PHÂN LOẠI LIỆT HAI CHI DƯỚI DO TỔN THƯƠNG TỦY BẰNG CỘNG HƯỞNG TỪ VÀ DỊCH NÃO TỦY

PHÂN LOẠI LIỆT HAI CHI DƯỚI DO TỔN THƯƠNG TỦY BẰNG CỘNG HƯỞNG TỪ VÀ DỊCH NÃO TỦY

Vũ Anh Nhị*, Nguyễn Hiếu Nghĩa**

TÓM TẮT

Mục tiêu: Xác định tần số và tỷ lệ các triệu chứng lâm sàng, sự thay đổi của dịch não tuỷ tổn thương trên cộng hưởng từ tuỷ sống và nguyên nhân của liệt hai chi dưới. Xác định mối tương quan giữa LHCD với tổn thương trên CHT và thay đổi DNT.

Phương pháp: Nghiên cứu tiền cứu, mô tả hàng loạt trường hợp.

Kết quả: Từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2012. Có 55 bệnh nhân liệt hai chi dưới (LHCD) nhập viện khoa nội thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy được đưa vào nghiên cứu. Tỷ lệ nam/nữ là 1,04/1. Tuổi trung bình là 45. Bệnh khởi phát đột ngột với LHCD chiếm đa số và diễn tiến ngày càng nặng dần. Liệt mềm hai chi dưới có 41 trường hợp (74,6%), liệt cứng hai chi dưới có 7 trường hợp (12,7%), liệt tứ chi có 7 trường hợp (12,7%).Tổn thương tủy ngực chiếm tỷ lệ cao nhất, 78,2 % ở cả hai nhóm CE tủy và KCE tủy. Tổn thương tủy không hoàn toàn chiếm 83,63%. Tổn thương thân sống (70,96%) và mô mềm (10,5%) chỉ gặp trong nhóm CE tủy, phù tủy chỉ gặp trong nhóm KCE tủy (22,2%). Tăng tín hiệu trên T2 chiếm 80%, cao ở cả hai nhóm CE tủy và KCE tủy (p= 0,005). Đồng tín hiệu T1 chiếm 67,3%, cao ở cả hai nhóm CE tủy và KCE tủy (p= 0,238 >0,05). Đạm DNT tăng ở cả hai nhóm CE tủy và KCE tủy (61,8%), nhưng nhóm CE tủy tăng nhiều hơn (p= 0,008 <0,05). Đường DNT giảm <1/2 đường huyết có 26 trường hợp (47,3%). Bạch cầu DNT bình thường chiếm (70,9%). Các xét nghiệm vi sinh DNT đều cho kết quả âm tính. Nguyên nhân thường gặp ở nhóm bệnh tủy KCE do viêm có 22 bệnh nhân (40 %). XCRR có 5 trường hợp (9,1%). Nhồi máu tủy có 4 trường hợp (7,3%). ATM có 3 trường hợp (5,5%). ADEM có 2 trường hợp (3,6%). Nhóm CE tủy thì u chèn tủy chiếm tỷ lệ cao nhất có 12 trường hợp (21,8%). Xuất huyết tủy có 2 trường hợp (3,63%). Lao cột sống CE tủy và u nội tủy đều có 1 trường hợp (1,8%). Thoát vị đĩa đệm có 3 trường hợp (5,5%).

Kết luận: Đứngtrước một trường hợp bệnh nhân LHCD cần khám xét lâm sàng một cách kỹ lưởng, chỉ định CHT phù hợp và chọc dò DNT giúp chẩn đoán nguyên nhân và phân loại bệnh tủy.

Từ khóa: Liệt hai chi dưới, cộng hưởng từ, dịch não tủy.

ABSTRACT

CLASSIFICATION OF THE PARAPLEGIA  DUE TO SPINAL CORD LESIONS BY MAGNETIC RESONACE IMAGING AND CEREBROSPINAL FLUID

Vu Anh Nhi*, Nguyen Hieu Nghia**

Objective: To determine the frequency and rate of clinical symptoms, changes in cerebrospinal fluid of lesions on magnetic resonance spinal cord and causes paraplegia. To determining the relationship between paraplegia with lesions on the magnetic resonance imaging and cerebrospinal fluid changes.

