Phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế Việt Nam
Theo thống kê của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (NSF) khoảng 10% – 30% người lớn trưởng thành có triệu chứng mất ngủ. Mất ngủ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều bệnh lý khác. Để cải thiện tình trạng này, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành phác đồ điều trị mất ngủ nhằm giúp người bệnh cải thiện tình trạng khó ngủ và ngủ không sâu giấc. Cùng ECO Pharma tìm hiểu chi tiết về phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế Việt Nam ngay sau đây.
Định nghĩa
Giấc ngủ là một quá trình sinh lý bình thường của cơ thể, có tính chất chu kỳ 24 giờ. Ngủ là khoảng thời gian để cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi, tạm dừng mọi hoạt động tri giác và ý thức. Mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng ngủ thực sự là một quá trình phức tạp và quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu không ngủ đủ hoặc chất lượng giấc ngủ không tốt, não bộ và cơ thể không thể hoạt động bình thường, điều này làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, dễ cáu gắt và suy giảm nhận thức.
Ngủ là một chức năng thiết yếu giúp cơ thể và tâm trí nạp lại năng lượng sau ngày dài làm việc và học tập căng thẳng. Khi ngủ đủ và sâu giấc, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, sảng khoái và tỉnh táo vào sáng hôm sau. Giấc ngủ tốt cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, phục hồi chức năng của các cơ quan bên trong và chống lại một số bệnh. Ngủ đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm:
- Học tập và trí nhớ: Giấc ngủ giúp tăng cường khả năng tập trung và chú ý, cho phép não bộ ghi nhớ và sắp xếp thông tin tốt hơn.
- Điều hòa cảm xúc: Ngủ giúp chúng ta điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
- Khả năng phán đoán và đưa ra quyết định: Giấc ngủ ảnh hưởng đến khả năng nhận biết nguy hiểm và các mối đe dọa xung quanh. Giấc ngủ tốt hỗ trợ khả năng phán đoán sáng suốt, đưa ra quyết định đúng đắn và các chức năng điều hành khác.
- Giải quyết vấn đề: Nghiên cứu cho thấy ngủ qua đêm với một số vấn đề phức tạp sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp giải quyết hiệu quả hơn.
- Tiết kiệm năng lượng: Ngủ là khoảng thời gian dài cơ thể và não bộ không hoạt động nên giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng.
- Phát triển và chữa lành: Khi ngủ là thời điểm để tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng tự nhiên giúp các mô của cơ thể phát triển và sửa chữa tổn thương.
- Miễn dịch: Ngủ hỗ trợ chức năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.
Giấc ngủ là khoảng thời gian trong đó các trạng thái ngủ diễn ra liên tiếp. Quá trình của giấc ngủ được chia thành hai nhóm gồm giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (non-REM) và ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Trong đó, chu kỳ non-REM có 3 giai đoạn, giấc ngủ thường bắt đầu vào giai đoạn n-REM1 và sau đó luân phiên giữa giai đoạn n-REM 2 và 3, cuối cùng là đi vào giấc ngủ REM và bắt đầu mơ. Sau chu kỳ REM đầu tiên, chu kỳ ngủ mới sẽ bắt đầu và quay lại giai đoạn 1 hoặc 2. Một chu kỳ ngủ thường mất khoảng 1.5 giờ – 2 giờ trước khi chu kỳ khác bắt đầu. Hầu hết mọi người ngủ đủ 8 tiếng sẽ trải qua bốn hoặc năm chu kỳ mỗi đêm
Giấc ngủ non-REM
- Giai đoạn N1: Đây là giai đoạn ngủ nông nhất, thường chỉ kéo dài vài phút, chiếm khoảng 5% thời gian ngủ. Sau đó, giấc ngủ của bạn trở nên sâu hơn và chuyển sang giai đoạn 2 non-REM. Người ngủ sẽ dễ bị tỉnh giấc và có thể không ngủ lại được trong giai đoạn N1.
- Giai đoạn N2: Giai đoạn N2 vẫn là giấc ngủ nông nhưng sâu hơn giai đoạn N1. Mặc dù hoạt động của sóng não giảm đi, nhưng vẫn có những khoảng dừng đáng chú ý giữa các hoạt động điện ngắn để duy trì trí nhớ và học tập. Giai đoạn ngủ này chiếm khoảng 45% thời gian ngủ của mỗi người (nhiều nhất trong bất kỳ giai đoạn nào).
