Ăn socola có mất ngủ không? Ăn ra sao để không bị mất ngủ?

Socola được sản xuất từ cacao, bơ, sữa và một vài chất phụ gia khác. Do cacao chứa caffein nên có lo ngại rằng ăn socola có mất ngủ không, cùng ECO Pharma tìm hiểu rõ hơn ở bài viết sau.

Thành phần dinh dưỡng của socola

Socola được làm từ hạt của cây cacao, sau khi thu hoạch hạt sẽ được mang đi sấy khô và nghiền nhỏ. Cây cacao có nguồn gốc từ các vùng rừng nhiệt đới ẩm Mexico, hạt có mùi vị hơi đắng, chứa lượng chất béo, protein cùng hàm lượng polyphenol cao có lợi cho sức khỏe. Ở những vùng khác nhau, các chế phẩm từ hạt cacao được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau.

 

Các sản phẩm của cacao được phân loại thành bột cacao là phần nhân đặc của hạt nghiền mịn; bơ cacao là phần chất béo được ép lấy tinh chất thông qua một máy ép thuỷ lực. Còn socola nguyên chất là hỗn hợp kết hợp 2 thành phần trên cùng với đường, sữa.

 

Socola chứa một lượng chất xơ hòa tan và nhiều khoáng chất như magie, kẽm, sắt, photpho, đồng, kali, selen. Một thanh socola 100 gam hàm lượng 70% – 85% cacao chứa:

  • 11 gam chất xơ.
  • 66% DV sắt.
  • 57% DV magiê.
  • 196% DV đồng.
  • 85% DV mangan.
  • Các khoáng chất.

100 gam socola cũng tương đương với khoảng 600 kalo. Socola cũng chứa các chất béo, bao gồm chủ yếu là axit oleic, axit stearic và axit palmitic.

Ăn socola có mất ngủ không?

Socola không chỉ là đồ ăn vặt, thức uống được nhiều người yêu thích, nó còn được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe như cung cấp năng lượng, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường,.. Tuy nhiên, vì chứa cacao một thành phần có caffein nên nhiều người lo rằng ăn hoặc uống socola có mất ngủ không.

 

Thực tế, socola chứa một lượng nhỏ caffeine, chất kích thích thường thấy trong cà phê. Caffeine có thể làm tăng tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ nếu tiêu thụ quá nhiều trước khi đi ngủ. Theobromine một chất kích thích hệ thần kinh trung ương khác có trong socola cũng có thể gây khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ.

Ngoài ra, các chế phẩm socola thường chứa đường, một thành phần có thể gây tăng đột biến đường huyết khiến cơ thể khó thư giãn, ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy socola có thể cải thiện tâm trạng nhờ serotonin và endorphin, nhưng đôi khi có thể khiến một số người khó thư giãn, gây khó ngủ, đặc biệt những người nhạy cảm với caffeine hoặc đường có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Để giảm thiểu tác động, nên chọn socola đen, ăn với lượng vừa phải và tránh ăn quá gần giờ ngủ.

Socola có gây mất ngủ không? Socola làm từ cacao, chứa lượng nhỏ caffein nên vẫn có thể gây mất ngủ nếu dùng nhiều, đặc biệt ở người nhạy cảm với caffein

Cách dùng socola không gây mất ngủ

Ăn socola không đúng cách có thể gây mất ngủ. Sau đây là cách sử dụng socola vừa giúp bạn thỏa mãn vị giác, vừa có giấc ngủ ngon:

Lựa chọn mua của thương hiệu có uy tín

Để chọn được một thanh socola vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe, bạn nên chú ý đến nguồn gốc, thành phần và thương hiệu. Ưu tiên những sản phẩm có hàm lượng cacao cao, ít đường và chất phụ gia. Đọc kỹ thông tin trên bao bì và tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Nên dùng các loại socola có màu sẫm, đặc biệt là socola đen

Socola đen và trắng, mỗi loại mang đến những trải nghiệm và giá trị dinh dưỡng khác nhau. Socola đen có hàm lượng cacao cao, thường được xem là lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe. Nó chứa ít đường và chất béo bão hòa hơn so với socola trắng. Socola đen cung cấp nhiều chất chống oxy hóa hơn, có lợi cho tim mạch và hệ thần kinh.

 

Ngược lại, socola trắng chủ yếu được làm từ bơ cacao, sữa và đường, ít chứa cacao nguyên chất. Điều này khiến socola trắng có hàm lượng đường và chất béo cao hơn, có thể không phù hợp với những người đang kiểm soát cân nặng hoặc có các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường.

