Chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam 60 năm xây dựng và trưởng thành (1956-2016)

Chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam 60 năm xây dựng và trưởng thành (1956-2016)

GS.TS.BSCC. LÊ VĂN THÍNH

TRƯỞNG KHOA THẦN KINH, BỆNH VIỆN BẠCH MAI

 

 Cách đây đúng 60 năm, ngày 2 tháng 12 năm 1956, theo quyết định của Bộ Y tế, Khoa TinhThần kinh – Bệnh viện Bạch Mai chính thức được thành lập, cùng lúc đó tại Trường Đại học Y dược khoa Hà Nội Bộ môn Tinh thần kinh cũng chính thức ra đời. Bác sĩ Nguyễn Quốc ánh một chuyên gia về lĩnh vực thần kinh và tinh thần từ Pháp về được giao nhiệm vụ làm Trưởng khoa kiêm trưởng Bộ môn Tinh thần kinh. Giúp việc cho trưởng khoa lúc bấy giờ chỉ có một y sĩ và một số cán bộ, nhân viên, y tá, hộ lý.

Ngày 15-8-1969, được phép của Bộ Y tế, của Bệnh viện Bạch Mai và của Trường Đại học Y dược khoa Hà Nội, chuyên ngành Tinh thần kinh đã chính thức chia thành 2 chuyên ngành riêng biệt là Thần kinh học và Tâm thần học. Một trang sử mới được mở ra đối với chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam nói chung và đối với Khoa Thần kinh-Bệnh viên Bạch Mai nói riêng. Đó là việc xây dựng và phát triển các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu và các kỹ thuật mũi nhọn trong chuyên khoa Thần kinh học cũng như việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đại học và trên đại học được đặc biệt chú trọng. Từ năm 1976-1984, Trưởng khoa đồng thời là Trưởng Bộ môn Thần kinh là cố bác sĩ Đoàn Liên Thanh. Giai đoạn từ 1984-2002, Trưởng khoa Thần kinh- Bệnh viện Bạch Mai là GS.TS. Lê Đức Hinh, và các Phó trưởng khoa là PGS.TS. Nguyễn Chương, bác sĩ Vũ Trọng Hồng, thạc sĩ Lê Trọng Luân. PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng là Trưởng Bộ môn Thần kinh học-Đại học Y Hà Nội từ 1990-1998. Bác sĩ Đinh Văn Bền phụ trách Bộ môn Thần kinh từ năm 1998-2000. GS.TS Lê Quang Cường là trưởng Bộ môn Thần kinh, TS Nguyễn Văn Liệu và GS.TS Lê Văn Thính là Phó trưởng Bộ môn từ  năm 2000 đến nay.

 Đến nay chuyên khoa Thần kinh đã có 150 cán bộ viên chức bao gồm các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, cử nhân điều dưỡng, y tá trung học và hộ lý. GS.TS.BSCC.Lê Văn Thính làm trưởng khoa và các phó khoa là PGS.TS. Lương Thuý Hiền, PGS.TS. Nguyễn Văn Liệu và TS.BS Võ Hồng Khôi.

Trải qua 60 năm kể từ ngày thành lập, chuyên khoa Thần kinh đã thực sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ các thầy thuốc chuyên khoa dày dặn kinh nghiệm trong công tác phục vụ người bệnh, trong giảng dậy đào tạo và chỉ đạo tuyến chuyên khoa. Với quy mô giường bệnh theo kế hoạch của bệnh viên là 200 giường, nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên trong khoa lên tới 250-350, mỗi ngày đêm số bệnh nhân được chuyển vào khoa điều trị nội trú từ 25 đến 50 bệnh nhân, hàng năm khoa đã điều trị cho hơn 50.000 lượt bệnh nhân với chất lượng và hiệu quả điều trị cao, có uy tín trong và ngoài nước.

Số bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là các bệnh Tai biến mạch máu não cấp tính, Động kinh và các Hội chứng động kinh, Viêm não do virus, các bệnh Dây thần kinh, các bệnh rối loạn chuyển hoá, các bệnh Thoái hoá mất myeline của hệ thần kinh và di truyền. Khoa đã chia thành 5 đơn vị chuyên sâu về lâm sàng là Phòng cấp cứu Thần kinh; Phòng Thần kinh mạch máu (Đột quỵ não) (T1), Phòng Thần kinh chung(T2), Phòng Thần kinh nhiễm khuẩn(T3),Phòng Thần kinh trẻ em và động kinh, và một đơn vị cận lâm sàng là Phòng thăm dò chức năng thần kinh bao gồm các phòng chụp cắt lớp vi tính não (CTscan), Điện cơ đồ (EMG), Điện não đồ vi tính (EEG), Siêu âm Doppler xuyên sọ (TCD), và siêu âm Doppler ngoài sọ (Duplexscan). Ngoài ra Khoa còn có 2 Phòng Khám thần kinh đặt tại khoa khám bệnh của bệnh viện và 1 phòng tái khám các bệnh lý thần kinh đặt tại khoa và  Phòng Hành chính. Trên cơ sở đó khoa đã dần dần hình thành các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu như Đơn vị Nghiên cứu và điều trị Tai biến mạch máu não cấp tính, Đơn vị Nghiên cứu và điều trị động kinh, Đơn vị Nghiên cứu viêm não virus ở người lớn, đơn vị nghiên cứu và điều trị bệnh Parkinson.

