Khảo sát hội chứng chân không yên trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng
Khảo sát hội chứng chân không yên trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng
ThS. Võ Nguyễn Ngọc Trang, PGS.TS. Nguyễn Hữu Công
Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế
TÓM TẮT
Mở đầu: Bệnh lý rễ thắt lưng cùng là một trong các yếu tố nguy cơ của hội chứng chân không yên (RLS). Thuốc đồng vận dopamine và Pregabalin đều có hiệu quả trong điều trị bệnh lý này. Tại Việt Nam, cho tới nay, chưa có nghiên cứu khảo sát RLS trên bệnh lý rễ thắt lưng cùng được công bố.
Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ RLS và mức độ nặng RLS trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng. So sánh hiệu quả của Pramipexole và Pregabalin trong điều trị RLS.
Phương pháp: Báo cáo hàng loạt ca. Đánh giá mức độ nặng RLS thông qua thang điểm IRLS và CGI-S. So sánh hiệu quả Pramipexole 0,25mg và Pregabalin 75mg sau 4 tuần điều trị bằng thang điểm IRLS và CGI-I.
Kết quả: Tỷ lệ hội chứng chân không yên trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng là 8,3% (11/132 trường hợp), cao hơn so với nhóm không có bệnh lý rễ thắt lưng cùng (1,2%). Trong 11 trường hợp RLS (6 nam, 5 nữ), tuổi trung bình 55,7 ± 14,7,bệnh lý rễ thắt lưng cùng thường gặp nhất ở đĩa đệm L3-L4, L4-L5 và L5-S1 khi khảo sát trên MRI, tương ứng với tổn thương rễ L4, L5 và S1 trên điện cơ. Phần lớn (91%) các trường hợp bị RLS ở mức độ trung bình – nặng khi đánh giá bằng thang điểm IRLS, tương ứng với mức độ trung bình – rõ rệt trên thang điểm CGI-S. Không có mối liên quan giữa mức độ nặng của RLS với tuổi, giới, tầng đĩa đệm tổn thương trên MRI, cũng như rễ tổn thương trên điện cơ. Sau 4 tuần điều trị, so sánh Pregabalin với Pramipexole, Pregabalin có khuynh hướng cải thiện điểm số IRLS (12,7) nhiều hơn (12,7 và 8,6, p > 0,05), tỷ lệ bệnh nhân phục hồi nhiều hoặc rất nhiều trên thang điểm CGI-I cũng cao hơn (66,7% và 60%, p > 0,05), khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Kết luận:Tỷ lệ hội chứng chân không yên tăng lên trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng. Pramipexole và Pregabalin đều có hiệu quả trong điều trị RLS.
Từ khóa:hội chứng chân không yên, bệnh lý rễ, thang điểm đánh giá RLS của nhóm nghiên cứu RLS quốc tế (IRLS), thang điểm cảm nhận tổng thể lâm sàng (CGI)
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh lý rễ thắt lưng cùng gặp trong khoảng 50% cộng đồng và là một trong các nguyên nhân chính gây tàn phế, làm giảm chất lượng cột sống. Thường gặp nhất là bệnh lý thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống ở đĩa đệm L4-L5 và L5-S1, kế tiếp là L3-L4 và L2-L3. Hội chứng chân không yên là rối loạn vận động cảm giác bao gồm biểu hiện khó chịu thường gặp ở chi dưới, thuyên giảm khi cử động và nặng lên khi nghỉ ngơi cũng như khi về đêm[5]. FDA đã chấp thuận thuốc đồng vận dopamine (Pramipexole) trong điều trị RLS từ năm 2006. Ngoài ra, các thuốc không dopaminergic khác, như chất gắn kết kênh calcium alpha-2-delta (Pregabalin), là thuốc được chấp thuận trong điều trị đau và động kinh, cũng được chứng minh có hiệu quả trong hội chứng chân không yên [2].
Hội chứng chân không yên(restless leg syndrome, RLS) có tỷ lệ ước tính khoảng 1,9 – 4,6% trong cộng đồng [7], cụ thể là khoảng 2-3% dân số châu Âu và Bắc Mỹ [2]; tỷ lệ này tăng lên theo tuổi và giới nữ gặp nhiều hơn nam. Bệnh lý rễ thắt lưng cùng là một trong các yếu tố nguy cơ của hội chứng chân không yên[5]. Tuy nhiên, cho tới nay tại Việt Nam, vẫn chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào hội chứng chân không yên, cũng như chưa thấy có công bố công trình nghiên cứu nào đề cập đến hội chứng chân không yên trên các bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “khảo sát hội chứng chân không yên trên bệnh lý rễ thắt lưng cùng” với các mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Xác định tỷ lệ RLS trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng.