- Giai đoạn N3: Giai đoạn ngủ sóng chậm hoặc giấc ngủ sâu N3 giúp một người thức dậy cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn. Trong giai đoạn này, huyết áp giảm, nhịp tim, nhịp thở chậm lại và cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng. Giai đoạn N3 chiếm khoảng 25% tổng thời gian ngủ ở người trưởng thành, trẻ sơ sinh và trẻ em cần ngủ giai đoạn N3 nhiều hơn và càng lớn tuổi thì càng cần ít ngủ vào giai đoạn này hơn.
Giấc ngủ REM
Mắt của chúng ta thỉnh thoảng chuyển động nhanh theo từng đợt trong giai đoạn ngủ này. Hầu hết các giấc mơ diễn ra trong giấc ngủ REM và các cơ xương bị tê liệt tạm thời để ngăn chặn một người hành động theo giấc mơ của họ. Quá trình củng cố trí nhớ xảy ra trong giai đoạn này, chiếm 20% – 25% tổng thời gian ngủ trong đêm, thường xảy ra vào sáng sớm. Chu kỳ REM đầu tiên của một giai đoạn ngủ diễn ra ngắn nhất chỉ mất khoảng 10 phút. Mỗi chu kỳ tiếp theo dài hơn chu kỳ trước, lên đến một giờ.
Những người khỏe mạnh sẽ tuần hoàn qua tất cả bốn giai đoạn ngủ nhiều lần trong một đêm. Việc gián đoạn giấc ngủ thường xuyên cũng như xuất hiện các rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc giấc ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ngủ là khoảng thời gian để cơ thể và não bộ nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo năng lượng của các cơ quan bên trong và chống lại một số bệnh.
Nguyên nhân mất ngủ không thực tổn
Nguyên nhân mất ngủ không thực tổn thường khởi nguồn từ các yếu tố tâm lý và xã hội. Trong đó, cảm xúc là nguyên nhân gây mất ngủ chính và phổ biến nhất. Có khoảng 1/2 số người bị mất ngủ có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu, căng thẳng và trầm cảm. Bên cạnh đó, các yếu tố về gen di truyền, môi trường sống, tình trạng sức khỏe (như nhiễm trùng hoặc chấn thương nhẹ, trào ngược axit dạ dày hoặc bệnh Parkinson), lịch trình làm việc bận rộn hoặc thói quen ngủ không lành mạnh cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ.
Người bệnh bị mất ngủ không thực tổn sẽ đánh giá giấc ngủ của mình không đạt chất lượng. Tuy nhiên, về mặt khách quan, chất lượng, thời gian ngủ và các chỉ số sinh lý vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Đặc trưng của mất ngủ không thực tổn là bệnh nhân thường phàn nàn về khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc cảm giác ngủ không sâu, không ngon giấc, dù thời gian ngủ tổng thể có thể không quá ngắn.
Nguyên nhân mất ngủ không thực tổn chủ yếu liên quan đến yếu tố tâm lý và xã hội.
Cách chẩn đoán mất ngủ không thực tổn
Có 2 cách chẩn đoán mất ngủ không thực tổn là chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Cụ thể:
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định gồm có chẩn đoán lâm sàng theo ICD-10 và chẩn đoán cận lâm sàng.
Chẩn đoán lâm sàng theo ICD-10
Căn cứ vào tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng theo ICD-10, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
- Triệu chứng: Bệnh nhân thường xuyên phàn nàn về việc khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu hoặc cảm giác không ngủ ngon giấc.
- Tần suất: Rối loạn giấc ngủ xảy ra ít nhất 3 lần một tuần trong vòng ít nhất 1 tháng.
- Ảnh hưởng đến cuộc sống: Rối loạn giấc ngủ gây suy sụp rõ ràng hoặc làm rối loạn các hoạt động cá nhân của người bệnh trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến công việc, học tập, các mối quan hệ xã hội và chất lượng cuộc sống chung.
- Loại trừ các nguyên nhân khác: Các triệu chứng mất ngủ không thực tổn trên không phải do bệnh lý thần kinh, nội khoa, không liên quan đến việc sử dụng chất kích thích hoặc thuốc ngủ và không phải do các rối loạn tâm thần khác gây ra.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh (HIV, viêm gan B, viêm gan C). Các xét nghiệm này giúp đánh giá chức năng các cơ quan, loại trừ yếu tố nhiễm trùng và các bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá chức năng thận, loại trừ các bệnh lý về đường tiết niệu và các rối loạn chuyển hóa.
- Xét nghiệm chẩn đoán giang mai, xét nghiệm tìm chất ma tuý: Loại trừ các yếu tố nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ.