Methods:Prospective study and case series.

Results: From May, 2011 to March, 2012. There were 55 patients with paraplegia admitted to the Department of neurological Cho Ray Hospital were studied. The rate of male / female is 1.04 / 1. The average age is 45 (range, 15-95),. Sudden onset with paraplegia were majority and increasingly progressive. Paraplegic have 41 cases (74.6%), spastic paraplegic have 7 cases (12.7%), a quadriplegic with 7 cases (12.7%). The pathology of myelopathy in thorax was highest (78.2%) in both groups 61,4% in non-compressive myelopathy (NCM) and 66,7% in of compressive myelopathy (CM). Spinal cord lesion is not completely (83.63%). Vertebral body lesions (70.96%) and soft tissue (10.5%) only met in the group CM, Spinal cordaccordance  met NCM (22.2%). Hyperintense on T2 (80%), higher in both groups CE and NCM (p = 0.005). Hypointense on T1 (67.3%), higher in both groups CE and NCM (p = 0,238> 0.05). CSF (cerebrospinal fluid) protein increased in both groups CM and NCM (61.8%), but CM increased more (p = 0.008 <0.05). Glucose in CSF less than ½ glycemia had 26 cases (47.3%). White blood cells normally in CSF (70.9%). The examine look microorganism in CSF that almost was negative (all of them negative: 100%).Common causes in cases NCM were inflammation in 22 patients (40%). SLA had 5 cases (9.1%). The vascular of myelopathy had 4 cases (7.3%). ATM had 3 cases (5.5%). ADEM had 2 cases (3.6%). The most cause in CM was malignant spinal cord compression, 21,8% (12 patients), 2 cases myelorrhage (3.63%). Tuberculosis had 1 case (1.8%),3 cases of herniated disc ( 5.5%),1  case  of myeloma (81%).

Conclusion:Standing in front a case patient paraplegia  should examine carefully the clinical, magnetic resonance indicated appropriate and probing CSF diagnosis and classification of disease causes

Keywords: Paraplegia, Magnetic resonace imaging, Cerebrospinal fluid.

Đặt vấn đề

LHCD do nhiều nguyên nhân, có thể chia thành hai nhóm: CE tủy và KCE tủy. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị kịp thời theo nguyên nhân là thách thức lớn cho thầy thuốc thực hành lâm sàng hàng ngày. Khi khám lâm sàng có triệu chứng gợi ý LHCD do tổn thương tủy cần chỉ định CHT để xác định vị trí tổn thương và hướng chẩn đoán nguyên nhân; đồng thời chọc dò DNT, tùy theo nguyên nhân bệnh mà có những thay đổi về đạm, đường, tế bào cũng như các xét nghiệm vi sinh để tìm nguyên nhân gây bệnh. Ở nước ta việc nghiên cứu phân loại LHCD chưa nhiều nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nầy nhằm đóng góp thêm những bằng chứng khoa học giúp chẩn đoán, điều trị sớm đem lại cho bệnh nhân cuộc sống có ý nghĩa và có chất lượng(5).

Mục tiêu nghiên cứu

Tần số và tỷ lệ các triệu chứng lâm sàng, sự thay đổi của dịch não tuỷ tổn thương trên cộng hưởng từ tuỷ sống và nguyên nhân của liệt hai chi dưới.

Xác định mối tương quan giữa LHCD với tổn thương trên CHT và thay đổi DNT.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

Đối tượng nghiên cứu: Những bệnh nhân được chẩn đoán LHCD do tổn thương tuỷ tại khoa nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy thoả mãn tiêu chuẩn chọn bệnh sẽ được đưa vào nghiên cứu

Tiêu chuẩn chọn bệnh:

–          Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của hội chứng LHCD kiểu trung ương.

–          MRI tuỷ sống có hoặc không có tiêm Gadolium.

–          DNT nếu không có chống chỉ định.

Tiêu chuẩn loại trừ:

–          Không đủ tiêu chuẩn của nhóm LHCD do tổn thương tuỷ.

