Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần của con người. Trung bình hiện nay cứ 3 người lớn trên thế giới thì có 1 người có triệu chứng mất ngủ và khoảng 10% người trưởng thành được chẩn đoán bị rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ kéo dài không chỉ đơn thuần là do căng thẳng, áp lực cuộc sống hoặc thay đổi lối sống mà còn có thể cảnh báo bệnh tật tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì ngay sau đây.
Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Tìm hiểu về bệnh lý mất ngủ
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến nhiều người trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Giấc ngủ Mỹ (AASM), khoảng 30% – 35% người trưởng thành gặp phải các triệu chứng mất ngủ cấp tính. Trong đó, có khoảng 15% – 20% người trưởng thành bị mất ngủ cấp tính kéo dài dưới 3 tháng và 10% người trưởng thành mắc chứng mất ngủ mãn tính, xảy ra ít nhất 3 lần mỗi tuần trong ít nhất 3 tháng.
Nghiên cứu năm 2019 cho thấy có đến 75% người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên xuất hiện các triệu chứng mất ngủ. Một nghiên cứu năm 2014 cũng đã chứng minh rằng khoảng 1/5 trẻ em và trẻ vị thành niên gặp phải có các triệu chứng này, tỷ lệ cao nhất ở bé gái 11 tuổi và 12 tuổi.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý mất ngủ là gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, ngủ không đủ giấc, cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, cáu kỉnh, gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc ghi nhớ. Tình trạng này có thể là ngắn hạn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính), có thể biến mất theo thời gian nhưng cũng có thể cần phải điều trị. Mất ngủ cấp tính kéo dài từ 1 đêm đến vài tuần. Mất ngủ được coi là mãn tính khi xảy ra ít nhất 3 đêm mỗi tuần trong 3 tháng trở lên.
Người bình thường có thời gian ngủ trung bình khoảng 7 tiếng – 8 tiếng mỗi đêm hoặc dao động từ 4 tiếng – 11 tiếng. Trẻ em cần ngủ đủ từ 9 tiếng đến 13 tiếng và trẻ em mới biết đi, trẻ sơ sinh cần ngủ 12 tiếng – 17 tiếng. Giấc ngủ chất lượng cần phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như ngủ đủ giờ, đủ sâu và cảm thấy khỏe khoắn, tỉnh táo khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Hiện nay, có 2 loại mất ngủ chính là mất ngủ nguyên phát và mất ngủ thứ phát:
- Mất ngủ nguyên phát: Các vấn đề về giấc ngủ của bạn không liên quan đến bất kỳ tình trạng hoặc vấn đề sức khỏe nào khác.
- Mất ngủ thứ phát: Gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ do bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe (như hen suyễn, trầm cảm, viêm khớp, ung thư hoặc trào ngược dạ dày), đau đớn, thuốc điều trị hoặc sử dụng chất kích thích như rượu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe nói đến:
- Mất ngủ khởi phát: Bạn gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ.
- Mất ngủ duy trì: Bạn gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ suốt đêm hoặc thức dậy quá sớm.
- Mất ngủ hỗn hợp: Đối với loại mất ngủ này, bạn gặp khó khăn cả trong việc đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ suốt đêm.
- Mất ngủ nghịch lý: Đây là loại mất ngủ mà người bệnh cảm thấy như mình ngủ rất ít, mặc dù thực tế họ đã ngủ đủ giấc hoặc thậm chí là ngủ quá nhiều. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh lý mất ngủ có thể là do:
- Tuổi tác: Thời gian ngủ trung bình của con người giảm dần theo tuổi tác.
- Tiền sử gia đình và di truyền: Gen có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ.
- Môi trường: Làm việc theo ca, làm việc đêm và lệch múi giờ có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ. Đồng thời, tiếng ồn hoặc ánh sáng mạnh vào ban đêm, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ.
- Căng thẳng: Lo lắng làm tăng nguy cơ mất ngủ. Lo lắng về việc không ngủ đủ giấc có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
- Giới tính: Phụ nữ thường mắc chứng mất ngủ nhiều hơn nam giới, có thể do thay đổi nội tiết tố, mang thai hoặc mãn kinh.