Chuyên khoa Thần kinh ngày càng phát triển cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật bằng việc ra đời các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại như chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch máu cộng hưởng từ (MRA), chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA), siêu âm doppler xuyên sọ (TCD), siêu âm màu mạch máu ngoài sọ (Duplex Scan), điện não đồ vi tính và video, điện cơ đồ và điện thế khêu gợi (Evoke Potential), các xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch hiện đại, xét nghiệm EliSA, xét nghiệm PCR, CRP, sinh thiết cơ, v.v… Việc kết hợp chặt chẽ giữa khám lâm sàng thần kinh với các xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại đã cho phép xác định được những trường hợp rất khó chẩn đoán trước kia thì nay công việc đó chỉ giải quyết trong một vài phút.

Khoa thường xuyên cộng tác với các chuyên khoa khác trong và ngoài bệnh viện, giữa quân y và dân y, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong công tác khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và trao đổi thông tin y học.

Trong nghiên cứu khoa học, Chuyên khoa Thần kinh đã hoàn thành nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở,cấp bộ và các đề tài hợp tác quốc tế đã bảo vệ đề tài cấp bộ đạt kết quả xuất sắc. Những đề tài này đều có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học rất lớn mang lại lợi ích trong công tác phục vụ người bệnh, giảng dạy, đào tạo và chỉ đạo tuyến chuyên khoa. Nhiều bài báo khoa học đã được đăng trong các tạp chí y học có uy tín trong và ngoài nước.

Trong công tác đào tạo cán bộ, khoa kết hợp chặt chẽ với bộ môn Thần kinh-Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đã đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú bệnh viện. Là cơ sở thực hành cho sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội và Trường cao đẳng Y tế-Bệnh viện Bạch Mai.

Công tác chỉ đạo tuyến cũng được chú trọng và đẩy mạnh trong những năm gần đây. Khoa kết hợp chặt chẽ Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện luôn sắp xếp từng thời kỳ đi xuống các bệnh viện địa phương ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung để giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức chuyên khoa và khám hội chẩn chẩn đoán và điều trị trong chuyên khoa.

Mặt khác, khoa cũng mở các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức Thần kinh tại khoa cho các đồng nghiệp tuyến dưới. Và từ đó có sự gắn kết thông tin 2 chiều giữa tuyến trung ương với các tuyến cơ sở.

Chuyên khoa Thần kinh-Bệnh viện Bạch Mai là một trong nhiều thành phần chủ yếu trong các hoạt động của Hội Thần kinh học Việt Nam đã góp phần đưa Hội Thần kinh học Việt Nam trở thành thành viên quốc gia của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á từ năm 1997 và Hiệp Hội Thần kinh thế giới.

Khoa cũng đã mở rộng quan hệ chuyên môn với Hoa Kỳ, đặc biệt với Uỷ ban Hoa Kỳ hợp tác khoa học với Việt Nam và đã cử cán bộ trẻ của Khoa sang Hoa Kỳ, Nhật bản, Australia học tập những kiến thức và kỹ thuật hiện đại để về phục vụ chuyên khoa. 3 cán bộ của khoa được công nhận là thành viên của Viện Hàn lâm Thần kinh học Hoa Kỳ, một số là thành viên trong các Hội Tai biến mạch máu não Hoa Kỳ, Tổ chức Nghiên cứu siêu âm Thần kinh của Hội Thần kinh thế giới, Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế, Liên hội Quốc tế chống động kinh. v.v…

Ngoài ra, khoa còn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Nhật Bản, Australia, Israel, và một số nước và tổ chức quốc tế khác…

Khoa đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị quốc tế về Động kinh lần đầu tiên tại Việt Nam (2000), Hội nghị chuyên đề liên khoa về Tai biến Mạch máu não (2001, 2005,2006, 2007 và 2008), Hội nghị quốc tế về Tai biến mạch máu não (2002), Hội thảo quốc tế về Sa sút trí tuệ (2004, 2005, 2008). Một số cán bộ của khoa đã tham gia báo cáo tại các Hội nghị quốc tế về Thần kinh học ở nhiều nước trên thế giới, thường xuyên trao đổi khoa học, viết bài đăng ở các báo và tạp chí chuyên ngành tại khu vực và quốc tế.

Trải qua 60 năm liên tục phấn đấu và trưởng thành, chuyên khoa Thần kinh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen và giấy khen. Một số cán bộ viên chức của khoa được tặng huân chương lao động hạng nhì, hạng ba, huy chương vì sức khoẻ nhân dân, huy chương vì sự nghiệp khoa học và môi trường, huy chương vì thế hệ trẻ, danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và nhiều bằng khen của Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Y tế, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, toàn thể cán bộ viên chức Khoa Thần kinh luôn luôn đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của chi bộ khoa và ban lãnh đạo khoa phấn đấu hơn nữa để xứng đáng là chuyên khoa đầu ngành về Thần kinh học, thành viên của bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước – Bệnh viện Bạch Mai và đặc biệt chúng tôi vẫn còn nhớ mãi ngày 3/10/2009  trong buổi thăm và làm việc tại bệnh viện Bach Mai của Bộ trưởng Y tế, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện đã trình bày chương trình phát triển bệnh viện Bạch Mai trở thành một trung tâm Y tế chuyên sâu với quy mô 3500 giường bệnh từ nay đến năm 2020 và tập trung phát triển 7 chuyên khoa “mũi nhọn”, trong đó chuyên khoa Thần Kinh là một trong 7 mũi nhọn đó của BVBM và phấn đấu để trở thành Trung Tâm chuyên nghiên cứu và điều trị các bệnh thần kinh của Việt Nam.