Socola đen có hàm lượng cacao cao, thường được xem là lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe so với socola trắng, nâu.

Không nên dùng các sản phẩm từ socola vào ban đêm

Socola chứa caffeine và theobromine, hai chất kích thích mạnh mẽ, làm tăng sự tỉnh táo và kích thích hệ thần kinh trung ương. Do đó, tiêu thụ quá nhiều socola, đặc biệt là cuối buổi chiều có thể làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và gây gián đoạn giấc ngủ.

 

Ngoài ra, lượng đường và chất béo cao trong socola cũng góp phần làm gián đoạn giấc ngủ. Khi tiêu thụ socola trước khi đi ngủ, cơ thể sẽ phải làm việc quá sức để tiêu hóa, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

 

Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa mọi nguồn caffeine ít nhất sáu giờ trước khi đi ngủ nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon. Bao gồm socola, cà phê, trà và đồ uống tăng lực. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, nên thời gian này có thể thay đổi. Để chắc chắn, bạn nên tự mình theo dõi và tìm ra thời điểm thích hợp, ngừng tiêu thụ socola để có giấc ngủ ngon nhất.

Không nên dùng socola cùng lúc với cam hoặc sữa

Socola, đặc biệt là socola đen rất giàu khoáng chất và các chất chống oxy hóa cao như flavonoid, polyphenols có lợi cho sức khỏe. Chúng có tác dụng bảo vệ tim mạch, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên việc kết hợp socola với một số loại thực phẩm khác có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng và gây ra một số rủi ro bất lợi cho sức khỏe. Cụ thể:

 

Sữa là một nguồn cung cấp canxi dồi dào, khi kết hợp với axit oxalic có trong socola sẽ tạo ra phản ứng hóa học hình thành canxi oxalat. Hợp chất này không tan trong nước và khó hấp thụ, dẫn đến giảm sinh khả dụng của canxi trong cơ thể. Sự thiếu hụt canxi có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tiêu chảy, khô tóc và tăng trưởng chậm. Do đó, khuyến cáo không nên ăn socola sau khi uống sữa.

 

Theo Viện Quốc gia về Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ (NIDDK), người bị trào ngược dạ dày thực quản nên tránh ăn socola. Một đánh giá nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng thành phần methylxanthine trong socola có khả năng làm giảm áp lực của cơ vòng thực quản dưới, khiến axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản.

 

Đặc biệt, khi kết hợp socola với các loại trái cây có tính axit cao như cam, tình trạng trào ngược có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Axit citric trong cam cùng với methylxanthine trong socola tạo ra một tác động cộng hưởng, làm tăng lượng axit trong dạ dày và kích thích sản sinh axit nhiều hơn, từ đó gia tăng nguy cơ trào ngược. Do đó, để kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên hạn chế tiêu thụ cả socola và các loại trái cây có tính axit cao.

Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên tránh ăn socola với các loại trái cây có tính axit cao như cam vì có thể làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Dùng socola với số lượng hợp lý

Socola là một món ăn được yêu thích bởi hương vị đặc trưng, tuy nhiên bạn cần thưởng thức socola một cách hợp lý. Trung bình, một thanh socola thường chứa khoảng từ 250 calo –  400 calo. Con số này tương đương với 10% lượng calo khuyến nghị hàng ngày của nam giới và 12% lượng calo khuyến nghị hàng ngày của phụ nữ. Thông thường, bạn chỉ mất vài phút để ăn hết một thanh socola nhưng để tiêu hao năng lượng từ thanh socola, một người 50 tuổi cần phải đi bộ trong 45 – 55 phút.

 

Tiêu thụ quá nhiều socola có thể dẫn đến tăng cân nếu không được cân bằng với chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Để tránh dư thừa calo, bạn nên cân nhắc lượng socola tiêu thụ trong một ngày và kết hợp với việc giảm lượng calo từ các nguồn khác như đồ ăn nhanh, đồ uống có đường.

Cân bằng năng lượng nạp vào

Kiểm soát lượng năng lượng nạp vào cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, chỉ nên tiêu thụ khoảng 30 gram socola đen nguyên chất mỗi ngày, không quá 4 lần một tuần. Việc chia nhỏ lượng socola thành nhiều lần ăn trong ngày sẽ giúp bạn kiểm soát cảm giác thèm ăn hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, việc kết hợp socola với các loại hạt, trái cây khô sẽ giúp tăng cường cảm giác no và cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Đồng thời, để tối đa hóa lợi ích sức khỏe, hãy chọn những loại socola đen có hàm lượng cacao từ 70% trở lên.