- Điện não đồ (EEG): Xét nghiệm đo hoạt động điện trong não, giúp đánh giá hoạt động của não, hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng liên quan đến não, phát hiện các bất thường về sóng não và chẩn đoán các bệnh lý về thần kinh liên quan đến giấc ngủ.
- Lưu huyết não: Ghi lưu huyết não là phương pháp kiểm tra và đánh giá trạng thái tuần hoàn não để chẩn đoán xem có bị thiếu máu não hay không. Thiếu máu não khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, khó ngủ ngon hoặc thức giấc giữa đêm.
- Đa ký giấc ngủ: Xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, phương pháp chẩn đoán được sử dụng để nghiên cứu và ghi lại các hoạt động sinh lý xảy ra trong khi ngủ như đo điện não đồ, điện cơ, điện tim, nhãn cầu đồ, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, vận động cơ ngực, tiếng ngáy. Đa ký giấc ngủ được tiến hành để kiểm tra tình trạng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM.
- Trắc nghiệm tâm lý: Nhóm trắc nghiệm tâm lý đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI), đánh giá trầm cảm (Beck, Hamilton trầm cảm), đánh giá lo âu (Zung, Hamilton lo âu), đánh giá nhân cách (EPI, MMPI).
- Các xét nghiệm chuyên khoa khác: Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh như X-quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm ổ bụng, CT, MRI để đánh giá chức năng các cơ quan, xác định bệnh lý và loại trừ các bệnh lý thực thể có thể gây rối loạn giấc ngủ.
Chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm máu, đo điện não đồ, đa ký giấc ngủ, trắc nghiệm tâm lý, lưu huyết não…
Chẩn đoán phân biệt
Mất ngủ không thực tổn có nguyên nhân chủ yếu từ các yếu tố tâm lý, xã hội, trong khi mất ngủ do nguyên nhân thực tổn xuất phát từ các bệnh lý thần kinh hoặc bệnh nội khoa, sử dụng chất kích thích hoặc một loại thuốc.
Phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế
Sau đây là phác đồ điều trị mất ngủ không thực tổn của Bộ Y tế:
Nguyên tắc điều trị
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố tâm lý, đặc biệt là các rối loạn cảm xúc. Chính vì vậy, nguyên tắc điều trị chủ yếu tập trung vào hai phương pháp tâm lý (nhận thức – hành vi) và dược lý. Hai nhóm này có thể kết hợp điều trị chung với nhau.
- Tâm lý – hành vi: Rối loạn cảm xúc là yếu tố cốt lõi gây ra tình trạng mất ngủ. Các liệu pháp tâm lý như nhận thức – hành vi giúp điều chỉnh suy nghĩ, hành vi liên quan đến giấc ngủ, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Dược lý: Thuốc được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ, đặc biệt trong các trường hợp mất ngủ nặng hoặc khi các liệu pháp tâm lý không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên tắc chọn thuốc
Ưu tiên đơn trị liệu bằng một trong các thuốc được liệt kê ở dưới trong điều trị mất ngủ không thực tổn. Nếu chưa hiệu quả, có thể kết hợp thêm thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần kinh. Liều dùng ban đầu nên thấp và tăng liều từ từ cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Việc sử dụng nhóm thuốc giảm lo âu có khả năng gây nghiện cần được cân nhắc kỹ lưỡng và hạn chế đến mức tối đa.
Phác đồ điều trị của Bộ Y tế ưu tiên dùng thuốc đơn trị liệu để chữa bệnh mất ngủ không thực tổn.
Sơ đồ/phác đồ điều trị
Sơ đồ/phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế kết hợp giữa liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý.
Điều trị cụ thể
Liệu pháp tâm lý
Các liệu pháp tâm lý trong phác đồ điều trị mất ngủ không thực tổn chủ yếu tập trung vào việc giáo dục người bệnh chú ý vệ sinh giấc ngủ tốt.
- Bệnh nhân được hướng dẫn chỉ đi ngủ khi cảm thấy buồn ngủ và cảm thấy sẵn sàng cho giấc ngủ.
- Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, không phụ thuộc vào thời lượng và chất lượng giấc ngủ đêm trước.
- Không tiêu thụ caffeine, nicotine và rượu cũng như các chất kích thích khác, đặc biệt là vào buổi chiều và tối.
- Duy trì hoạt động thể chất đều đặn hàng ngày, nhưng tránh tập luyện quá gần giờ ngủ.
