9 bài thuốc dân gian trị mất ngủ được lưu truyền rộng rãi nhất

Mất ngủ có thể làm cạn kiệt mức năng lượng, ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe, hiệu suất làm việc và chất lượng sống. Ngoài thuốc Tây, điều trị y tế, các bài thuốc cổ truyền vẫn được sử dụng rộng rãi trong điều trị mất ngủ hiện nay. Cùng tìm hiểu 9 bài thuốc dân gian trị mất ngủ qua bài viết sau đây.

Những nguyên nhân nào gây ra mất ngủ?

Mất ngủ kéo dài thường do căng thẳng, các vấn đề trong cuộc sống, thói quen làm gián đoạn giấc ngủ hoặc một số tình trạng sức khỏe. Mặc dù điều trị nguyên nhân gây ra vấn đề giấc ngủ có thể giúp chấm dứt chứng bệnh mất ngủ, tuy vậy tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Các nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ kéo dài bao gồm:

  • Căng thẳng: Những lo lắng về công việc, học tập, sức khỏe, tài chính hoặc gia đình có thể khiến bạn trằn trọc suốt đêm, khó ngủ. Các sự kiện căng thẳng như mất người thân, bệnh tật, ly hôn, hoặc mất việc cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ.
  • Lịch trình không đồng đều: Đồng hồ sinh học trong cơ thể điều khiển chu kỳ thức – ngủ, trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể. Khi đồng hồ này bị xáo trộn, giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân có thể bao gồm lệch múi giờ khi đi du lịch, làm ca đêm hoặc thường xuyên thay đổi ca làm việc.
  • Thói quen ngủ không tốt: Thức khuya, dậy muộn, ngủ không đều giờ, ngủ trưa quá nhiều, vận động quá sức trước khi đi ngủ, hoặc không gian ngủ không thoải mái đều là những thói quen gây rối loạn giấc ngủ. Làm việc, ăn uống hoặc xem TV trên giường cũng có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Thêm vào đó, sử dụng điện thoại, máy vi tính trước khi đi ngủ có thể làm rối loạn chu kỳ ngủ tự nhiên.
  • Ăn quá no vào buổi tối: Ăn quá no buổi tối có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng, khó chịu khi nằm xuống. Ngoài ra, ăn nhiều vào buổi tối còn có thể gây ợ nóng, trào ngược axit dạ dày gây khó ngủ.
  • Rối loạn tâm lý: Các vấn đề tâm lý như lo âu, đặc biệt là rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể khiến bạn khó ngủ. Việc thức dậy quá sớm có thể là biểu hiện của trầm cảm. Mất ngủ cũng thường đi kèm với các rối loạn tâm lý khác.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc kê đơn như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị hen suyễn hoặc huyết áp có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc trị dị ứng, cảm lạnh, hoặc sản phẩm giảm cân có thể chứa caffeine và các chất kích thích, làm cản trở giấc ngủ.
  • Các vấn đề sức khỏe: Một số bệnh lý như đau mãn tính, ung thư, tiểu đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, cường giáp, Parkinson và Alzheimer đều có thể liên quan đến mất ngủ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Ngưng thở khi ngủ khiến bạn ngừng thở nhiều lần trong đêm, làm gián đoạn giấc ngủ. Hội chứng chân không yên gây cảm giác khó chịu ở chân, khiến bạn phải di chuyển chân khi ngủ, làm bạn khó ngủ hoặc khó quay lại giấc ngủ.
  • Caffeine, nicotine và rượu: Cà phê, trà, nước ngọt chứa caffeine, nếu uống vào buổi chiều hoặc tối, có thể khiến bạn khó ngủ. Nicotine trong thuốc lá cũng là một chất kích thích gây rối loạn giấc ngủ. Mặc dù rượu có thể giúp bạn dễ ngủ nhưng lại làm giảm chất lượng giấc ngủ sâu và thường khiến bạn thức giấc giữa đêm.

Mất ngủ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến bạn trằn trọc, khó vào giấc và có giấc ngủ kém chất lượng.

Các bài thuốc dân gian trị mất ngủ phổ biến

Các bài thuốc dân gian trị mất ngủ sử dụng các loại thảo dược trong đời sống làm nguyên liệu. Cùng ECO Pharma tham khảo một số bài thuốc chữa mất ngủ dân gian có lợi ích cho hệ thần kinh và giấc ngủ mà bạn có thể tham khảo.