Các lợi ích của socola đối với sức khỏe

Không chỉ là một món ăn bổ dưỡng, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

Nâng cao năng lượng

Socola đen cung cấp một nguồn năng lượng tự nhiên nhờ sự kết hợp của các chất kích thích, khoáng chất và chất béo lành mạnh. Caffeine và theobromine giúp tăng cường sự tỉnh táo, trong khi sắt, magie và axit oleic hỗ trợ quá trình sản xuất năng lượng ở cấp độ tế bào. Tuy nhiên chỉ nên tiêu thụ nó một cách điều độ, ăn quá nhiều socola đen có thể dẫn đến tăng cân do hàm lượng calo và đường khá cao. Ngoài ra, không nên thay thế socola đen bằng các bữa ăn chính hoặc các nguồn cung cấp năng lượng khác.

Giảm huyết áp

Flavanol, một hợp chất phenolic có trong socola đen, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Flavanol kích thích cơ thể sản sinh nitric oxide, một phân tử tín hiệu giúp giãn nở mạch máu trong cơ thể, cải thiện lưu lượng máu và huyết áp.

 

Một nghiên cứu nhỏ năm 2015 đã điều tra tác dụng của việc tiêu thụ socola ở 60 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và huyết áp cao. Kết quả cho thấy, nhóm người tiêu thụ 25 gam socola đen mỗi ngày trong 8 tuần có chỉ số huyết áp giảm rõ rệt so với nhóm đối chứng ăn cùng lượng socola trắng.

 

Kết quả của một đánh giá năm 2017 cho thấy tác dụng có lợi của socola đen đối với huyết áp có thể đáng kể hơn ở người lớn tuổi và những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, so với những người trẻ tuổi và khỏe mạnh.

Giảm căng thẳng lo âu

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một mối liên hệ đáng chú ý giữa sức khỏe đường ruột và sức khỏe tâm thần. Tiêu thụ socola đen có hàm lượng cacao cao, có thể góp phần cải thiện đa dạng vi khuẩn đường ruột.

 

Một nghiên cứu năm 2022 của Hàn Quốc công bố trên Tạp chí Sinh hóa Dinh dưỡng Mỹ cho thấy, những người thường xuyên tiêu thụ socola đen có sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Đặc biệt, việc tiêu thụ socola đen 85% có liên quan đến sự cải thiện rõ rệt về tâm trạng, giảm cảm giác căng thẳng và lo âu. Các nhà khoa học kết luận rằng sự gia tăng đa dạng của vi khuẩn đường ruột có thể là yếu tố trung gian, tác động tích cực đến trục ruột – não, từ đó cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng lo âu.

Socola có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác căng thẳng và lo âu.

Cải thiện chức năng não

Tiêu thụ socola đen có thể cải thiện chức năng não và giúp ngăn ngừa các tình trạng thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Kết quả của một nghiên cứu nhỏ năm 2018 cho thấy các flavanol có trong socola đen có thể tăng cường tính dẻo dai thần kinh, tức là khả năng tự tổ chức lại của não, đặc biệt là để phản ứng với chấn thương và bệnh tật. Một nghiên cứu khác năm 2016 đã xác định mối liên hệ tích cực giữa việc tiêu thụ socola thường xuyên và hiệu suất nhận thức.

Giảm cholesterol

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng socola đen, đặc biệt là loại có hàm lượng cacao cao có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Các hợp chất phenolic như flavanol trong socola đen đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hồ sơ lipid máu.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2016, tiêu thụ socola đen có thể làm giảm đáng kể mức cholesterol LDL “xấu” và triglyceride, đồng thời tăng HDL “tốt”. Cơ chế tác dụng này liên quan đến khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ của flavanol. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn chặn quá trình oxy hóa LDL cholesterol từ đó giảm nguy cơ tổn thương mạch máu. Ngoài ra, flavanol còn có tác dụng cải thiện độ nhạy cảm insulin, giúp kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng socola đen cũng chứa đường và chất béo. Do vậy, chỉ nên chọn loại có hàm lượng cacao cao và tiêu thụ với lượng vừa phải.