–          Không được chụp CHT tuỷ sống hoặc không chọc dò DNT.

–          Một số bệnh lý khác gây LHCD do tổn thương ngoại biên hoặc rãnh liên bán cầu

–          Không đủ các xét nghiệm DNT cơ bản hoặc Lactate DNT.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu tiền cứu, mô tả hàng loạt trường hợp.

Dân số mục tiêu:Bệnh nhân LHCD nhập viện tại Khoa nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thu thập số liệu: Mỗi bệnh nhân đã chọn được ghi nhận với từng bệnh án riêng biệt. Các biến số về đặc điểm dân số học, biểu hiện lâm sàng, DNT và kết quả CHT.

Xử lý và phân tích số liệu

–          Dữ kiện được xử lý trên phần mềm SPSS 11.5

–          Kết quả được trình bày bằng các bảng và biểu đồ.

–          Tỉ lệ phần trăm.

–          Kiểm định chi bình phương và t-test

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Đặc điểm về dân số học

Tuổi

Tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là: 45,24. Trường hợp nhỏ nhất là 15 tuổi và lớn nhất là 95 tuổi. Hầu hết bệnh nhân trong tuổi lao động (từ 20 tuổi đến 49 tuổi) chiếm tỷ lệ 52,7%. Có thể do tiếp xúc thường xuyên với yếu tố gây bệnh. Nhóm tuổi nầy gặp nhiều là bệnh tủy do viêm, XCRR.

Giới: Nam 28 trường hợp: chiếm 50,9%; Nữ 27 trường hợp: chiếm 49,1%. Sự khác biệt nầy không có ý nghĩa thông kê với p= 0,893 > 0,005, điều nầy chứng tỏ rằng bệnh liệt hai chi dưới do tổn thương tủy không phân biệt giới tính. Tỷ lệ nầy giống nghiên cứu của Saleh M là 1,8(8), và  nghiên cứu của K Das ở Ấn Độ có 1,4(2).

Nghề nghiệp và nơi cư ngụ

Trong 55 bệnh nhân, có 41 trường hợp ở nông thôn (74,%), so với 25,5% ở thành thị.56,4% bệnh gặp ở người lao động tay chân và nông dân.

Tiền căn bệnh tủy:

Có 8 trường hợp có tiền căn bệnh, trong đó: 5 trường hợp bệnh tủy sống (9,09%); 2 trường hợp bệnh ung thư (3,6%); và 1 trường hợp nhiễm HIV (1,8%).

Kiểu khởi phát bệnh:

Có 37 trường hợp chiếm 67,3%. Khởi phát bệnh đột ngột có 18 trường hợp (32,7%) bằng một nữa của khởi phát bệnh từ từ.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh:

Rối loạn dáng đi chiếm tỷ lệ cao có 40 (72,7%), trong đó CE tủy có 15 (78,9%) và nhóm KCE có 25 (69,4%); Kế đến là bí tiểu có 10 (18,2%), trong đó CE tủy 3 (15,8%), KCE tủy 7 (19,4%); Dị cảm chiếm 5 (9,1%), trong đó CE tủy 1 (5,3%), KCE tủy 4 (11,1%). Giống kết quả của LF Owolabi ở Nigeria(6).

Diễn tiến bệnh tủy: Diễn tiến của bệnh ngày càng tăng có 53 trường hợp (96,4%). Diễn tiến bệnh từng đợt có 2 trường hợp (3,6%). Diễn tiến từng đợt chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu gặp trong bệnh MS(1).

Thời gian liệt: (Thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi nhập viện)

Cả hai nhóm CE và KCE đều có thời gian liệt: < 1 tuần  có 18 (32,7%), trong đó CE tủy 3 (15,8%) và nhóm KCE 15 (41,7%); Từ 1 đến 2 tuần có 13 (23,6%), trong đó CE tủy 2 (10,5%), KCE tủy 11 (30,6%); Từ 2 đến 4 tuần có 8 (14,5%), trong đó CE tủy 2 (10,5%), KCE tủy 6 (16,5%); Trên 4 tuần có 16 (29,1%), trong đó CE tủy 12 (63,2%), KCE tủy 4 (11,1%), đối với thời gian liệt trên 4 tuần thì thời gian liệt của nhóm CE tủy  có số lượng nhiều hơn nhóm KCE tủy (12 so với 4). Nghiên cứu ở Nigeria của LF Owolabi cho kết quả thời gian liệt từ 2 đến 4 tháng (55,1%), điều nầy cho thấy hệ thống y tế của nước ta và nhận thức của người dân tốt hơn(4).