(2) Đánh giá mức độ nặng của RLS trên bệnh lý rễ thắt lưng cùng.
(3) So sánh hiệu quả của Pramipexole và Pregabalin trong điều trị RLS.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế và đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả loạt ca (case series), tất cả các bệnh nhân đến khám tạibệnh viện chuyên Khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế vì bệnh lý rễ thắt lưng cùng, từ 2/2016 đến 8/2016.
Tiêu chuẩn chọn bệnh
chẩn đoán hội chứng chân không yên theo tiêu chuẩn sửa đổi của nhóm nghiên cứu RLS quốc tế năm 2012 (IRLSSG, xem phần phụ lục). Tất cả các bệnh nhân bị bệnh lý rễ thắt lưng cùng có RLS đều được xác định tổn thương rễ bằng hình ảnh học MRI và bằng chẩn đoán chức năng điện sinh lý (điện cơ).
Tiêu chuẩn loại trừ
Có bệnh lý kèm theo có thể là nguyên nhân thứ phát của hội chứng chân không yên, bao gồm:
- Bệnh đa dây thần kinh
- Bệnh Parkinson
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh lý thận mạn tăng urê máu
- Bệnh mạch máu ngoại biên
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Có thai
Đánh giá mức độ nặng
dựa vào các thang điểm (xem phần phụ lục): cảm nhận tổng thể lâm sàng (Clinical Global Impression – severity of illness, CGI-S), và đánh giá hội chứng chân không yên của nhóm nghiên cứu RLS quốc tế (IRLS),bao gồm 4 mức độ: (1) Rất nặng (31-40đ); (2) Nặng (21-30đ); (3) Trung bình (11-20đ); (4) Nhẹ (1-10đ).
Đánh giá đáp ứng điều trị
dựa vào thang điểm cảm nhận tổng thể lâm sàng (Clinical Global Impression – Improvement, CGI-I, xem phần phụ lục) sau 4 tuần. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: điều trị bằng Pramipexole (Sifrol) 0,25mg hoặc Pregabalin (Lyrica) 75mg; hoặc cùng một bệnh nhân điều trị bằng Pramipexole 0,25mg trong 4 tuần, sau đó chuyển sang Pregabalin (Lyrica) 75mg.
Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong thời gian từ tháng 2-2016 tới tháng 8-2016,khảo sát trên tổng cộng 3364 bệnh nhân, có 49 trường hợp thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán RLS theo IRLSSG 2012.
Bảng 1.Tỷ lệ RLS trên bệnh lý rễ thắt lưng cùng
Nhận xét: tỷ lệ RLS trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng cao hơn so với nhóm không có bệnh lý rễ thắt lưng cùng, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Thống kê trong 11 bệnh nhân bị hội chứng thắt lưng hông có RLS: tuổi trung bình 55,7 ± 14,7, tỷ lệ nam/nữ là 6/5 (= 1:1,2). Trên hình ảnh học MRI, vị trí các đĩa đệm tổn thương, gồm L3-L4, L4-L5 và L5-S1, lần lượt là 1, 6 và 6 trường hợp. Chứng cớ các rễ thắt lưng cùng bị tổn thương trên EMG và số trường hợp, lần lượt là L3 = 2, L4 = 5, L5 = 4 và S1 = 2.
Bảng 2. Mức độ nặng của RLS trên bệnh lý rễ thắt lưng cùng
Nhận xét:Phần lớn (91%) các trường hợp bị RLS ở mức độ trung bình và nặng khi đánh giá bằng thang điểm IRLS, tương ứng với mức độ trung bình và rõ rệt trên thang điểm CGI-S.
Bảng 3. Các mối liên quan với mức độ nặng hội chứng chân không yên
Nhận xét: Không có mối liên quan giữa mức độ nặng của RLS với tuổi, giới, tầng đĩa đệm tổn thương trên MRI cũng như rễ tổn thương trên điện cơ (p> 0,05).