- Các yếu tố khác: Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ như thay đổi thói quen ngủ thường xuyên, bị gián đoạn giấc ngủ, ngủ trưa quá nhiều, không tập thể dục, ăn quá nhiều vào buổi tối muộn, sử dụng caffeine, rượu, nicotine hoặc một số loại thuốc trị bệnh, sử dụng thiết bị điện tử quá gần giờ đi ngủ.
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ bao gồm khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy
Mất ngủ là dấu hiệu của các bệnh gì?
Mất ngủ là triệu chứng của bệnh gì? Các tình trạng bệnh lý thường liên quan đến vấn đề giấc ngủ bao gồm trào ngược axit dạ dày thực quản, tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn cơ xương khớp, bệnh thận, bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh, bệnh hô hấp và bệnh tuyến giáp. Bên cạnh đó, một số thuốc được kê đơn hoặc mua không cần kê đơn dùng để điều trị các bệnh lý này và các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, thời lượng giấc ngủ. Hãy cùng ECO Pharma tìm hiểu cụ thể:
Bệnh lý mãn tính
Nếu mất ngủ thường xuyên lặp đi lặp lại mà không phải do căng thẳng, sử dụng chất gây nghiện và các yếu tố về môi trường ngủ xung quanh, đây có thể là triệu chứng của một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Chẳng hạn như:
Chứng ợ nóng
Ợ nóng xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Cảm giác nóng rát, ợ nóng, nghẹt thở, ho, đau họng và hôi miệng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm trên giường, từ đó làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cho bạn khó đi vào giấc ngủ.
Để tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc nhiều chất béo vào buổi tối cũng như hạn chế tiêu thụ cà phê và uống rượu. Sử dụng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn để ức chế tiết axit dạ dày cũng có thể giúp ngăn ngừa, giảm các triệu chứng ợ nóng khi ngủ.
Tiểu đường
Tiểu đường là bệnh rối loạn mãn tính, đặc trưng mức đường huyết cao. Bệnh tiểu đường xảy ra khi các tế bào trong cơ thể không phản ứng thích hợp với insulin (một hormone tiết ra bởi tuyến tụy) và khi tuyến tụy không thể sản xuất thêm insulin để đáp ứng.
Những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Các triệu chứng bao gồm đổ mồ hôi đêm, tiểu đêm thường xuyên, tăng cảm giác khát nước và mệt mỏi. Nếu bệnh tiểu đường làm tổn thương các dây thần kinh ở chân, các cử động hoặc xuất hiện các cơn đau về đêm cũng có thể làm rối loạn giấc ngủ.
Suy tim
Suy tim là một tình trạng bệnh lý trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim có thể gây tích tụ dịch trong phổi và các mô khác. Một trong những triệu chứng phổ biến của suy tim là khó thở, phù chân, mệt mỏi và ho về đêm, đặc biệt khi nằm xuống. Người bị suy tim có thể thức giấc vào ban đêm do khó thở hoặc do một kiểu thở bất thường gọi là hô hấp Cheyne-Stokes (hơi thở ngày càng sâu, đôi khi nhanh hơn và giảm dần dẫn đến ngừng thở tạm thời được gọi là ngưng thở). Kiểu thở này lặp lại với mỗi chu kỳ thường mất từ 30 giây – 2 phút.
Để cải thiện triệu chứng khó thở, người bệnh có thể sử dụng gối để nâng phần thân trên hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ thở như máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure). Ngoài ra, thuốc ngủ benzodiazepine cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở một số trường hợp, giúp họ thở và ngủ bình thường hơn.
Nam giới bị suy tim thường đi kèm với các vấn đề về giấc ngủ khác như ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). OSA có thể làm gián đoạn giấc ngủ, gây buồn ngủ ban ngày và làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim. Ở những người mắc bệnh động mạch vành, sự thay đổi trong nhịp sinh học có thể dẫn đến các triệu chứng như đau thắt ngực, loạn nhịp tim hoặc thậm chí là đau tim khi ngủ.
Mất ngủ là biểu hiện của bệnh gì? Mất ngủ là triệu chứng của bệnh suy tim, làm gián đoạn giấc ngủ, khó chìm vào giấc ngủ.
Tiểu đêm
Tiểu đêm là nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ, đặc biệt ở người lớn tuổi. Trường hợp nhẹ có thể khiến người bệnh thức dậy ít nhất hai lần trong đêm để đi tiểu, trong trường hợp nặng có thể là năm hoặc sáu lần.
