. However, there was also a small rate of severe and serious depression, anxiety (5.1% and 9.8%). Female, the early years of the course, and stress are factors associated with higher rates of depression. Meanwhile, high rates of anxiety are only related to the year factors and stress.
Recommendation: (1). It is necessary to teach students on disease manifestations and regular psychiatric examinations for early detection and appropriate intervention and support. (2). It is necessary to strengthen measures to support students (psychological counseling, study counseling, program improvement, reducing learning load … to prevent psychological problems in medical students.
Keywords: Depression, anxiety, stress, medical student.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Thị Thanh Hường (2014). Thực trạng hành vi sức khỏe và nguy cơ trầm cảm của sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương mại. Tạp chí Y học thực hành (914), Số 4/2014.
2. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Thu Thảo và cs. (2016). Trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở sinh viên đa khoa Trường Đại học Y Dược Hải Phòng năm 2016. Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXVI, số 14 (187) 2016 Số đặc biệt. Tr 153-157.
3. Nguyễn Viết Thiêm, Trần Viết Nghị (2001), “Sức khoẻ tâm thần trong nền kinh tế thị trường”, Nội san Tâm thần học số 5 Quý I – 2001, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Hội Tâm thần học, Hà Nội, Tr 13 – 16.
4. Lê Minh Thuận (2011). Sức khỏe tâm lý của sinh viên: Nghiên cứu cắt ngang. Tạp chí Y học thực hành (774) – Số 7/2011. Tr 72-75.
5. Ngô Thị Trang, Đàm Thị Bảo Hoa, Lê Hải Yến, Khúc Thị Tuyết Hường (2017). Thực trạng stress ở học sinh trường THPT Lương Phú, Phú Bình, Thái Nguyên. Tạp chí Y học thực hành (1054) – Số 8/ 2017.
6. Trần Kim Trang (2012). Stress, lo âu và trầm cảm ở sinh viên y khoa. Tạp chí Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh, Tập 16, Phụ bản của Số 1, 2012. Tr 356-362.
7. Nguyễn Hữu Minh Trí, Nguyễn Tấn Đạt (2013). Trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở sinh viên Đại học Y dược Cần Thơ năm 2013. Tạp chí Y học.
8. Dakshitha P. Wickramasinghe et al. (2019). Depression and stressful life events among medical students during undergraduate career: Findings from a medical school in South Asia Published online: 2 January, TAPS 2019, 4(1), 42-47.
9. Maureen Onyishi1, Debjyoti Talukdar (2016). Prevalence of Clinical Depression among Medical Students and Medical Professionals: A Systematic Review Study. iMedPub Journals. ARCHIVES OF MEDICINE ISSN 1989-5216, 2016 Vol.8 No.6:9.
10. Nishan Babu Pokhrel, Ramesh Khadayat and Pratikchya Tulachan (2020). Depression, anxiety, and burnout among medical students and residents of a medical school in Nepal: a cross-sectional study. Pokhrel et al. BMC Psychiatry (2020) 20:298. https://doi.org/10.1186/s12888-020-02645-6
11. Tung Pham, Linh Bui et al. (2019). The prevalence of depression and associated risk factors among medical students: An untold story in Vietnam. PLOS ONE | https://doi.org/10.1371/journal.pone. 0221432 August 20, 2019.
12. Vanessa Silva, Patrício Costa et al. (2017). Depression in medical students: insights from a longitudinal study. Silva et al. BMC Medical Education (2017) 17:184.