Bảng 4. Đáp ứng điều trị thông qua thang điểm IRLS
Nhận xét: không có sự khác biệt về tuổi và mức độ nặng RLS của 2 nhóm trước điều trị. Sau 4 tuần, Pregabalin có vẻ cải thiện điểm số IRLS (12,7) nhiều hơn so với Pramipexole (8,6), khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Bảng 5. Đáp ứng điều trị thông qua thang điểm CGI-I
Nhận xét: tỷ lệ bệnh nhân phục hồi nhiều hoặc rất nhiều của Pregabalin (66,7%) cao hơn Pramipexole (60%), khác biệt không có ý nghĩa thống kê (66,7% và 60%, p > 0,05).
BÀN LUẬN
Tỷ lệ RLS trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng
Hội chứng chân không yên (RLS) là rối loạn vận động cảm giác có tỷ lệ ước tính khoảng 1,9 – 4,6% trong cộng đồng [7], 2-3% dân số châu Âu và Bắc Mỹ [2]; tỷ lệ này tăng lên theo tuồi và giới nữ gặp nhiều hơn nam. Tỷ lệ RLS thấp hơn ở các nước châu Á, cụ thể là khoảng 1,48% ở Hàn Quốc [3] và 1,06% ở Nhật [7]. Tại 1 phòng khám thuộc bệnh viện chúng tôi, trong thời gian 7 tháng (từ 2-2016 tới 8-2016), có 132 trường hợp bệnh nhân đến khám vì bệnh lý rễ thắt lưng cùng, trong đó có 11 bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán RLS theo IRLSSG 2012, chiếm tỷ lệ 8,3%, cao hơn so với nhóm không có bệnh lý rễ thắt lưng trong nghiên cứu (1,2%), và cũng cao hơn sao với tỷ lệ RLS ở cộng đồng châu Á (Hàn Quốc, Nhật) [3][7].
Khi so sánh tỷ lệ RLS trên nhóm bệnh lý rễ thắt lưng cùng, chúng tôi thấy tỷ lệ của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Jin Seo Yang tại Hàn Quốc năm 2014. Tác giả Jin Seo Yang và cộng sự tìm thấy tỷ lệ RLS tại khoa cột sống là 5% (32/639) [8]. Nguyên nhân của sự khác biệt này có thể lý giải do cách lấy mẫu khác nhau. Tác giả lấy mẫu ở tất cả các bệnh nhân đến khám vì triệu chứng khó chịu ở chân tại khoa cột sống. Trong khi đó, chúng tôi chỉ lấy mẫu sau khi bệnh nhân chụp MRI xác định có bệnh lý thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống và có tổn thương rễ trên điện cơ. Chính vì vậy, tỷ lệ RLS của chúng tôi cao hơn. Tuy nhiên, so sánh với một nghiên cứu khác của tác giả Kocabicak vào năm 2014, tỷ lệ này lại thấp hơn nhiều. Tác giả Kocabicak và cộng sự tìm thấy tỷ lệ RLS ở bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng là 68,1% và ở nhóm chứng là 16,4% [5]. Nguyên nhân có thể do sự khác biệt về chủng tộc và cách lấy mẫu khác nhau. Chúng tôi lấy mẫu từ các bệnh nhân ở phòng khám nội thần kinh, còn tác giả lấy mẫu trên dân số bệnh nhân châu Âu ở cả khoa nội thần kinh và ngoại thần kinh, trên các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm kháng trị với điều trị bảo tồn và có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, có một điểm chung là chúng tôi và các tác giả đều tìm thấy tỷ lệ RLS tăng lên ở bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng. Như vậy, bệnh lý rễ thắt lưng cùng là một trong các yếu tố nguy cơ của hội chứng chân không yên.
Mức độ nặng RLS trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng
Trong 11 bệnh nhân RLS này, điểm IRLS trung bình là 19,6 ± 5,8. Phần lớn (91%) các trường hợp bị hội chứng chân không yên ở mức độ trung bình – nặng khi đánh giá bằng thang điểm IRLS, tương ứng với mức độ trung bình – rõ rệt trên thang điểm CGI-S; không có bệnh nhân nào bị RLS ở mức độ rất nặng cần phải nhập viện. So sánh với nghiên cứu của tác giả Allen RP và cộng sự vào năm 2014, trên 540 bệnh nhân RLS được điều trị bằng Pramipexole và Pregabalin, điểm IRLS trung bình của nhóm sử dụng Pramipexole, Prebagalin và nhóm chứng tương ứng là là 22,3 ± 5,7, 22,4 ± 5,4 và 22,4 ± 5,6 [2]. Như vậy, mức độ nặng trong nghiên cứu của tác giả cũng tương đương so với trong nghiên cứu của chúng tôi, với điểm IRLS trung bình là khoảng 20 điểm.
