Hạt muồng chữa mất ngủ có hiệu quả không? Có an toàn không?
Hạt muồng là hạt của cây muồng tràm, từ xa xưa đã được dùng trong y học cổ truyền để an thần, thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng và đặc biệt hiệu quả trong điều trị mất ngủ. Cách dùng hạt muồng trị mất ngủ như thế nào? Cùng ECO Pharma tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Hạt muồng chữa mất ngủ có an toàn không? Cách dùng hạt muồng trị mất ngủ
Hạt muồng là gì?
Hạt muồng còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hạt đậu ma, hạt muồng muồng, lạc giời. Đây là hạt của cây muồng (thảo thuyết minh), có tên khoa học là Cassia Tora L, thuộc họ đậu và mọc tự nhiên. Tại Việt Nam, cây mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Phú Thọ, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Cây thảo thuyết minh là một loài thực vật thân thảo nhỏ, chiều cao trung bình từ 30 cm đến 90 cm. Lá cây mọc so le, dạng kép với 2 – 4 lá chét, dài khoảng 3 cm – 5 cm và rộng 15 mm – 20 mm. Hoa mọc ra từ kẽ lá, có màu sắc vàng tươi rực rỡ. Quả hạt muồng hình trụ dài, màu lục nâu hoặc nâu xỉn, quả dài từ 12 cm – 14 cm, bên trong có khoảng 25 hạt. Khi chín, nếu chúng ta không thu hoạch thì quả sẽ tự tách vỏ và hạt sẽ tự bung ra ngoài. Thông thường người ta thường thu hoạch hạt muồng vào cuối thu từ tháng 9 đến tháng 11.
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, hạt muồng còn sống, chưa qua chế biến có vị nhạt, tính bình, tác dụng nhuận tràng, ích thận, mát gan, sáng mắt và giáng hỏa. Sau khi được sơ chế, hạt muồng (thảo quyết minh) có vị ngọt đắng, mặn, tính hơi hàn, tác dụng an thần, hạ huyết áp, mát gan, giáng hỏa. Ngày nay, hạt muồng được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị nhiều bệnh lý như mất ngủ, táo bón, cao huyết áp, gan nóng, mắt mờ,… (1)
Hạt muồng là hạt của cây thảo thuyết minh, thuộc họ đậu và mọc tự nhiên.
Hạt muồng chữa mất ngủ như thế nào?
Trong Y học cổ truyền, hạt muồng nổi tiếng là một vị thuốc tốt có tác dụng trị bệnh mất ngủ, ngủ không sâu giấc, giúp ngủ ngon hơn. Cụ thể:
- Kích thích sản xuất melatonin: Hạt muồng giúp cơ thể sản xuất và bài tiết hormone melatonin tự nhiên. Melatonin là hormone đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều hòa giấc ngủ, giúp dễ buồn ngủ và ngủ ngon hơn.
- Giảm căng thẳng, lo âu: Trong hạt muồng chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, vitamin C, E, có tác dụng làm dịu căng thẳng, lo âu, giảm nguy cơ mất ngủ do stress.
- Cân bằng điện giải: Cung cấp kali giúp cân bằng điện giải trong cơ thể, giúp thần kinh hoạt động ổn định hơn, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
- Kích thích sản xuất serotonin: Hạt muồng muồng chứa tryptophan – tiền chất của serotonin, giúp não sản xuất serotonin, melatonin tự nhiên, tạo cảm giác thư giãn, an thần và kích thích giấc ngủ.
- Bổ sung dưỡng chất thiết yếu: Cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu như protein, lipid, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo năng lượng sau giấc ngủ.
Hướng dẫn cách dùng hạt muồng chữa mất ngủ tại nhà
Hạt muồng là vị thuốc dân gian quen thuộc được sử dụng để cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả. Dưới đây là 2 cách dùng hạt muồng chữa mất ngủ đơn giản mà bạn có thể áp dụng tại nhà:
Sắc uống
Chuẩn bị:
- 10 gram – 15 gram hạt muồng.
