Đột quỵ não dự phòng

TS. Nguyễn Hoàng Ngọc

Trung tâm dột quỵ não – Bệnh viện TWQĐ 108

Đột quỵ não (stroke) hoặc cơn tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) do mất đột ngột lưu lượng máu tới não (chảy máu não hoặc tắc mạch não) dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng gây tử vong (Graeme J. Hankey, 2002).
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư (Sacco R.l, Wolf P.A, Gorelick P.B, 1999), đứng hàng đầu về tàn phế ở người trưởng thành. Hàng năm ở Mỹ có khoảng 700.000 – 750.000 bệnh nhân mới và tái phát (JAMA.VOL 283 No 23, June 21, 2000), chi phí 30 tỷ USD cho điều trị nội trú và phục hồi chức năng (Matchar D.B; Duncan P, 1994). Tại Pháp, 12% tử vong ở người già do nguyên nhân đột quỵ não, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân tử vong. Tỷ lệ mới mắc đột quỵ ở Mỹ là 135/100.000 dân (Broderick và cộng sự, 1991), ở Pháp là 145/100.000 dân (Giroud, 1993). Tỷ lệ đột quỵ tính toàn châu Âu, số người bị đột quỵ lần đầu tiên trong khoảng 141-219/100.000 dân (1993). Ở châu Á, theo Hiệp hội thần kinh các nước Đông nam Á, tỷ lệ mới mắc đột quỵ não là: Nhật bản từ 340 – 523/100.000 dân; Trung quốc 219/100.000 dân; Israel 140/100.000 dân; Ấn độ 13/100.000 dân; Mông cổ 8/100.000 dân; Srilanca 29/100.000 dân; Việt nam 161/100.000 dân (Lê Đức Hinh, 1998). Dự kiến đến năm 2020, đột quỵ não là một trong bốn bệnh hàng đầu dẫn đến tử vong (Michaud C.M; Murray C.J; Bloom B.R, 2001). Ở Việt nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ não đang gia tăng ở mức đáng lo ngại ở cả hai giới và các lứa tuổi.
Nguy cơ xẩy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xẩy ra dưới 65 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não là tăng huyết áp.
Đột quỵ não gồm hai thể bệnh chính: chảy máu não và thiếu máu não cục bộ (thiếu máu não). Theo thống kê, đột quỵ thiếu máu não chiếm khoảng 80 – 85%, đột quỵ chảy máu não chiếm từ 10 – 15%.
Quan niệm đột quỵ não chỉ là cách kết thúc cuộc đời của người già nay đã lỗi thời. Từ những năm của thập kỷ 80 trở lại đây, tỷ lệ tử vong ở các nước phát triển đã giảm nhờ chẩn đoán sớm và với các phương tiện hồi sức tích cực, tổ chức thành các đơn vị đột quỵ não cũng như các trung tâm đột quỵ não đã điều trị có hiệu quả bệnh. Mặt khác nhờ hiểu biết cơ chế bệnh sinh, có các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng có hiệu quả nhất là điều trị bệnh tăng huyết áp, nên tỷ lệ mới mắc ở các nước phát triển đã giảm đáng kể ở Anh, và các nước Bắc Âu. Từ các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đã đưa ra nhận xét sau: Đột quỵ não là bệnh dự phòng có kết quả bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng. Nếu điều trị sớm trong các giờ phút đầu, có thể hạn chế tử vong và di chứng.
Các biện pháp điều trị củng cố và dự phòng tái phát sau đột quỵ
Để giảm nguy cơ tái phát của các trường hợp thiếu máu não thoảng qua và đột quỵ thiếu máu não cục bộ do huyết khối vữa xơ động mạch, các tác giả đã đi đến thống nhất gồm 3 chiến lược hành động sau:
– Khai thông sớm của bất kỳ các các hẹp nặng triệu chứng có nguồn gốc từ động mạch cảnh trong bởi phẫu thuật khai thông động mạch.
– Giảm dần các yếu tố nguy cơ nguyên nhân mạch máu (tăng huyết áp, tăng cholesterol, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, bỏ hút thuốc lá) để ngăn chặn sự tạo thành vữa xơ động mạch khác nữa.
– Điều trị chống kết tập tiểu cầu để ngăn chặn sự tạo thành mảng vữa xơ động mạch mới và các biến chứng huyết khối vữa xơ động mạch do đứt vỡ các mảng này.
Các biện pháp cụ thể bao gồm:
– Thay đổi phong cách sống cố định, nhàm chán, ít vận động và các thói quen có hại (không hút thuốc lá, chống lạm dụng rượu, hạn chế các stress), tập luyện thân thể thường xuyên.
– Duy trì huyết áp tối đa và tối thiểu (< 140/90mmHg)
– Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ (đái tháo đường, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch)
– Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirine, dipiridamol, clopidogrel) theo chỉ dẫn.