Khi khảo sát các mối liên quan với mức độ nặng của hội chứng chân không yên, chúng tôi nhận thấy không có mối liên quangiữa mức độ nặng RLS với tuổi, giới, tầng đĩa đệm tổn thương trên MRI cũng như rễ tổn thương trên điện cơ (p> 0,05). Điều này phù hợp với một nghiên cứu tại châu Âu, tác giả cũng đưa ra kết luận thoát vị đĩa đệm bên trái hoặc phải, 1 bên hoặc 2 bên và tầng đĩa đệm thoát vị không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu [5].
So sánh hiệu quả của Pramipexole và Pregabalin trong điều trị RLS
Về điều trị, FDA đã chấp thuận thuốc đồng vận dopamine (Pramipexole) trong điều trị RLS từ năm 2006. Tuy nhiên bệnh nhân điều trị với thuốc đồng vận dopamine, có thể bị hiện tượng tăng nặng (augmentation) lên sau vài năm [2], vì vậy có nhu cầu tìm kiếm thêm khả năng điều trị khác. Chất gắn kết kênh calcium alpha-2-delta (Pregabalin), là thuốc được chấp thuận trong điều trị đau và động kinh, cũng được chứng minh có hiệu quả trong hội chứng chân không yên. Trong nghiên cứu, chúng tôi sử dụng Pramipexole 0,25 mg, sau đó là Pregabalin 75 mg và đánh giá hiệu quả mỗi thuốc sau 4 tuần điều trị.
So sánh với các nghiên cứu đã thực hiện trên thế giới (xem phần phụ lục), chúng tôi thấy mặc dù khác nhau về liều Pregabalin và thời gian điều trị, nhưng mức độ giảm IRLS giữa nghiên cứu của chúng tôi so với các tác giả khác là gần tương đương nhau, với mức độ giảm IRLS trung bình khi sử dụng Pregabalin là khoảng 12 điểm [1][2][4]. Về Pramipexole, mức độ giảm IRLS trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 8,6, cao hơn một chút so với tác giả Allen là 7,8 [2]. Tuy nhiên, mức độ cải thiện trong cả 2 nghiên cứu này đều thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Oertel năm 2007 [6]. Nguyên nhân có thể do trong nghiên cứu, tác giả sử dụng liều Pramipexole cao hơn (0,125 – 0,75 mg, liều trung bình: 0,35 mg) và thời gian theo dõi kéo dài hơn (6 tuần).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có sự khác biệt ban đầu về tuổi và mức độ nặng RLS giữa 2 nhóm trước khi điều trị. Sau 4 tuần, kết quả cho thấy Pregabalin có vẻ cải thiện điểm số IRLS (12,7) nhiều hơn so với Pramipexole (8,6) (p > 0,05), tỷ lệ bệnh nhân phục hồi nhiều hoặc rất nhiều của Pregabalin cũng cao hơn Pramipexole (66,7% và 60%, p > 0,05). Tuy nhiên, do cỡ mẫu còn hạn chế nên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu của tác giả Allen RP và cộng sự năm 2014 cũng cho thấy Pregabalin có vẻ hiệu quả hơn Pramipexole, với mức độ giảm IRLS trung bình khi sử dụng Pramipexole 0,25 mg và Pregabalin 300mg sau 12 tuần lần lượt là 7,8 và 11,6; tỷ lệ bệnh nhân phục hồi rất nhiều hoặc nhiều khi dùng Pramipexole 0,25 mg và Pregabalin tương ứng là 51,2% và 71,4% [2]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu, mục tiêu chính của tác giả là so sánh hiện tượng tăng nặng bệnh giữa 2 nhóm thuốc, tác giả không so sánh sự khác biệt về hiệu quả điều trị giữa Pramipexole và Pregabalin. Như vậy, qua so sánh với các tác giả, kết quả của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới đã thực hiện, cả Pramipexole và Pregabalin đều có hiệu quả trong điều trị RLS. Trong tương lai, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và thời gian theo dõi kéo dài hơn.
KẾT LUẬN
Tỷ lệ hội chứng chân không yên trên bệnh nhân bệnh lý rễ thắt lưng cùng là 8,3%, cao hơn so với nhóm bệnh nhân không có bệnh lý rễ thắt lưng cùng.
