Bàn về sự phát triển thần kinh học ở Việt Nam

Bàn về sự phát triển thần kinh học ở Việt Nam

Lê Đức Hinh

 Hội Thần kinh học Việt Nam

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyên ngành Thần kinh học ở Việt Nam ra đời từ năm 1956 với sự kết hợp thành lập Khoa Thần kinh – Tinh thần Bệnh viện Bạch Mai và khai giảng Bộ môn Thần kinh – Tinh thần Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Từ thuở ban đầu chỉ có một thầy một trò ở Khoa cũng như Bộ môn đến nay đã hình thành được các Khoa Thần kinh tại trên ba mươi tỉnh thành và các Bộ môn Thần kinh học thuộc các Trường Đại học Y Dược khoa trong nước. Tiếp nối sự thành lập Hội Thần kinh – Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam năm 1962 là sự phát triển độc lập của Hội Thần kinh học Việt Nam từ năm 1998 và đến nay đã có tới sáu Chi hội Thần kinh học ở hai miền Nam – Bắc.

Trong chuyên môn, chuyên khoa Thần kinh học đã và đang góp phần vào sự phát triển y học và y tế ở Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng với những thành tích đã đạt được trong thế kỷ XXI này chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới vai trò và nhiệm vụ của Thần kinh học trong hoàn cảnh hiện nay.

II. HIỆN TRẠNG CỦA THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

Nước ta hiện có hơn 90 triệu người với tỷ lệ hơn 10% dân số người cao tuổi. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tới các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đáng chú ý là sự gia tăng các bệnh không lây truyền và sự bùng phát một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong thần kinh học, khá phổ biến là các bệnh thần kinh – mạch máu, biến chứng của rối loạn chuyển hóa, thoái hóa thần kinh, thoái hóa xương – khớp, nhiễm khuẩn thần kinh, chấn thương thần kinh, v.v… Các số liệu thống kê cho biết bệnh thần kinh đứng hàng thứ bảy trong mười nhóm bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở nước ta trong những năm gần đây. Những nhóm bệnh có biểu hiện lâm sàng liên quan nhiều đến hệ thần kinh là các bệnh hệ tuần hoàn, khối u, hệ cơ – xương – khớp và mô liên kết, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh vật, rối loạn tâm thần, vết thương và ngộ độc. Chỉ riêng chứng nhức đầu cũng thấy có hàng trăm bệnh cảnh khác nhau. Có rất nhiều trường hợp với các chứng đau khác, nhất là đau xuất xứ thần kinh (neuropathic pain) được gặp tại các chuyên khoa khác nhau bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa.

Tại các tuyến y tế trung ương phần lớn đều có Khoa Thần kinh và một số nơi còn có Khoa Phẫu thuật Thần kinh góp phần chăm sóc bệnh nhân. Nhưng tại các tỉnh và thành phố chỉ một số bệnh viện có Khoa Thần kinh; một số nơi còn giữ mô hình kết hợp Thần kinh và Tâm thần. Nhiều địa phương mới chỉ có một hoặc hai Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và cũng có nơi chưa có thày thuốc làm công tác này. Khu vực tập trung chuyên khoa Thần kinh quân dân y vẫn là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Về cận lâm sàng, ngoài các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh y học, mô bệnh học, điện quang quy ước, nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân đã được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại như các máy siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch số hóa xóa nền v.v…

Tuy nhiên, khi nhìn con số thực tế hiện nay của các thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh học bao gồm các Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, cấp I, cấp II và cả một số Bác sĩ mới hoặc sắp ra trường, có thể nói chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ bệnh nhân. Số thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh trẻ em, Thần kinh lão khoa còn rất ít. Trong khi đó số bệnh nhân tới các Phòng Khám Thần kinh có xu hướng gia tăng những năm gần đây; mặt khác các buồng điều trị luôn có tình trạng quá tải. Do đó nhiều bệnh nhân ngại đi khám bệnh mà chỉ tham khảo thông tin về cách xử trí qua sách báo, kể cả một số tài liệu không chính thống, tự tìm các phương thức chữa trị với các loại tân dược, thuốc Đông y, thực phẩm chức năng hiện có quá nhiều trên thị trường. Như vậy đã có một số trường hợp khi được chuyển đến cơ sở y tế thì bệnh đã quá nặng. Ngoài ra một số thầy thuốc chưa chú trọng đúng mức tới thăm khám lâm sàng nhưng lại lạm dụng các xét nghiệm hình ảnh học hiện đại để chẩn đoán. Hậu quả là nhiều khi không xác định được chẩn đoán dẫn đến xử trí không phù hợp. Tình hình nêu trên chỉ ra sự cấp thiết phải tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển chuyên khoa Thần kinh học một cách bền vững ở nước ta.

III. ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CHUYÊN KHOA THẦN KINH HỌC

Hiện nay tại Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình và Hà Nội đã có Bộ môn Thần kinh học. Riêng ở Hà Nội còn có Học viện Quân Y và Viện Nghiên cứu khoa học Y Dược lâm sàng 108. Đây là các cơ sở giảng dạy và đào tạo quan trọng, góp phần tạo nguồn cán bộ chuyên khoa kết hợp với các Khoa Thần kinh trong các bệnh viện.

Về lý thuyết, ngoài các sách giáo khoa đang được sử dụng trong các Bộ môn, học viên còn có thể tham khảo rất nhiều tư liệu y văn trong và ngoài nước, đặc biệt là những thong tin trên các mạng truyền thông quốc tế. Gần đây đã có các thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị đặt ra yêu cầu cần được bổ sung vào các sách giáo khoa và tài liệu chuyên đề. Ở nước ngoài, một số bộ sách cơ bản quan trọng thường được định kỳ tái bản với những bổ sung, chỉnh lý hoặc soạn thảo mới.

Trong phần thực hành, công tác thăm khám lâm sàng luôn yêu cầu sự chỉ dẫn trực tiếp của các cán bộ giảng dậy có kinh nghiệm, nhất là với những năm đầu của chuyên khoa. Việc thăm khám kiểm tra bệnh nhân hàng ngày cũng là những thời điểm thuận lợi để nâng cao kiến thức của học viên thông qua thực tế lâm sàng. Ngoài ra rất cần duy trì hình thức hội chẩn các trường hợp khó hoặc đặc biệt trong phạm vi Khoa – Bộ môn với sự tham gia của các chuyên khoa liên quan như hình ảnh học, mô bệnh học, phẫu thuật thần kinh, phục hồi chức năng v.v…

Cho đến nay các Bộ môn vẫn đặt trọng tâm vào đào tạo thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh chung với thời lượng quy định cho giáo trình. Tuy nhiên lĩnh vực của các khoa học thần kinh (neurosciences) ngày nay đã mở rộng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của Thần kinh học trên thế giới. Thiết nghĩ ở nước ta tại các trung tâm đào tạo Thần kinh học lớn ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nên quan tâm hơn nữa tới sinh lý học thần kinh hiện đại, sinh học phân tử, dược lý thần kinh, thần kinh – tâm lý. Đây cũng là những vấn đề có thể lồng ghép vào các hoạt động nghiên cứu. Thời gian qua đã có nhiều luận văn, luận án phần lớn tập trung vào bệnh lý mạch máu – thần kinh; một số ít đề cập đến động kinh, thoái hóa thần kinh, bệnh lý tủy sống, v.v… Như vậy còn rất nhiều nội dung phong phú cần được quan tâm trong giảng dạy và đào tạo chuyên khoa.

Ngoài ra cùng với hoạt động thường xuyên của các Trung tâm đào tạo, các Chi hội và Trung ương Hội Thần kinh học Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm góp phần cập nhật các kiến thức quan trọng trong thực hành lâm sàng thần kinh.

Về mặt tổ chức, một số hội viên của Hội Thần kinh học Việt Nam đã góp phần xây dựng Hội chống động kinh, Hội phòng và chống tai biến mạch máu não, Hội chống đau. Đây là một xu hướng phát triển khoa học và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Còn trong phạm vi của Hội, chúng ta nên khuyến khích sự hình thành các Nhóm nghiên cứu chuyên đề về bệnh Parkinson và rối loạn vận động, bệnh xơ cứng rải rác, sa sút trí tuệ, bệnh rối loạn chuyển hóa, sa sút trí tuệ, điện sinh lý thần kinh. Cũng giống như mọi nước trên thế giới, các hội viên của chúng ta dù tham gia trong tổ chức nào vẫn có trách nhiệm vun đắp cho sự bền vững của Hội Thần kinh học Việt Nam cũng như Hội Thần kinh học Việt Nam từ trước tới nay luôn là một thành viên trung thành của Tổng hội Y học Việt Nam.

Trong hợp tác quốc tế, chúng ta luôn giữ vững quan hệ với Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á (ASNA), Hiệp hội Thần kinh học châu Á và châu Đại dương  (AOAN), Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (WFN). Ngoài ra các Chi hội Thần kinh học cùng với các Bộ môn Thần kinh học tiếp tục duy trì quan hệ tốt với các chuyên gia của Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Philippin, Hàn Quốc, Đức, Áo, Thái Lan, Tổ chức Đột quỵ não Thế giới (WSO) thông qua việc triển khai các Chương trình đào tạo y học liên tục (CME) cũng như các cuộc hội thảo chuyên đề.