1.   Cây lạc tiên

Cây lạc tiên từng được sử dụng trong y học cổ truyền ở châu Mỹ và sau đó là châu Âu như một loại thảo dược giúp giảm lo âu, điều trị mất ngủ, động kinh và chứng cuồng loạn. Hiện nay, cây lạc tiên vẫn được sử dụng để điều trị lo âu và mất ngủ. Các nhà khoa học cho rằng cây lạc tiên hoạt động bằng cách tăng mức gamma aminobutyric acid (GABA) trong não. GABA có tác dụng làm giảm hoạt động của một số tế bào thần kinh, giúp bạn cảm thấy thư giãn và dễ đi vào giấc hơn.

Đông y dùng lạc tiên chữa mất ngủ và một số tình trạng sức khỏe khác. Thảo dược này có tính mát, vị đắng nhẹ quy vào dưỡng tâm, an thần và bổ dưỡng não.

Bài thuốc dân gian trị mất ngủ bằng cây lạc tiên thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị: 15g cây lạc tiên, 30 lá vông, 10g cây dâu tằm, 2g tâm sen và 90g đường phèn.
  • Cho toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị vào bình và sắc lấy nước. Nước được sắc có thể thay cho nước trà hằng ngày.

Cây lạc tiên giúp thư giãn đầu óc và dễ đi vào giấc ngủ.

2.   Tâm sen

Tâm sen là phần mầm của hạt sen, có màu xanh và nằm ở giữa hạt sen già. Theo Đông y, tâm sen tính hàn, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt tạng tâm, an thần, trấn kinh, làm cho tinh thần luôn được thư thái giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.

Trong các nghiên cứu hiện đại, tâm sen chứa alkaloid, flavonoid và polysaccharid có lợi trong việc an thần, làm dịu hệ thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, tâm sen còn có tác dụng bảo vệ tim mạch, hệ thần kinh, phòng ngừa các tổn thương phổi, thận và chống ung thư hiệu quả.

Bài thuốc chữa mất ngủ dân gian bằng tâm sen như sau:

  • Chuẩn bị: 5g tâm sen, 20g lá vông, 10g táo nhân và 10g hoa nhài tươi.
  • Đem táo nhân sao đen và đập dập. Lá vông sấy khô và tán thành bột mịn.
  • Cho tâm sen, táo nhân và lá vông vào nồi, thêm 1 lít nước sôi sắc và chỉ lấy phần nước.
  • Cho hoa nhài vào và có thể thưởng thức thay nước trà.

3.   Đinh lăng

Cây đinh lăng là loại thực vật thuộc họ Araliaceae, được sử dụng rộng rãi để chữa bệnh và bồi bổ trong các nền y học cổ truyền châu Á. Theo Đông y, cây đinh lăng vị nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng an thần và điều trị chứng mất ngủ.

Các nghiên cứu hiện đại tìm thấy nhiều dưỡng chất quan trọng trong loại cây này như vitamin B1, B2, B6, vitamin C, và một số axit amin mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Ngoài ra, lá đinh lăng còn giàu các hoạt chất như saponin, tannin, glycosid…

Những hoạt chất này có tác dụng chống viêm, giảm lo âu, chống co giật, bảo vệ thần kinh, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa và cải thiện dẫn truyền thần kinh. Tăng cường dẫn truyền thần kinh giúp cảm giác buồn ngủ dễ xuất hiện và giấc ngủ trở nên sâu hơn, đồng thời khi thức dậy, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn.

Bài thuốc lá đinh lăng chữa mất ngủ như sau:

  • Chuẩn bị: 24g lá đinh lăng, 15g liên nhục, 20g lá vông, 20g tam điệp, 12g tâm sen.
  • Cho các nguyên liệu vào nồi và thêm 700ml – 750ml nước sạch.
  • Sắc cho đến khi cạn còn khoảng 300ml, chắt lấy nước và bỏ bã.
  • Chia thành 2 phần bằng nhau. Uống vào buổi sáng, ngay sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

4.   Lá vông

Là vông còn được gọi là lá vông nem, là một loại thực vật thuộc họ đậu, phân bố ở Đông Á và châu Phi, đặc biệt mọc nhiều ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Theo Đông y, lá vông tính bình, vị đắng nhạt và hơi chát, có tác dụng hạ huyết áp, co bóp các cơ, an thần và ức chế hệ thần kinh trung ương. Lá vông thường được dùng trong điều trị bệnh mất ngủ.

 

Trong các nghiên cứu dược lý hiện đại, cây vông chứa các thành phần như alkaloid và saponin có tác dụng giảm chứng mất ngủ. Ngoài ra, chiết xuất erythin từ lá vông có tác dụng giảm lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Do đó, thuốc làm từ lá của loại cây này được coi là biện pháp cải thiện giấc ngủ hiệu quả tại nhà.