Phần lớn các trường hợp (91%) bị hội chứng chân không yên ở mức độ trung bình – nặng khi đánh giá bằng thang điểm IRLS, tương ứng với mức độ trung bình – rõ rệt trên thang điểm CGI-S.
Không có mối liên quan giữa mức độ nặng của RLS với tuổi, giới, tầng đĩa đệm tổn thương trên MRI cũng như rễ tổn thương trên điện cơ.
Pramipexole và Pregabalin đều có hiệu quả trong điều trị RLS, thông qua giảm điểm số IRLS lần lượt là 8,6 và 12,7, tỷ lệ bệnh nhân phục hồi nhiều hoặc rất nhiều trên thang điểm CGI-I tương ứng là 60% và 66,7%, Pregabalin có khuynh hướng hiệu quả hơn Pramipexole nhưng không có ý nghĩa thông kê (p > 0,05).
ABSTRACT
Background:Radiculopathy is one of the secondary risk factors for RLS. Dopaminergic medications and Pregabalin relieve symptoms of the restless legs syndrome (RLS). Up to date in Vietnam, there is no published reportson RLS in patients with lumbosacral radiculopathy.
Objectives: To investigate the frequency and the severity of RLS in patients with lumbosacral radiculopathy, and compare the treatment efficacy on RLS between Pramipexole and Pregabalin.
Methods: A case series study. The analyses involved a comparison of Pramipexole 0.25 mg and Pregabalin 0.75 mg over a period of 4 weeks,using the International RLS (IRLS) Study Group Rating Scale and the Clinical Global Impression of Improvement scale.
Results: Of the radiculopathy patients, 8,3% (11 patients) had RLS. Among 11 RLS subjects (6 men, 5 women), mean age 55,7 ± 14,7years, the most common discopathies are L5-S1 and L4-L5 in lumbar MRI findings; L4 and L5 are the most common affected roots in EMG findings. Most of cases (91%) suffered from moderate to severe RLS. In the patients with radiculopathy, age, gender, the level of hernia and the affected root did not signifiantly affect the severity of RLS (p > 0.05). Over a period of 4 weeks, comparing between Pragabalin 0.75 mg and Pramipexole 0.25 mg, Pregabalin has a tendency of the improvement in mean scores on the IRLS scale greater Pramipexole (12.7 vs 8.6, respectively), and of the proportion of patients with improved symptoms greater than Pramipexole (66,7% vs 60%), but no statistically significant (p > 0.05) .
Conclusions: There was an increase in the frequency of RLS in the radiculopathy patients. Both Pregabalin and Pramipexole provided significantly improved treatment outcomes.
Key words: Restless leg syndrome (RLS), radiculopathy, International RLS (IRLS) Study Group Rating Scale, Clinical Global Impression of Improvement scale (CGI-I).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Allen R., Chen C., et al. (2010), “A randomized, double-blind, 6-week, dose-ranging study of pregabalin in patients with restless legs syndrome”. Sleep Med, 11 (6), pp. 512-9.
2. Allen Richard P., Chen Crystal, et al. (2014), “Comparison of Pregabalin with Pramipexole for Restless Legs Syndrome”. New England Journal of Medicine, 370 (7), pp. 621-631.
3. Cho Y. W., Shin W. et al. (2008), “Epidemiology of Restless Legs Syndrome in Korean Adults”. Sleep, 31 (2), pp. 219-23.
4. Garcia-Borreguero D., Larrosa O., et al. (2010), “Treatment of restless legs syndrome with pregabalin: a double-blind, placebo-controlled study”. Neurology, 74 (23), pp. 1897-904.
5. Kocabicak E., Terzi M., Akpinar K., et al. (2014), “Restless Leg Syndrome and Sleep Quality in Lumbar Radiculopathy Patients”. Behav Neurol, 2014.
6. Oertel W. H., Stiasny-Kolster K., et al. (2007), “Efficacy of pramipexole in restless legs syndrome: a six-week, multicenter, randomized, double-blind study (effect-RLS study)”. Mov Disord, 22 (2), pp. 213-9.
7. Ohayon M. M., O’Hara R., Vitiello M. V. (2012), “Epidemiology of restless legs syndrome: a synthesis of the literature”. Sleep Med Rev, 16 (4), pp. 283-95.
8. Yang J. S., Cho Y. J., Kang S. H., Choi H. J. (2014), “Demographic and Clinical Characteristics of Patients with Restless Legs Syndrome in Spine Clinic”. J Korean Neurosurg Soc, 55 (2), pp. 83-8.