Sử dụng thuốc điều trị dự phòng đột quỵ:
Các thuốc tây y: Các thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu do ức chế sự tổng hợp thromboxan A2 của tiểu cầu (chất làm dính các tiểu cầu với nhau và với thành mạch) đồng thời giúp ổn định màng tế bào làm ADP không giải phóng ra được khỏi màng tế bào để tham gia vào quá trình kết dính tiểu cầu nên đã được dùng phổ biến trong thời kỳ cấp để ngăn chặn huyết khối tiến triển và tái phát. Chúng có lợi ích dự phòng lâu dài cho nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đột quỵ bao gồm rung nhĩ, tình trạng tăng đông. Tuy vậy, các thuốc này không làm tiêu có ý nghĩa cục máu đông và không thể tái lập nhanh tưới máu não trong giai đoạn cấp. Các thuốc chống kết tập tiểu cầu chủ yếu bao gồm :
* Aspirin:
– Với các bệnh nhân có tiền sử gia đình có nguy cơ mạch máu cao (tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại vi, đái tháo đường) dùng aspirin giảm được nguy cơ xẩy ra đột quỵ não và tim xấp xỉ 19%.
– Với các bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ thiếu máu não trước đó, dùng aspirin giảm được xấp xỉ 19 – 23% đột quỵ tái phát trong 3 năm (placebo là 13%), tỷ lệ giảm tuyệt đối xấp xỉ (30/1000/3 năm và 10/1000/năm). Tác dụng không mong muốn chủ yếu của aspirin là gây biến chứng chảy máu đường tiêu hoá (0,5%/năm)
*Dypiridamol
– Giảm nguy cơ đột quỵ ở các bệnh nhân có tiền sử gia đình có nguy cơ mạch máu khoảng 10% và ở các bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ trước đó xấp xỉ 13%. Dypiridamol không gây biến chứng chảy máu tiêu hoá nhưng gây đau đầu (xấp xỉ 8%), trong một số trường hợp người bệnh không tiếp tục điều trị thuốc này được.
*Aggrenox
– Là thuốc kết hợp Aspirin + Dypiridamol (25mg + 200mg) làm giảm tác dụng không mong muốn của aspirin và tăng hiệu quả điều trị dự phòng gấp 2 lần dùng aspirin đơn độc (xấp xỉ 37%). Nghiên cứu dự phòng đột quỵ Châu Âu (ESPS-2) cho rằng phác đồ kết hợp giữa aspirin và dypiridamol là sự lựa chọn dược lý hứa hẹn để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.
*Clopidogrel
– Clopidogrel làm giảm có ý nghĩa nguy cơ tái phát đột quỵ ở các bệnh nhân có tiền sử thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ thiếu máu não cục bộ trước đây đạt xấp xỉ 30% và ít gây biến chứng chảy máu tiêu hoá so với aspirin. Hiện nay thuốc thường dùng là Plavix
Các thuốc y học cổ truyền dân tộc:
– Hoa đà tái tạo hoàn (Huatuozaizao pilis): là phương thuốc bí truyền dân gian Trung quốc được Công ty Hữu hạn Dược phẩm Kỳ tinh Quảng châu nghiên cứu sản xuất dưới dạng viên hoàn, liều dùng 8 gam/1 lần x 2 lần/24h, một đợt điều trị 30 ngày, có thể uống 3 đợt liên tục và không có tai biến. Thuốc có tác dụng khu phong khai khiếu, hoạt huyết hoá ứ, tiêu sưng tán kết. Thuốc đã được nghiên cứu thực nghiệm trên động vật (thỏ, chó, mèo, chuột) nhận thấy thuốc làm tăng lưu lượng động mạch cảnh gốc và động mạch cảnh trong, làm tăng cường tính co bóp của cơ tim. Thuốc cũng đã được nghiên cứu thử nghiệm trên lâm sàng ở nhiều bệnh viện của Trung Quốc để điều trị cho các bệnh nhân sau đột quỵ não (cả đột quỵ chảy máu và đột quỵ thiếu máu não) và đã được xác định có sự cải thiện rõ lưu lượng máu não của bệnh nhân, giảm độ quánh máu, giảm chỉ số kết tập tiểu cầu, cải thiện khả năng biến dạng hồng cầu.
– Luotai: là Panax notogingseng saponin (dạng bột pha tiêm, viên nén, dung dịch tiêm) của Tập đoàn Dược phẩm Côn Minh Trung Quốc dùng để điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ não cấp và bán cấp do có tác dụng làm bền vững thành mạch máu, cải thiện vi tuần hoàn, tác động vào quá trình đông máu, giảm đau và chống viêm. Thuốc cũng đã được sử dụng rộng rãi ở Trung quốc và được Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện TƯQĐ108 nghiên cứu sử dụng có hiệu quả.
– Hoạt huyết dưỡng não: cũng được giới thiệu có tác dụng cải thiện lưu lượng máu não.
– Viên Kỷ cúc địa hoàng và Tứ vật đào hồng: được chiết xuất từ mật bò đã được nghiên cứu điều trị phục hồi sau đột quỵ não có kết quả tại viện Y học Cổ truyền Quân đội .

Đột quỵ não là một trong những bệnh lý tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội vì chi phí điều trị cho đột quỵ não rất cao và tỷ lệ tàn phế rất nặng. Tuy nhiên đột quỵ não là một bệnh có thể phòng bệnh được khi chúng ta phát hiện và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh như tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch dễ tạo cục tắc như rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn…Vì vậy đối với những người trên 50 tuổi nên khám bệnh định kỳ phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả theo đúng phương châm ‘’phòng bệnh hơn chữa bệnh’’, Một khi dột quỵ đã xảy ra bệnh nhân cần được đến bệnh viện vào các trung tâm đột quỵ để điều trị kịp thời giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.