Triệu chứng cơ năng:

Triệu chứng cơ năng Tần số Tỷ lệ %
Sốt 4 7,3
Đau cột sống 27 49,1
Yếu liệt hai chi dưới 55 100
Tê, dị cảm 55 100
Rối loạn cơ vòng 45 81,8

Yếu liệt hai chi dưới và tê, dị cảm (100%). Rối loạn cơ vòng cũng chiếm một tỷ lệ cao có 45 trường hợp (81,8%). Đau cột sống có 27 trường hợp (49,1%).

Sức cơ:

Đối với chi dưới thì biểu hiện sức cơ không đồng đều hai bên phải và trái.

Sức cơ chi trên Bên P Bên T
0. Không làm được động tác gì 0

 

0

 

1. Co cơ được nhưng không làm được động tác 0

 

0

 

2. Co cơ được và di chuyển ngang được 1 (1,8)

 

1 (1,8)

 

3. Kháng lại trọng lực được 2 (3,6) 2 (3,6)
4. Kháng lại được sức kháng 4 (7,27) 4 (7,27)
5. Bình thường 48 (87,28) 45 (87,28)

Đối với chi trên thì sức cơ đồng đều hai bên và cũng không liệt nặng nề lắm. Liệt mềm hai chi dưới có 41 trường hợp (74,6%), liệt cứng hai chi dưới có 7 trường hợp (12,7%), liệt tứ chi có 7 trường hợp (12,7%).

Triệu chứng thực thể:

Trương lực cơ: bình thường có 7 trường hợp (12,7%), tăng trương lực cơ có 7 trường hợp (12,7%), giảm trương lực cơ chiếm tỷ lệ cao nhất có 41 trường hợp (74,54%); Rối loạn cảm giác nông: bình thường có 2 trường hợp (3,6%), giảm cảm giác nông chiếm tỷ lệ cao có 41 trường hợp (74,5 %), mất tòan bộ cảm giác nông có 12 trường hợp (21,8 %); Rối loạn cảm giác sâu: bình thường có 13 trường hợp (26,6%), giảm chiếm tỷ lệ cao nhất có 29 trường hợp (52,7%), mất hết cảm giác sâu có 9 trường hợp (16,37%); Phản xạ gân cơ: bình thường có 2 trường hợp (3,6%), tăng phản xạ gân cơ có 7 trường hợp (12,7%), giảm phản xạ gân cơ có 22 trường hợp chiếm tỷ lệ khá cao 40%, Mất phản xạ gân cơ có 24 trường hợp chiếm tỷ lệ cao nhất 43.6%. Có 7 trường hợp có phản xạ ba co (12,7%); Phản xạ da lòng bàn chân có hai trường hợp xảy ra: thứ nhất đáp ứng duỗi có 38 trường hợp (69,1%), thứ hai không đáp ứng có 17 trường hợp (30,9%).

Khám cột sống: gù có 1 trường hợp (1,8%), ấn cột sống có điểm đau có 12 trường hợp (21,81%);  Khám phản xạ da bìu cho 28 bệnh nhân nam có 2 trường hợp còn phản xạ da bìu (3,6%), mất phản xạ da bìu có 26 trường hợp (47,3%); Phản xạ da hậu môn đa số mất phản xạ có 53 trường hợp (96,4%) và 2 trường hợp còn phản xạ (3,6%); Dấu L’hermitte có 6 trường hợp (10,9%); Phản xạ da bụng trên mất có 43 trường hợp (78,2%), phản xạ da bụng giữa mất có 48 trường hợp (87,3%) và phản xạ da bụng dưới mất có 49 trường hợp (98,1%).