Tiểu đêm có thể do tuổi tác nhưng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý suy tim, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, suy gan, đa xơ cứng, ngưng thở khi ngủ, thuốc (đặc biệt là thuốc lợi tiểu) và uống quá nhiều chất lỏng sau bữa tối. Các liệu pháp điều trị tiểu đêm được chia thành ba loại:
- Điều trị để khắc phục các nguyên nhân y tế.
- Can thiệp hành vi.
- Thuốc.
Điều quan trọng là bạn phải cố gắng xác định nguyên nhân đi tiểu đêm và tìm cách khắc phục. Nếu không hiệu quả, hãy cắt giảm lượng chất lỏng trong hai giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt là caffeine và rượu. Nếu tình trạng tiểu đêm vẫn tiếp tục, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn bàng quang để giúp cải thiện các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức.
Bệnh cơ xương khớp
Các bệnh cơ xương khớp như viêm khớp, đau lưng mãn tính có thể gây đau nhức, khó tìm tư thế thoải mái khi ngủ dẫn đến khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ. Ngoài ra, điều trị bằng steroid, một loại thuốc thường được sử dụng để giảm viêm khớp cũng có thể dẫn đến mất ngủ. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trước khi đi ngủ nhằm giảm đau và sưng khớp.
Những người mắc chứng đau cơ xơ hóa (một tình trạng đặc trưng bởi đau dây chằng và gân) khi thức dậy vào buổi sáng vẫn cảm thấy mệt mỏi và cứng khớp như người mắc chứng viêm khớp. Các nhà nghiên cứu đã phân tích giấc ngủ của những người mắc bệnh đau cơ xơ hóa và phát hiện ra rằng ít nhất một nửa trong số họ bị rối loạn giấc ngủ sâu, trong đó sóng não chậm được trộn lẫn với các sóng thường liên quan đến tỉnh táo thư giãn, một mô hình gọi là giấc ngủ alpha-delta.
Bệnh thận
Thận bị tổn thương sẽ làm giảm khả năng lọc chất lỏng, thải độc và duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm, chất thải tích tụ trong máu có thể gây ra các triệu chứng như mất ngủ hoặc hội chứng chân không yên. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây ra tình trạng mất ngủ. Mặc dù chưa hiểu rõ cơ chế chính xác nhưng chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận gây rối loạn giấc ngủ, giấc ngủ không hoàn toàn khôi phục trở lại bình thường.
Bệnh tuyến giáp
Rối loạn tuyến giáp là một tình trạng phổ biến có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ. Cường giáp – tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây khó ngủ do kích thích hệ thần kinh. Ngoài ra, đổ mồ hôi đêm cũng là một triệu chứng thường gặp của cường giáp dẫn đến thức giấc vào giữa đêm. Ngược lại, suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém có thể gây cảm giác lạnh và buồn ngủ.
Do tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong chức năng của nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể nên các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp có thể đa dạng và khó nhận biết. Tuy nhiên, việc kiểm tra chức năng tuyến giáp chỉ yêu cầu xét nghiệm máu đơn giản. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng không rõ nguyên nhân, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đánh giá và điều trị phù hợp.
Bị mất ngủ là triệu chứng bệnh gì? Khó ngủ về đêm, mất ngủ, trầm cảm và lo âu là triệu chứng của bệnh tuyến giáp.
Vấn đề về hô hấp
Các thay đổi trong nhịp sinh học ở trương lực cơ xung quanh đường thở có thể khiến đường thở bị co thắt vào ban đêm, tăng nguy cơ xảy ra các cơn hen suyễn đột ngột. Khó thở hoặc lo sợ lên cơn hen sẽ khiến bạn khó ngủ hơn và làm gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc điều trị hen suyễn hoặc COPD như steroid có thể gây kích thích và làm khó ngủ.
Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) như phổi thũng hoặc viêm phế quản cũng có thể gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ do sản xuất quá nhiều đờm, khó thở và ho.