- 500 ml nước.
Cách thực hiện:
- Đem hạt muồng đi rửa sạch lại với nước để loại bỏ tạp chất và bụi sạn.
- Tiến hành sao vàng hạt muồng và đổ nước sôi vào hãm trong vòng 10 – 15 phút.
- Uống ấm sau bữa ăn tối và uống hết trong vòng một ngày.
Pha trà
Chuẩn bị:
- 5 gram – 7 gram hạt muồng sao vàng.
- Nước nóng.
Cách thực hiện:
- Cho 5 gram – 7 gram hạt muồng sao vàng vào tách hoặc ấm trà.
- Đổ nước nóng vào tách hoặc ấm và hãm như pha trà thông thường.
- Uống trà hạt muồng sau khi ăn và uống khi trà còn nóng.
- Uống hằng ngày vào buổi chiều và buổi tối trước khi đi ngủ. Thời gian uống kéo dài từ 10 – 15 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hạt muồng chữa mất ngủ bằng cách sắc uống hoặc pha trà.
Các lưu ý khi sử dụng hạt muồng chữa mất ngủ
Mặc dù hạt muồng là vị thuốc dân gian an toàn và lành tính, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc cải thiện tình trạng mất ngủ, nhưng khi sử dụng đậu muồng trị mất ngủ bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Hạt muồng có thể tương tác với một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc một số dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Do đó, trước khi uống hạt muồng bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, tránh những tương tác thuốc nguy hiểm.
- Sau khi ăn thì bạn hãy nên uống nước sắc từ hạt muồng để phát huy tối đa tác dụng.
- Tuyệt đối tránh uống nước hạt muồng qua đêm vì có thể gây đau bụng và tiêu chảy.
- Không uống hạt muồng liên tục trên 3 tháng nếu không sẽ gây ra tình trạng rối loạn nội tiết.
- Không nên vì muốn cải thiện tình trạng mất ngủ nhanh mà lạm dụng quá liều lượng quy định. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi ngày chỉ nên sử dụng 10 gram – 15 gram hạt muồng. Nếu sử dụng quá nhiều trong cùng một lúc có thể gây hại cho sức khỏe.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ trước khi uống hạt muồng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng.
- Những người bị tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng thì không nên sử dụng hạt muồng vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
- Chọn mua hạt muồng tại các địa chỉ tiệm thuốc Bắc uy tín để đảm bảo chất lượng và tránh nhầm lẫn với một số loại hạt khác.
Các tác dụng khác của hạt muồng với sức khỏe
Ngoài tác dụng chữa trị mất ngủ, trong y học cổ truyền, hạt muồng còn được sử dụng để điều trị một số bệnh về đau mắt đỏ, táo bón, hắc lào, nấm da, lợi thủy, nhuận tràng,… Còn trong y học hiện đại, hạt muồng còn có một số tác dụng tốt với sức khỏe tổng thể như:
Chất chống oxy hóa
Chiết xuất metanol từ hạt muồng có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, thậm chí còn mạnh hơn cả alpha-tocopherol (vitamin E). Các nghiên cứu cho thấy emodin là thành phần có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất. Bên cạnh đó, Nor-rubrofusarin glucoside và alaternin cũng có khả năng loại bỏ các gốc tự do hiệu quả, ngăn chặn quá trình oxy hóa, giúp ngăn ngừa một số bệnh về xơ vữa động mạch, ung thư, Alzheimer,…
Hạ đường huyết
Chiết xuất ethanol từ hạt muồng có tác dụng giảm mỡ máu, giúp giảm LDL cholesterol và triglyceride, đồng thời tăng HDL cholesterol (mỡ máu tốt).
Bảo vệ gan
Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanol từ hạt muồng có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi độc tố galactosamine và chống lại các tổn thương gan. Ngoài ra, ononitol monohydrate chiết xuất từ lá muồng cũng có hoạt tính bảo vệ gan, giúp giảm nồng độ transaminase trong huyết thanh, tăng khả năng hoạt động của enzym gan.