Băng cảm giác: vị trí D3 – D4 là có 14 trường hợp (25,5%), vị trí D7- D8 có 13 trường hợp (24,5%). Vị trí D5 – D6 có 10 trường hợp (18,9%). Vị trí D1 – D2 và vị trí D9 – D10 bằng nhau có 6 trường hợp (11,3%). Vị trí D11 – D12 có 3 trường hợp (5,7%).

Hội chứng tổn thương theo chiều dọc:

  Nhóm CE tủy

Số bệnh nhân/

Tỷ lệ %)

Nhóm KCE tủy

Số bệnh nhân/

Tỷ lệ %)

Tổng

Số bệnh nhân/ Tỷ lệ %)

Tủy cổ 2 (10,5) 6 (16,7) 8 (14,5)
Tủy ngực 16 (84,2) 28 (77,8) 44 (80)
Tủy thắt lưng 0 1 (2,8) 1 (1,8)
Tổn thương kết hợp

(cổ-ngực)

1 (5,3) 1 (2,8) 2 (3,6)
Số đoạn tủy tổn thương

(Tối thiểu-Tối đa)

 

(1 – 3)

 

(3 – 10)

 

Đoạn tủy ngực có tổn thương nhiều nhất trên lâm sàng và CHT 44 (80%), trong đó CE tủy 16 (84,2%), KCE tủy 28 (77,8%), đoạn tủy nầy có sự tưới máu không tốt, các mạch máu nuôi của tủy ngực cũng dễ bị tổn thương, mặt khác động mạch tủy sống trước nuôi vùng tủy ngực cũng rất nhỏ(3,5)  Tổn thương tủy cổ 8 (14,5%), trong đó CE tủy 2 (10,5%), KCE tủy 6 (16,7%); Tổn thương kết hợp cổ-ngực 2 (3,6%), trong đó CE tủy 11 (5.3%), KCE tủy 1 (2,8%); Tổn thương tủy thắt lưng 1 (1,8%), trong đó CE tủy 0, KCE tủy 2 (2,8%); Trong nhóm CE tủy số đoạn tủy bị tổn thương tối thiểu là 1, tối đa là 3; Trong nhóm KCE tủy số đoạn tủy bị tổn thương tối thiểu là 3, tối đa là 10.

Hội chứng tổn thương theo chiều ngang:

  Nhóm CE tủy

Số bệnh nhân/

Tỷ lệ %)

Nhóm KCE tủy

Số bệnh nhân/

Tỷ lệ %)

Tổng

Số bệnh nhân/ Tỷ lệ %)

Tổn thương theo chiều ngang hoàn toàn 6 (31,6) 3 (8,34) 9 (16,37)
Tổn thương theo chiều ngang không hoàn toàn 13 (68,5) 33 (91,66) 46 (83,63)

Hội chứng cắt ngang tủy hoàn toàn có 9 (16,37%), trong đó CE tủy 6 (31,6%), KCE tủy 3 (8,34%); Còn lại là hội chứng cắt ngang tủy không hoàn toàn 46 (83,66%), trong đó CE tủy 13 (68,5%), KCE tủy 33 (91,66%), chủ yếu là hội chứng 2/3 trước tủy chiếm tỷ lệ cao nhất, không có tổn thương 1/3 sau tủy hoặc trung tâm tủy.

Tổn thương thân sống chủ yếu ở nhóm CE tủy, tổn thương mô mềm cũng tương tự. Thoát vị đĩa đệm có cả hai nhóm CE tủy và KCE tủy có tỷ lệ lần lượt là 3 (15,8%) và 8 (22,2%). Phù tủy sống nhóm KCE chiếm tỷ lệ cao 26 (72,2%), nhóm CE tủy không có trường hợp nào phù tủy sống. Tóm lại hình ảnh học có vai trò to lớn trong chẩn đoán vị trí tổn thương và nguyên nhân của bệnh, từ đó việc điều trị được thuận lợi và hiệu quả (2).