Rối loạn sức khỏe tâm thần
Hầu như tất cả những người mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu đều gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ. Mất ngủ có thể liên quan đến một số bệnh lý tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau chấn thương, sa sút trí tuệ và tâm thần phân liệt. Ước tính rằng 40% những người mất ngủ bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu tổng quát (GAD) là tình trạng sức khỏe tâm thần luôn ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi quá mức và kéo dài trong thời gian 6 tháng hoặc lâu hơn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, đổ mồ hôi, căng cơ, khó tập trung, khó duy trì giấc ngủ và không cảm thấy nghỉ ngơi sau khi ngủ. Rối loạn lo âu kéo dài có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Chứng sợ hãi và các cơn khủng hoảng tâm lý
Chứng sợ hãi là nỗi sợ hãi mãnh liệt liên quan đến một đối tượng hoặc tình huống cụ thể. Bệnh lý này hiếm khi gây ra tình trạng mất ngủ trừ khi chính chứng sợ hãi đó liên quan đến giấc ngủ như sợ gặp ác mộng hoặc sợ phòng ngủ. Ngược lại, các cơn khủng hoảng tâm lý thường xảy ra vào ban đêm, gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng cho người bệnh, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ.
Các cơn hoảng loạn liên quan đến giấc ngủ không xảy ra trong giấc mơ mà xảy ra ở giai đoạn N2 (giấc ngủ nhẹ) và giai đoạn N3 (giấc ngủ sâu), không chịu tác động của kích thích tâm lý. Để cải thiện vấn đề giấc ngủ liên quan đến nỗi sợ hãi hoặc cơn hoảng loạn, việc nhận diện và điều trị nguyên nhân gốc rễ là rất quan trọng. Thông thường việc sử dụng các thuốc chống lo âu có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và giải quyết được tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Trầm cảm
Mất ngủ không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn có mối liên hệ mật thiết với bệnh trầm cảm. Gần 90% những người mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ. Một trong những biểu hiện điển hình của trầm cảm là thức dậy quá sớm vào sáng hôm sau, gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn suốt đêm.
Trong trường hợp trầm cảm mãn tính mức độ thấp (dysthymia), mất ngủ hoặc buồn ngủ có thể là triệu chứng điển hình nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị trầm cảm thường dành ít thời gian hơn trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm (SWS) và có thể đi vào giai đoạn giấc ngủ REM nhanh hơn vào đầu đêm.
Mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn giấc ngủ là một triệu chứng điển hình của rối loạn lưỡng cực, còn được gọi là rối loạn hưng – trầm cảm. Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng hoặc gây ra các triệu chứng hưng cảm hoặc tạm thời giảm bớt trầm cảm. Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể trải qua nhiều ngày không ngủ. Sau đó, họ thường gặp phải tình trạng mệt mỏi và ngủ nhiều, kéo dài vài ngày liên tiếp.
Tâm thần phân liệt
Biểu hiện đặc trưng của tâm thần phân liệt là suy giảm khả năng tư duy, cảm xúc và hành vi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm hoang tưởng, ảo giác, rối loạn ngôn ngữ và xuất hiện các hành vi bất thường. Ở giai đoạn khởi phát cấp tính, khi các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt biểu hiện rõ rệt nhất, nhiều bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ nghiêm trọng. Tuy nhiên, giữa các đợt cấp tính, chất lượng giấc ngủ của họ có thể được cải thiện. Mặc dù vậy, một số lượng đáng kể người bệnh tâm thần phân liệt vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được giấc ngủ sâu và ngủ đủ giấc trong thời gian dài.
Rối loạn thần kinh
Rối loạn thần kinh là một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như rối loạn vận động, cảm giác, tư duy, hành vi và có thể đi kèm với rối loạn giấc ngủ.
Sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ bao gồm bệnh Alzheimer và một số dạng mất trí khác có thể làm gián đoạn quá trình điều hòa giấc ngủ và các chức năng khác của não. Hiện tượng phổ biến ở những người mắc chứng mất trí nhớ là “sundowning” (hội chứng hoàng hôn), biểu hiện với các triệu chứng như đi lang thang, mất phương hướng, kích động vào buổi tối và đêm. Trong trường hợp này, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng liều nhỏ thuốc chống loạn thần có thể hiệu quả hơn thuốc benzodiazepine, giúp giảm các triệu chứng mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người mắc chứng mất trí nhớ.
Động kinh
Những người mắc bệnh động kinh – tình trạng rối loạn thần kinh đặc trưng bởi các cơn co giật tái phát thường gặp, khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ. Rối loạn sóng não dẫn đến co giật cũng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ sóng chậm (SWS) và giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt). Mặc dù thuốc chống co giật có thể gây ra những thay đổi tạm thời trong các giai đoạn của giấc ngủ, nhưng việc sử dụng lâu dài sẽ giúp khắc phục được những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ.