Hạt muồng còn có tác dụng hạ đường huyết và bảo vệ gan.
Kháng khuẩn và kháng nấm
Hạt muồng có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn Staphylococcus Aureus kháng Methicillin (MRSA). Đồng thời, hạt muồng có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các loại nấm gây bệnh ngoài da như Trichophyton mentagrophyte, Saccharomyces cerevisiae, Aspergillus niger và Candida albicans.
Điều trị táo bón
Các hoạt chất aloe-emodin, emodin và anthraquinone glycosides trong hạt muồng có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiết dịch tiêu hóa. Nhờ đó, chúng giúp cải thiện tình trạng táo bón, đau bụng và đầy hơi rất tốt. Đặc biệt, hạt cây muồng còn có tác dụng làm mềm và bôi trơn phân, giúp cơ thể dễ dàng đi ngoài.
Hỗ trợ giảm viêm
Hoạt chất methanol trong hạt muồng có tác dụng chống viêm, giúp giảm phù nề hiệu quả. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hạt muồng có thể hỗ trợ giảm viêm do các tác nhân arrageenan, Histamine và Serotonin gây ra.
Tốt cho người bị tiểu đường
Butanol trong hạt muồng giúp kích thích tuyến tụy sản sinh insulin và lượng glucozo. Đồng thời nó còn tăng độ nhạy cảm của insulin với tế bào, từ đó hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu hiệu quả, cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Hạt muồng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngừa bệnh tiểu đường – Ảnh: Internet
Một số biện pháp cải thiện mất ngủ khác
Để cải thiện tình trạng mất ngủ về đêm, bạn có thể tham khảo áp dụng một số cách dưới đây:
Tránh uống rượu và cafein trước đi ngủ
Rượu bia có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào lúc đầu, nhưng lại gây ra các cơn tỉnh giấc giữa đêm để dậy đi vệ sinh. Ngoài ra, rượu còn làm giảm giấc ngủ REM (giai đoạn quan trọng cho chức năng não bộ). Tương tự, nếu bạn uống cà phê hoặc nước tăng lực vào cuối chiều hoặc tối thì caffeine cũng sẽ khiến bạn tỉnh táo vào đêm khuya vì caffeine có thể lưu lại trong cơ thể đến sáu giờ.
Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ
Các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính và màn hình TV phát ra ánh sáng xanh. Mà ánh sáng xanh có tác động ức chế quá trình sản sinh melatonin – hormone tiết ra vào ban đêm tạo cho bạn cảm giác buồn ngủ. Khi nồng độ melatonin giảm thì bạn sẽ trở nên trằn trọc, khó ngủ hơn và ngủ không sâu giấc.
Nghiên cứu của Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ) cho thấy những người sử dụng thiết bị điện tử nhiều giờ trước khi ngủ có chất lượng giấc ngủ kém hơn những người khác. Do đó, để dễ chìm vào giấc ngủ, bạn hãy tắt điện thoại ít nhất 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ.
Thiền định
Theo kết quả nghiên cứu của Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, thiền định có tác dụng giảm đau, giảm stress, lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Đây được xem như là liều thuốc an thần giúp cho giấc ngủ ngon và sâu hơn. Thiền giúp bạn tập trung vào hơi thở, suy nghĩ những việc ở hiện tại, bỏ qua những lo toan, muộn phiền ở quá khứ và tương lai, giúp tâm trí tĩnh lặng, an nhiên hơn.
Thiền định giúp thư giãn tâm trí và căng thẳng, từ đó giúp ngủ ngon hơn.
Tập thể dục trong ngày
Trong quá trình tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra endorphin giúp thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng và đem lại cảm giác sảng khoái hơn. Đồng thời, endorphin làm tăng độ nhạy cảm của thụ thể adenosine, giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn. Mỗi ngày bạn nên duy trì tập thể dục ít nhất 20 – 30 phút và không tập trước khi đi ngủ khoảng 3 giờ.