Dịch não tủy

Lượng đạm bình thường có 21 trường hợp (38,2%), trong đó CE tủy 2(10,5%) và KCE tủy 19 (52,77%); Lượng đạm tăng có 34 trường hợp (61,8%), trong đó CE tủy 17(89,5%) và KCE tủy 17 (47,2%), kết quả của K. Das là (37,8%)(2). So sánh với số đạm trung bình theo lý thuyết là 45 mg% thì có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p=0,008. Lượng đạm trung bình trong nhóm CE tủy là 67,68 ± 18,66, tăng cao hơn nhóm KCE 45,22 ± 18,86. Đường DNT dưới ½ đường huyết chiếm tỷ lệ cao có 26 trường hợp (47,8%), trong đó CE tủy có 11 (57,9%), KCE tủy có 15 (41,7%); Lượng đường DNT từ ½ đến 2/3 đường huyết có 23 trường hợp (41,8%), trong đó CE tủy có 7 (36,8%), KCE tủy có 16 (44,7%); Lượng đường DNT lớn hơn 2/3 đường huyết có 6 trường hợp (10,9%), trong đó CE tủy có 1 (5,3%), KCE tủy có 5 (13,9%). Lượng đường trung bình nhóm KCE 56,21 ± 14,19 cao hơn nhóm CE tủy 48,54 ± 9,96. số lượng bạch cầu tăng trong DNT có 16 trường hợp (29,1%), trong đó KCE tủy có 11 (30,6%), CE tủy có 5 (26,3%). Số lượng bạch cầu trung bình là 18,71 ± 40,78, nhỏ nhất là 0, lớn nhất là 246 tế bào. Về thành phần bạch cầu thì bạch cầu đa nhân trung tính tăng có 1 trường hợp (1,8%), chủ yếu là của nhóm KCE tủy; Bạch cầu lympho tăng trong 13 trường hợp (23,6%), trong đó KCE tủy có 9 (25%), CE tủy có 4 (21,1%), tương đương với nghiên cứu của Prabhakar có trung bình 20,78 tế bào (từ 0 – 200 tế bào) (7). Các kết quả PCR lao, nhuộm gram tìm vi trùng, nhuộm mực tàu soi tìm nấm đều cho kết quả âm tính 100% các trường hợp.

Chẩn đoán nguyên nhân bệnh tủy:

Nhóm bệnh tủy KCE, tỷ lệ cao nhất là bệnh tủy do viêm có 22 bệnh nhân (40 %). XCRR có 5 trường hợp (9,1%). Nhồi máu tủy có 4 trường hợp (7,3%). ATM có 3 trường hợp (5,5%). ADEM có 2 trường hợp (3,6%). Nhóm CE tủy thì u chèn tủy chiếm tỷ lệ cao nhất có 12 trường hợp (21,8%). Xuất huyết tủy có 2 trường hợp (3,63%). Lao cột sống CE tủy và u nội tủy tương đương nhau đều có 1 trường hợp (1,8%). Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh tủy cần phải có giải phẩu bệnh lý, điện di đạm DNT, những điều nầy chúng tôi không thực hiện được. Chẩn đoán trên chúng tôi chỉ dựa vào lâm sàng, công thức máu, xét nghiệm DNT và hình ảnh CHT tủy sống để chẩn đoán bệnh của tủy sống. Theo nghiên cứu của K Das ở Ấn Độ có 71.95% có nguyên (2).

Mối liên quan giữa LHCD và CHT và DNT:

Có sự khác biệt giữa từng vị trí LHCD, liệt tứ chi và liệt cứng với vị trí tổn thương theo chiều ngang và chiều dọc trên CHT có ý nghĩa thống kê  (p= 0,002 và  p= 0,001).

Không có sự khác biệt giữa sự thay đổi đạm, đường, Chlor và tế bào trong DNT với LHCD, liệt tứ chi và liệt cứng trên lâm sàng.

KẾT LUẬN

Về đặc điểm về dân số học :

Bệnh không phân biệt giới tính, tuổi mắc bệnh thường là trong độ tuổi lao động.

Nghề nghiệp chủ yếu là lao động chân tay, chiếm 56,4%.

Nơi cư ngụ, bệnh nhân sinh sống vùng nông thôn 74,5%.