Khoảng 1/4 người bị động kinh trải qua các cơn co giật chủ yếu vào ban đêm dẫn đến gián đoạn giấc ngủ và buồn ngủ vào ban ngày. Thiếu ngủ cũng có thể là yếu tố kích hoạt co giật – hiện tượng được quan sát thấy ở các cơ sở y tế tại trường đại học trong thời gian thi cử, vì một số sinh viên bị co giật lần đầu tiên sau khi thức khuya để học bài.
Parkinson
Hầu như những người mắc bệnh Parkinson đều gặp phải tình trạng mất ngủ. Người mắc bệnh Parkinson thường gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, thường xuyên thức giấc giữa đêm hoặc gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Các triệu chứng của bệnh bao gồm run và co giật có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, bệnh Parkinson có thể trực tiếp ảnh hưởng đến các hệ thống thần kinh điều chỉnh giấc ngủ.
Việc sử dụng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ ở bệnh nhân Parkinson gặp phải thách thức do một số loại thuốc có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Một số bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị Parkinson có thể gặp ác mộng hoặc rối loạn giấc ngủ REM.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc vào ban đêm là cần thiết để duy trì khả năng di chuyển và thay đổi tư thế trên giường. Các thiết bị hỗ trợ như thanh chắn giường hoặc xà đơn trên đầu giường (còn gọi là “trapeze”) có thể giúp người bệnh Parkinson di chuyển dễ dàng hơn, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Người bị bệnh Parkinson thường gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ.
Đau đầu, đột quỵ và khối u
Những người thường xuyên bị đau đầu nên cố gắng ngủ đủ giấc, vì thiếu ngủ có thể làm cho tình trạng đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Cả đau đầu từng cơn và chứng đau nửa đầu đều có thể liên quan đến những thay đổi về kích thước của các mạch máu dẫn đến vỏ não, cơn đau xuất hiện khi thành mạch máu giãn nở.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thay đổi kích thước của các mạch máu não xảy ra trong giai đoạn chuyển đổi giữa giấc ngủ sâu và giấc ngủ REM có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt cơn đau đầu. Ngoài ra, thiếu ngủ kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề thần kinh nghiêm trọng như đột quỵ và u não. Các triệu chứng như buồn ngủ, chóng mặt, yếu đuối, đau đầu và thay đổi thị giác có thể là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng đột quỵ và u não. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ của nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc khó ngủ. Các nhóm thuốc thường liên quan đến vấn đề này bao gồm thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống hen suyễn và thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, một số thuốc khác có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, làm đảo lộn lịch trình giấc ngủ của người bệnh.
Không chỉ sử dụng thuốc mà việc ngừng thuốc cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Khi một người ngừng dùng thuốc, cơ thể có thể trải qua các triệu chứng cai thuốc hoặc phản ứng khác dẫn đến khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ kéo dài.
Tác hại của chứng mất ngủ
Mất ngủ mãn tính không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: Bao gồm đột quỵ, huyen suyễn, động kinh, hệ thống miễn dịch suy yếu, nhạy cảm với cơn đau, viêm, béo phì, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim. Thiếu ngủ làm tăng căng thẳng oxy hóa, gây viêm và rối loạn chuyển hóa, từ đó tạo điều kiện cho các bệnh lý này tiến triển nhanh hơn.
- Rối loạn tâm trạng: Khó ngủ, ngủ không sâu giấc thường đi kèm với các rối loạn tâm trạng như trầm cảm, lo lắng, stress, bối rối và thất vọng. Các rối loạn này làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Rối loạn chức năng nhận thức: Thiếu ngủ làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ, tư duy và giải quyết vấn đề, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc, học tập và các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, ngủ quá ít cũng có thể làm tăng nguy cơ tai nạn xe hơi.
- Rối loạn nội tiết: Mất ngủ làm thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể, bao gồm cortisol (hormone stress) và melatonin (hormone điều hòa giấc ngủ), từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ.
- Lão hóa sớm: Rối loạn giấc ngủ làm tăng quá trình oxy hóa và gây tổn thương tế bào, dẫn đến lão hóa da sớm và các vấn đề về sức khỏe khác liên quan đến tuổi tác.