Ngâm chân với nước ấm
Khi ngâm chân với nước ấm, cơ bắp ở bàn chân và bắp chân được thư giãn, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, nước ấm giúp giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến bàn chân, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Ra khỏi giường
Mặc dù đã lên giường đi ngủ nhưng khoảng 10 – 20 phút sau bạn vẫn chưa ngủ là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi nằm trên giường bạn nên tránh trằn trọc trong lúc còn tỉnh táo. Nếu đã nằm im trong hơn 20 phút mà không ngủ được, bạn hãy ra khỏi giường và thử làm những việc như giặt giũ hoặc đọc sách cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Lưu ý khi ra khỏi giường bạn cần tránh nhìn vào bất kỳ thiết bị điện tử nào vì chúng phát ra ánh sáng xanh.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Thực phẩm có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ nhờ vào việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết hoặc chứa các thành phần thúc đẩy giấc ngủ như tryptophan, vitamin thiết yếu, melatonin hoặc serotonin.
Dưới đây là những loại thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn uống để ngủ ngon hơn:
- Trái cây giàu melatonin: Uống nước ép anh đào chua, đặc biệt là giống Jerte Valley và Montmorency. Ngoài ra, ăn kiwi là cách tuyệt vời để bổ sung melatonin tự nhiên.
- Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá trích và tôm chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe não bộ và giấc ngủ.
- Các nguồn protein khác: Thịt gia cầm, trứng, sữa và phô mai cũng là những lựa chọn tốt cho giấc ngủ nhờ cung cấp protein và các dưỡng chất cần thiết.
- Thực phẩm giàu tinh bột phức hợp: Bánh mì nguyên cám, đậu, hạt bí ngô và các loại ngũ cốc chứa tryptophan – tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa tâm trạng và giấc ngủ.
- Rau xanh: Rau xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho giấc ngủ, đồng thời trong rau xanh có chứa nhiều chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu, tránh tình trạng đói bụng vào đêm khuya.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ – Ảnh: Internet
Xem thêm: Ăn gì dễ ngủ? 22 loại thực phẩm hỗ trợ giấc ngủ tốt nhất
Một số câu hỏi liên quan
Sau đây, là một số câu hỏi liên quan về phương pháp sử dụng hạt muồng chữa mất ngủ được nhiều người quan tâm:
Hạt muồng có tác dụng phụ gì không?
Hạt muồng chứa các thành phần có lợi cho sức khỏe như chrysophanol, obtusin, aurantio-obtusin, nhưng chúng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách. Các tác dụng phụ thường gặp.
- Rối loạn tiêu hóa: Uống hạt muồng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa như: đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn.
- Hạ huyết áp: Hạt muồng có khả năng làm giảm huyết áp. Do đó, những người đang sử dụng thuốc hạ huyết áp không nên dùng hạt muồng vì có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp quá mức.
- Co thắt tử cung: Hạt muồng có thể gây co thắt tử cung, vì vậy phụ nữ mang thai tuyệt đối không được sử dụng.
- Các vấn đề khác: Ngoài ra, hạt muồng còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác như: mệt mỏi, lo âu, co cứng cơ, béo phì, hội chứng ruột kích thích (IBS) và vẩy nến.
Liều dùng hạt muồng như thế nào để an toàn và hiệu quả?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, liều dùng hạt muồng an toàn và hiệu quả cho người trưởng thành khỏe mạnh thường dao động từ 10 gram – 15 gram mỗi ngày. Tuy nhiên, liều lượng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ nhạy cảm của cơ thể và mục đích sử dụng của mỗi người. Do đó, để đảm bảo hạt muồng trị mất ngủ phát huy tối đa tác dụng bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Hạt muồng chữa mất ngủ từ lâu đã được nhiều người biết đến như một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Mặc dù hạt muồng đem đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa mất ngủ mà không cần sử dụng thuốc, tuy nhiên nó chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị mất ngủ. Do đó, bạn nên kết hợp sử dụng hạt muồng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên để có được giấc ngủ ngon, sức khỏe tốt.