Về đặc điểm lâm sàng:

Bệnh tủy chia làm hai nhóm CE tủy và KCE tủy; Khởi phát bệnh chủ yếu là từ từ 67,3%, với triệu chứng yếu liệt hai chi dưới hoặc rối loạn cơ vòng, thời gian liệt dưới 1 tuần chiếm đa số, liệt hai chi dưới thường đối xứng có băng cảm giác, có dấu hiệu tháp và rối loạn cơ tròn.

Đoạn tủy tổn thương hay gặp ở tất cả nguyên nhân là tủy ngực theo chiều dọc và theo chiều ngang là 2/3 trước tủy.

Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm tủy đối với nhóm KCE tủy, và ung thư cột sống đối với nhóm CE tủy.

Về đặc điểm DNT:

Màu sắc DNT trong không màu không có trường hợp nào thay đổi màu sắc DNT.

Đạm DNT tăng đều cả hai nhóm, nhưng không tăng nhiều, có 30,9% đạm không tăng.

Đường DNT thay đổi tùy theo đường máu, tỷ lệ dưới ½ đường huyết chiếm tỷ lệ cao có 26 trường hợp chiếm 47,8%, chủ yếu gặp trong viêm tủy.

Bạch cầu DNT, đa số bình thường 70,9%, tăng trong 29,1% trường hợp, thành phần bạch cầu chủ yếu là loại lympho bào.

PCR lao, soi tìm vi sinh vật gây bệnh như vi trùng, nấm đều âm tính.

Về hình ảnh CHT:

Giúp xác định rõ vị trí tổn thương và định hướng cho chẩn đoán nguyên nhân bệnh tủy.

Tài liệu tham khảo

  1. Achiron A, Barak Y, (2000). Multiple sclerosis-from probable to definite diagnosis, a 7-year prospective study. Arch neurol. Vol 57, pp. 974-79.
  2. Das . K., Saha .K, Ganguly, Roy .N, Maity .B, (1999). Profile of non-compressive myelopathy in eastern India: a 2-year study, India, Vol. 99(2), pp. 100-5.
  3. Jan Novy, MD; Alain Carruzzo, MD; Phlippe Maeder, MD; Julien Bogousslavsky, MD, (2006). Spinal Cord Ischemia. Arch Neurol. Vol. 63, pp. 1113-20.
  4. Mizuno J, Nakagawa H, Inoue T, Hashizume Y, (2003). Clinicopathological study of “snake-eye appearance” in compressive myelopathy of the cervical spinal cord. J Neurosurg Vol. 99(2 Suppl), pp. 162-8.
  5. Omar Abdel-Mannan; Imran Mahmud, (2011). A Patient Presenting with Intact Sensory Modalities in Acute Spinal cord Ischemia Syndrome: A Case Report, Vol. 5 (1).
  6. Owolabi . LF, Nagoda . MM,  Samaila, Aliyu, (2010). Spinal tuberculosis in adults: A study of 87 cases in Northwestern Nigenia, Vol. 15 (3), pp. 239-44.
  7. Prabhakad S, Syal .P, Singh .P, Lal.V, Khandelwal, and Das .C.N (1999). Non compressive myelopathy: clinical and radiological study. Neurol India, 47(4), pp. 253-4.
  8. Saleh M. Al Deeb, Basim A. Yaqub, George W. Bruyn and Nabil M. Biary (1997). Acute transverse myelitis. A localized form of postinfectious encephalomyelitis. Saudi Arabia, Vol. 120, pp. 1115-22.
  9. Stefano Bastianello, Andrea Paolillo, Elisabetta Giugni, Giulio Evangelisti, Giacomo Luccichenti, Ugo Angeloni, Claudio Colonnese, Marco Salvetti, Claudio Gasperini, Carlo Pozzilli and Cesare Fieschi, (2000). MRI of spinal cord in MS, Journal of NeuroVirology. Vol 6, Suppl 2, pp. 130-3.

 

* PGS.TS. Bộ môn Thần Kinh ĐHYD TP.HCM

** BS. BVĐK Mỹ Phước Tây huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, email: nguyenhieunghia1965@gmail.com , ĐT: 0983 779 892