Hỗ trợ tim mạch

Các hợp chất trong socola đen có tác dụng bảo vệ rất cao đối với sự oxy hóa của LDL. Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm đáng kể lượng cholesterol tích tụ trong động mạch, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

 

Thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu quả hỗ trợ tim mạch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ cacao hoặc socola giàu flavanol có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Một đánh giá các nghiên cứu cho thấy ăn socola 3 lần mỗi tuần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch 9%.

 

Một đánh giá khác cho thấy ăn 45 gam socola mỗi tuần làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch 11%. Một thử nghiệm lâm sàng năm 2017 cho thấy những người tham gia tiêu thụ hạnh nhân có hoặc không có socola đen đã cải thiện mức cholesterol LDL.

 

Mặc dù các nghiên cứu hiện tại cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc tiêu thụ socola đen và sức khỏe tim mạch, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu quy mô lớn và lâu dài để khẳng định rõ ràng vai trò của socola đen trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vì quá trình sinh học đã được biết đến (giảm huyết áp và giảm LDL dễ bị oxy hóa) nên có thể việc thường xuyên ăn socola đen có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngăn ngừa tiểu đường

Kháng insulin là tình trạng các tế bào cơ thể không còn nhạy cảm với insulin, là một yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu gần đây cho thấy socola đen có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng này.

Trong một nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của việc tiêu thụ socola giàu Flavonoid hàng ngày, kéo dài trong 6 tháng, người ta nhận thấy rằng tiêu thụ đều đặn 48g socola đen 70% mỗi ngày giúp giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói và tăng cường khả năng sử dụng insulin của cơ thể ở người tham gia. Điều này cho thấy socola đen, đặc biệt là loại giàu cacao có tiềm năng trở thành một phần của chế độ ăn uống giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Làm đẹp da

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các hợp chất flavanol có trong socola đen đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe làn da. Flavanol giúp tăng cường lưu thông máu đến da, cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng tế bào da, từ đó làm tăng độ đàn hồi và độ ẩm cho da. Ngoài ra, flavanol còn có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, giảm thiểu tình trạng cháy nắng và lão hóa sớm.

Một nghiên cứu đáng chú ý đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ socola đen giàu flavanol trong 12 tuần có thể làm tăng đáng kể khả năng chống nắng tự nhiên của da. Điều này có nghĩa là làn da của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư da và các vấn đề về da khác.

Tiêu thụ socola giúp tăng cường khả năng chống nắng, bảo vệ sức khỏe làn da.

Tăng trí nhớ

Socola đen còn được chứng minh là có khả năng cải thiện chức năng não bộ, bao gồm cả trí nhớ. Theo đó, một số nghiên cứu cho thấy ăn cacao giàu flavanol (một thành phần có trong socola đen) có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến não ở người trưởng thành trẻ tuổi. Điều này có thể giải thích tại sao việc ăn cacao hoặc socola đen hàng ngày có thể giúp cải thiện sự chú ý, khả năng học tập bằng lời nói và tăng cường trí nhớ.

Bên cạnh đó, hàm lượng flavanol có trong cacao còn có tiềm năng bảo vệ não bộ khỏi quá trình lão hóa. Chúng có tác dụng duy trì chức năng nhận thức ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ và giảm nguy cơ tiến triển thành chứng mất trí. Ngoài ra, các chất kích thích như caffeine và theobromine có trong ca cao cũng góp phần cải thiện chức năng não trong ngắn hạn bằng cách tăng cường sự tỉnh táo và tập trung.

Những lưu ý khi ăn socola

Ăn socola có thể mang lại cả lợi ích và rủi ro cho sức khỏe. Do đó, việc tiêu thụ socola cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những tác động tiêu cực. Cụ thể:

  • Lựa chọn loại socola: Nên ưu tiên các loại socola đen có hàm lượng cacao cao (từ 70% trở lên). Socola đen chứa nhiều flavonoid – chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Tránh các loại socola sữa hoặc trắng có hàm lượng đường và chất béo cao.