- Tạo một môi trường ngủ lý tưởng, tối, yên tĩnh và thoải mái, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu và dễ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
- Phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm sinh – nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Liệu pháp hóa dược
Vì mất ngủ có mối quan hệ mật thiết với trạng thái lo âu và trầm cảm, do đó nên sử dụng các loại thuốc gây ngủ, thuốc giảm lo âu và thuốc chống trầm cảm trong điều trị mất ngủ. Một số loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế bao gồm:
Các thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI, SNRI, nhóm 3 vòng hoặc các loại thuốc nhóm khác. Người bệnh cũng có thể chọn một, hai hoặc ba thuốc trong số các thuốc sau:
- Imipramin: Liều 25mg/24 giờ – 300mg/24 giờ.
- Amitriptylin: Liều 25mg/24 giờ – 300mg/24 giờ.
- Paroxetin: Liều 20mg/24 giờ – 80mg/24 giờ.
- Fluoxetin: Liều10mg/24 giờ – 80mg/24 giờ.
- Fluvoxamin: Liều 50mg/24 giờ – 300mg/24 giờ.
- Citalopram: Liều 20mg/24 giờ – 60mg/24 giờ.
- Escitalopram: Liều 10mg/24 giờ – 20mg/24 giờ.
- Sertralin: Liều 50mg/24 giờ – 200mg/24 giờ.
- Venlafaxin: Liều 37.5mg/24 giờ – 375mg/24 giờ.
- Mirtazapin: Liều 15mg/24 giờ – 60mg/24 giờ.
Nhóm thuốc bình thần, giảm lo âu bao gồm nhóm benzodiazepins (diazepam, lorazepam, bromazepam, alprazolam), nhóm non-benzodiazepins (etifoxine HCL, sedanxio, zopiclon) và nhóm thuốc chẹn beta giao cảm (propanolol).
Các thuốc an thần kinh gồm olanzapin và quetiapin.
Một số thuốc khác điều trị rối loạn giấc ngủ như melatonin.
Nhóm nuôi dưỡng tế bào thần kinh bao gồm piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline.
Thuốc hỗ trợ chức năng gan.
Thuốc tăng cường nhận thức.
Bổ sung dinh dưỡng, vitamin nhóm B và khoáng chất để hỗ trợ điều trị mất ngủ. Đồng thời, kết hợp với chế độ ăn dễ tiêu hóa (mềm, nhiều xơ), cung cấp đủ vitamin và khoáng chất (rau củ quả, trái cây), tránh sử dụng chất kích thích, uống đủ nước và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong những trường hợp cần thiết.
Tiên lượng và biến chứng
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, mất ngủ không thương tổn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biến chứng của mất ngủ có thể bao gồm:
- Hiệu suất làm việc và học tập ở trường kém hơn.
- Phản ứng chậm hơn khi lái xe và có nguy cơ cao gây tai nạn.
- Tác động xấu đến sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và lạm dụng chất kích thích.
- Tăng nguy cơ mắc một số tình trạng bệnh lý hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh tiểu đường type 2, béo phì và các tình trạng liên quan đến bệnh loạn thần.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc giảm lo âu trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ cao gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, phụ thuộc vào thuốc và gây tương tác thuốc. Để đem lại hiệu quả điều trị và phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với các biện pháp tâm lý và thay đổi lối sống lành mạnh.
Mất ngủ không thực tổn nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm thần của người bệnh.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa mất ngủ không thực tổn, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:
- Hạn chế các căng thẳng tâm lý mạnh trong cuộc sống. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu để giảm thiểu căng thẳng và lo âu.
- Chủ động xử lý kịp thời các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, các rối loạn liên quan đến stress hoặc các sang chấn tâm lý có khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Xây dựng lịch trình sinh hoạt nghỉ ngơi khoa học, đi ngủ và thức dậy cố định vào cùng khung giờ, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập hoạt động thể chất thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Nếu gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ hoặc thường xuyên bị mất ngủ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.
- Tránh làm việc quá sức, không dùng thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích thần kinh trung ương.
Mất ngủ hiện nay là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Phác đồ điều trị mất ngủ của Bộ Y tế cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách chẩn đoán, nguyên tắc điều trị, nguyên tắc chọn thuốc và phác đồ điều trị liệu pháp tâm lý kết hợp với liệu pháp hóa dược. Tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn bác sĩ, kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh, sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng mất ngủ đáng kể và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu tình trạng mất ngủ không thực tổn kéo dài, bạn hãy đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thần kinh thăm khám và điều trị sớm nhất.