IV. KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN

Chuyên ngành Thần kinh học đang đứng trước nhiều khó khăn về nhân lực chuyên môn và cơ sở chuyên khoa. Hiện nay tại các nơi chưa có thầy thuốc thần kinh, các bệnh nhân đều được điều trị nội hoặc ngoại trú trong các khoa, phòng thuộc hệ nội khoa. Theo quy định, các bệnh viện trung ương cần tiếp tục thực hiện Chương trình 1816 của Bộ Y tế hỗ trợ cho các tuyến trước. Để giải quyết tình trạng quá tải của một số tuyến trung ương, đặc biệt liên quan đến bệnh thần kinh – mạch máu, cần thi hành Hướng dẫn xử trí đột qụy não của Cục Quản lý Khám và Chữa bệnh Bộ Y tế. Như vậy nên thường xuyên kết hợp các chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Điều trị tích cực, Tim mạch, Thần kinh, Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền ở mọi tuyến. Đồng thời duy trì phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông và qua các sinh hoạt câu lạc bộ tại các khu dân cư.

Để góp phần hình thành Khoa Thần kinh nên vận động các bệnh viện chưa có chuyên khoa này cử một số bác sĩ luân phiên nhau về bồi dưỡng chuyên khoa từng đợt ngắn ngày tại các Khoa, Bộ môn đầu ngành ở trung ương. Mặt khác và quan trọng hơn, nên đề ra các chương trình bổ túc Thần kinh học trong thực hành đa khoa cho các cơ sở điều trị, chú ý tuyến huyện, tuyến khu vực, các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Trong các hoạt động đó, bao giờ cũng kết hợp vai trò của các cán bộ  giảng dạy và các cán bộ trong hệ điều trị. Ngoài ra tại Phòng Khám của các bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh, sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của các thầy thuốc có kinh nghiệm rất cần thiết để nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh. Còn tại các cơ sở nội trú, duy trì giao lưu với các chuyên khoa bạn thông qua hội chẩn cũng góp phần giải quyết các vướng mắc thường ngày.

Trong khi quan tâm bồi dưỡng chuyên môn cho các thầy thuốc cần đồng thời nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ y tá và điều dưỡng. Đây chính là những trợ thủ vô cùng quan trọng góp phần mang lại hiệu quả mong muốn trong chăm sóc mọi bệnh nhân.

V. THAY LỜI KẾT

Qua gần sáu mươi năm xây dựng và phát triển, chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào các thành quả của y học và y tế trong nước. Sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể và nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các Trường, Viện, Bệnh viện quân và dân y đã và đang thúc đẩy các hoạt động của chuyên khoa. Trên bước đường đi tới, chúng ta quyết tâm và hy vọng đưa Thần kinh học Việt Nam lên vị trí xứng đáng trong nền y học của nước nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. PGS.TS. Nguyễn Chương (2013). Giảng dạy và đào tạo Thần kinh học tại Trung tâm Viện – Trường Bạch Mai. Tạp chí Thần kinh học, 3: 72-77.
  2. GS.TS. Lê Đức Hinh (2012). Xử trí bệnh mạch não ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị thường niên lần thứ Nhất. Tổng hội Y học Việt Nam, 4 -11.
  3. GS.TS. Lê Đức Hinh (2013). Một số nhận xét về bệnh thần kinh ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị thường niên lần nhứ Nhì. Tổng hội Y học Việt Nam, 15.
  4. GS.TS. Lê Đức Hinh (2013). Suy nghĩ về hướng phát triển của Hội Thần kinh học Việt Nam. Tạp chí Thần kinh học Việt Nam, 2: 4-7
  5. GS.TS. Lê Đức Hinh (2013). Thần kinh học trẻ em: Thách thức và triển vọng. Tạp chí Thần kinh học, 3: 4-7.
  6. GS.TS. Lê Đức Hinh (2014). Tiêu chuẩn chất lượng xử trí đột quỵ não. Tạp chí Thần kinh học, 9:7-11.
  7. Lê Văn Thính, Trần Viết Lức, Nguyễn Thị Xuyên và CS (2010). Tình hình và thực trạng chăm sóc đột quỵ trong các bệnh viện đa khoa từ tuyến tỉnh trở lên ở Việt Nam. Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, 5:38-42.