 

  • Kiểm soát lượng ăn: Nên tiêu thụ socola với lượng vừa phải, khoảng 20 gam – 30 gam mỗi ngày. Việc ăn quá nhiều socola có thể dẫn đến tăng cân, gây hại cho răng miệng và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

  • Thời điểm ăn: Ăn socola vào buổi sáng có thể giúp tăng cường sự tập trung và cải thiện tâm trạng. Tránh tiêu thụ socola vào buổi tối gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

 

Lưu ý các tác dụng phụ:

 

  • Tăng cân: Một số nghiên cứu quy mô nhỏ đã gợi ý mối liên hệ giữa việc tiêu thụ socola đen (chứa hàm lượng cacao cao) với chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) thấp hơn và lượng mỡ bụng ít hơn. Mặc dù các nghiên cứu này vẫn còn hạn chế và cần được nghiên cứu sâu hơn nhưng hàm lượng calo cao từ đường và chất béo trong nhiều loại socola, đặc biệt là socola sữa có thể góp phần làm tăng cân nếu tiêu thụ quá mức. Do đó, đối với những người đang kiểm soát cân nặng, việc lựa chọn các loại socola đen có hàm lượng cacao cao, tiêu thụ với lượng vừa phải và đọc kỹ thông tin sản phẩm để biết thành phần dinh dưỡng là điều cần thiết.

 

  • Sâu răng: Hàm lượng đường cao trong socola tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.

 

  • Đau đầu: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất như tyramine, histamine và phenylalanine có trong ca cao có thể là yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu ở một số người. Tuy nhiên, mối liên hệ này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

 

  • Ảnh hưởng đến xương: Có một số bằng chứng cho thấy socola có thể gây ra cấu trúc xương kém và loãng xương. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh Dưỡng Mỹ cho thấy phụ nữ lớn tuổi tiêu thụ socola hàng ngày có mật độ xương và sức mạnh thấp hơn.

 

  • Kim loại nặng: Một số sản phẩm socola, đặc biệt là bột ca cao có thể chứa hàm lượng cadmium và chì vượt quá mức cho phép, gây hại cho thận, xương và các cơ quan khác. Năm 2017, Consumer Lab đã kiểm tra 43 sản phẩm socola và thấy rằng gần như tất cả các bột ca cao đều chứa hơn 0,3 mcg cadmium mỗi khẩu phần, vượt quá mức tối đa được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Những đối tượng cần lưu ý:

 

  • Người hở van tim, xơ cứng động mạch: Đối với những người mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, nhịp tim không đều hoặc hở van tim, việc tiêu thụ socola cần hết sức thận trọng. Các thành phần trong socola, đặc biệt là caffeine có thể làm tăng nhịp tim, gây ra các triệu chứng khó chịu và thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

 

  • Người bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cần đặc biệt chú ý khi tiêu thụ socola. Hàm lượng đường cao trong các loại socola sữa và socola trắng có thể làm tăng đường huyết đột ngột, gây quá tải cho tuyến tụy và làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

 

  • Người béo phì hoặc thừa cân: Người thừa cân, béo phì hoặc có nguy cơ tăng cân nên hạn chế tiêu thụ socola, đặc biệt là các loại socola sữa chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Lượng calo dồi dào từ các thành phần này có thể làm tăng lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, dẫn đến tăng cân và béo phì.

 

  • Trẻ em dưới 3 tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi là đối tượng không nên tiêu thụ socola. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa đủ khả năng để tiêu hóa và hấp thụ hoàn toàn các thành phần trong socola, đặc biệt là chất béo và đường. Việc tiêu thụ socola có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là tiêu chảy. Ngoài ra, caffeine và theobromine có trong socola có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương khiến trẻ trở nên hiếu động, khó ngủ và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ.

 

  • Phụ nữ đang cho con bú: Các thành phần trong socola, đặc biệt là caffeine và theobromine có thể dễ dàng đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Trẻ bú mẹ có thể gặp phải các vấn đề như khó tiêu, rối loạn giấc ngủ, quấy khóc và tăng động.

Tăng cân là một tác dụng phụ thường gặp mà bạn cần lưu ý khi ăn hoặc uống socola.

Một số loại thực phẩm giúp giảm mất ngủ

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa giấc ngủ. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể hỗ trợ cơ thể sản xuất các hormone giúp thư giãn và dễ ngủ hơn. Dưới đây là một số gợi ý về các loại thực phẩm giúp giảm mất ngủ hiệu quả:

 

  • Hạnh nhân: Hạnh nhân chứa một lượng chất béo không bão hòa lành mạnh và các chất chống oxy giúp giảm các nguy cơ bệnh lý về tim mạch và tiểu đường. Bên cạnh đó, hạnh nhân cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ nhờ chứa hàm lượng vitamin B, magie và hormone melatonin. Chúng có tác dụng điều chỉnh đồng hồ sinh học, báo hiệu cho cơ thể chuẩn bị đi ngủ. Một nghiên cứu khảo sát tác dụng của việc cho chuột ăn 400 miligam (mg) chiết xuất hạnh nhân cho thấy chuột ngủ lâu hơn và sâu hơn so với khi không tiêu thụ chiết xuất hạnh nhân.