- Tuổi thọ bị rút ngắn: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ đáng lo ngại giữa mất ngủ và tăng nguy cơ tử vong. Một phân tích tổng hợp 16 nghiên cứu với hơn 1 triệu người tham gia và 112.566 ca tử vong đã phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 7 giờ – 8 giờ mỗi đêm có nguy cơ tử vong cao hơn 12% so với nhóm ngủ đủ giấc. Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây đã theo dõi tác động của mất ngủ kéo dài trong suốt 38 năm cũng kết luận rằng những người mắc chứng này có nguy cơ tử vong tăng đến 97%.
Mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, động kinh, hen suyễn.
Các biện pháp điều trị mất ngủ
Để cải thiện tình trạng mất ngủ, bạn có thể tham khảo một số phương pháp hỗ trợ điều trị mất ngủ sau đây:
- Giữ giờ giấc ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tránh chợp mắt quá nhiều trong ngày, vì điều này có thể khiến bạn ít buồn ngủ hơn vào ban đêm.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh: Không sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, máy vi tính trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ ức chế sản xuất melatonin khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, giảm số lượng giờ ngủ và chất lượng giấc ngủ.
- Tránh sử dụng chất kích thích: Không uống caffeine, nicotine và rượu vào cuối ngày. Caffeine và nicotine là chất kích thích có thể khiến bạn khó ngủ. Rượu làm cho bạn thức giấc giữa đêm và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
- Tập thể dục đều đặn: Nên tập thể dục ít nhất 3 giờ – 4 giờ trước khi đi ngủ, không nên tập luyện gần giờ đi ngủ vì sẽ kích thích hệ thần kinh, tăng sự tỉnh táo và khó chìm vào giấc ngủ.
- Không ăn quá no trước khi ngủ: Ăn quá no trước khi đi ngủ sẽ khiến cho triệu chứng trào ngược dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Khi nằm xuống, dạ dày đầy thức ăn sẽ đẩy axit lên cổ họng. Do đó, bạn không nên ăn bất kỳ thức ăn gì ít nhất trong 3 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Bạn có thể uống một ly sữa ấm, ăn sữa chua, yến mạch, quả anh đào, quả óc chó trước khi ngủ để ngủ ngon hơn.
- Sử dụng các loại trà an thần, dễ ngủ: Trà tâm sen, trà lạc tiên, trà hoa hòe, trà cúc La Mã, trà gừng mật ong, trà sả chanh có tác dụng an thần, thư giãn các dây thần kinh, thúc đẩy giấc ngủ đem đến cho bạn giấc ngủ ngon và sâu hơn.
- Xông tinh dầu trong phòng ngủ: Các loại tinh dầu thảo mộc như oải hương, sả chanh, cúc La Mã, dầu tràm vừa giúp loại bỏ mùi ẩm mốc, xua đuổi côn trùng vừa đem đến mùi hương dễ chịu, hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chìm vào giấc ngủ.
- Tạo môi trường ngủ thoải mái: Phòng ngủ của bạn nên tối, yên tĩnh và không quá nóng hoặc quá lạnh. Để ngăn chặn tiếng ồn, bạn có thể sử dụng nút tai, quạt hoặc máy tạo tiếng ồn trắng.
- Thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi ngủ: Đọc sách, nghe nhạc, thiền định, tập yoga giúp giảm lo âu, căng thẳng, thả lỏng cơ thể và dễ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
- Không sử dụng giường cho mục đích khác: Chỉ sử dụng giường để ngủ và quan hệ tình dục.
- Nếu không ngủ được, hãy đứng dậy: Nếu bạn không thể ngủ được và không buồn ngủ, hãy đứng dậy và đi đọc sách, nghe nhạc cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ.
Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì? Mất ngủ có thể là tình trạng đơn thuần, không do bệnh tật, có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Nhưng nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cũng biểu hiện bằng triệu chứng mất ngủ vì vậy không nên chủ quan. Bạn nên đến bệnh viện thăm khám nếu mất ngủ kéo dài quá 1 tháng, đã cố gắng cải thiện nhưng không hiệu quả. Mất ngủ tiến triển thành mãn tính thường khó điều trị và điều trị mất nhiều thời gian. Hơn nữa, các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn không được phát hiện sớm sẽ tăng nặng theo thời gian. Điều trị muộn sẽ khó khăn và tiên lượng thấp hơn so với điều trị sớm.