 

  • Gà tây: Thịt gà tây chứa hàm lượng protein cao, giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp và hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi tập luyện. Đặc biệt, loại thịt này còn chứa tryptophan, một loại axit amin thiết yếu, là tiền thân của serotonin và melatonin – những hormone có vai trò quan trọng trong việc điều hòa giấc ngủ. Một nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ một lượng protein vừa phải trước khi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và ít bị thức giấc giữa đêm.

 

  • Các loại cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ không chỉ là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào mà còn chứa lượng lớn axit béo omega-3. Những axit béo này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ. Omega – 3 có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm các phản ứng viêm mãn tính trong cơ thể, vốn là một trong những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, omega-3 còn có liên quan đến việc điều hòa tâm trạng, giúp giảm căng thẳng và lo âu, từ đó tạo điều kiện cho bạn dễ dàng thư giãn và chìm vào giấc ngủ sâu.

 

  • Trà hoa cúc: Cả Đông y và Tây y đều đánh giá cao tác dụng an thần, hỗ trợ điều hòa giấc ngủ của trà hoa cúc. Theo Đông Y, hoa cúc có vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận, giúp an thần và giải tỏa căng thẳng. Y học hiện đại cũng đã phát hiện ra các thành phần giàu chất chống oxy hóa apigenin có khả năng liên kết với các thụ thể GABA trong não, thúc đẩy cơn buồn ngủ và giảm triệu chứng mất ngủ.

Nếu không ăn socola vẫn mất ngủ phải làm sao?

Mất ngủ là tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ đơn thuần do ăn ăn uống. Nếu bạn đang gặp phải vấn đề này, hãy thử áp dụng những biện pháp sau để cải thiện giấc ngủ:

 

Thay đổi nhỏ trong lối sống hàng ngày như:

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng giúp đồng hồ sinh học của bạn hoạt động ổn định.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử trước khi ngủ.
  • Không nên uống cà phê, trà hoặc các đồ uống có ga chứa caffein vào buổi tối.
  • Ngủ trưa quá dài hoặc không đều đặn có thể làm rối loạn giấc ngủ ban đêm.
  • Ngủ sớm, ngủ đúng giờ và thức dậy vào một thời điểm cố định trong ngày giúp cân bằng nhịp sinh học của cơ thể.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như caffeine, rượu, thuốc lá,… ít nhất 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Tạo một không gian ngủ lý tưởng với ánh sáng dịu nhẹ, nhiệt độ phù hợp và hạn chế tiếng ồn.
  • Tránh ăn quá no trước khi ngủ vì có thể gây khó tiêu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đồng thời, hạn chế uống quá nhiều nước trước khi ngủ để tránh phải thức dậy giữa đêm.
  • Dành thời gian thư giãn trước khi ngủ bằng cách đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc tập thiền.
  • Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng nên tránh tập luyện quá gần giờ ngủ.

 

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp chữa mất ngủ từ y học cổ truyền như:

 

  • Ngâm chân nước ấm cùng với các loại thảo dược như quế, gừng, lá lốt giúp tăng cường tuần hoàn máu ở chân, giảm căng thẳng cơ bắp, điều hòa khí huyết giảm căng thẳng. Nên ngâm chân trong nước ấm (khoảng 40 độ C – 42 độ C) trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng để cơ thể có thời gian thư giãn hoàn toàn.

 

  • Châm cứu giúp cải thiện giấc ngủ bằng cách điều hòa khí huyết, giảm căng thẳng và kích thích sản sinh hormone melatonin, giúp bạn ngủ ngon hơn.

 

  • Xoa bóp bấm huyệt giúp cải thiện giấc ngủ bằng cách thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và kích thích sản sinh endorphin, giúp bạn ngủ sâu hơn.

Xoa bóp bấm huyệt là một liệu pháp giúp ngủ ngon bằng thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

 

Ăn socola có mất ngủ không? Socola là loại thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng giàu chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, tiêu thụ socola quá quá nhiều hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây mất ngủ và một số bất lợi khác cho sức khỏe. Bạn thưởng thức socola như một đồ ăn vặt yêu thích nhưng không nên lạm dụng.