Bài thuốc từ lá vông chữa mất ngủ như sau:

  • Chuẩn bị: 30g lá vông, 50g cây lạc tiên và 10g lá dâu tằm.
  • Rửa sạch các nguyên liệu, cho tất cả vào nồi cùng 1 lít nước đun cho đến khi cô đặc còn khoảng 200ml thì tắt bếp.
  • Lọc lấy nước và dùng hết trong ngày, nên dùng trước khi đi ngủ.

5.   Cây xạ đen

Cây xạ đen là loại dược liệu phân bố nhiều ở Trung Quốc và các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar. Đây là loại cây dây leo thân gỗ, thường bám vào các loại cây lớn khác để phát triển.

Một số thành phần hóa học của cây xạ đen được tìm thấy như polyphenol, triterpene, sesquiterpene và một số hợp chất khác như axit amin, tanin, flavonoid. Các thành phần này hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ, thiếu máu và suy nhược cơ thể. Xạ đen còn giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt.

Theo Đông y, cây xạ đen vị hơi chát và đắng, tính hàn, thường được dùng trong điều trị các bệnh về gan, giải độc, tiêu viêm, mụn nhọt trên da, ổn định huyết áp, giải tỏa căng thẳng, an thần,…

Bài thuốc dùng cây xạ đen để trị mất ngủ như sau:

  • Chuẩn bị: 15g xạ đen và 10g sâm bố chính.
  • Cho các nguyên liệu vào nồi và đun với 2 lít nước.
  • Đun sôi trong khoảng 15 phút. Chắt lấy nước và uống trong ngày.

Cây xạ đen có vị chát và đắng nhẹ, thường được dùng để giải tỏa căng thẳng và an thần.

6.   Cây xấu hổ

Cây xấu hổ còn được gọi là cây trinh nữ, thường mọc dại ven đường, bãi cỏ, bờ đê. Theo y học cổ truyền, cây xấu hổ vị ngọt, chát, tính hơi hàn, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, chống viêm, làm dịu đau, hạ huyết áp, tiêu tích, lợi tiểu. Cây xấu hổ thường được dùng để điều trị các bệnh như tiêu chảy, rụng tóc, u bướu, mất ngủ, kiết lỵ, và cũng hiệu quả trong việc điều trị vết thương và cắn rắn.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây xấu hổ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên chữa được chứng mất ngủ. Cụ thể,các chất như alkaloid, amino acid, flavonoid, glycosid, steroid, terpenoid của nó giúp thư giãn đầu óc, làm dịu hệ thần kinh và cải thiện giấc ngủ.

Bài thuốc chữa mất ngủ bằng cây xấu hổ như sau:

  • Chuẩn bị: 20g cây xấu hổ khô (lá và thân được phơi khô) và 2g cây lạc tiên.
  • Rửa sạch các nguyên liệu và để ráo nước.
  • Cắt khúc cây xấu hổ, sau đó sao vàng và đun sôi với 500ml nước lọc.
  • Sau khoảng 15 – 20 phút, cho cây lạc tiên vào và đun thêm khoảng 5 – 10 phút.
  • Chắt lấy nước và uống trước khi đi ngủ khoảng 30 phút. Dùng liên tục 7 ngày. Không uống nước để qua đêm.

7.   Hoa tam thất

Cây tam thất là một loại thảo dược truyền thống được trồng nhiều ở Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Nam của nước này và Đông Nam Á. Cây tam thất nổi tiếng với các tác dụng điều trị như cải thiện tuần hoàn máu, loại bỏ ứ máu, bảo vệ tim mạch, chống viêm và chống oxy hóa. Hoa tam thất có tác dụng cải thiện chức năng tâm thần, giảm tình trạng mất ngủ, chống trầm cảm, giảm lo âu và giảm kích thích mạng lưới thần kinh.

Theo Đông y, hoa tam thất tính mát, vị ngọt, thường dùng sắc lấy nước uống giúp thanh nhiệt, bình can, bổ huyết. Hoa tam thất có tác dụng ổn định huyết áp, an thần, hỗ trợ chữa bệnh mất ngủ và điều hòa giấc ngủ.

Bài thuốc trị mất ngủ bằng hoa tam thất như sau:

  • Chuẩn bị: 10g hoa tam thất, 10g ngọn lạc tiên và 10g lá dâu tằm rửa sạch và để ráo nước.
  • Đem các nguyên liệu đun với nước và dùng hàng ngày.

8.   Hoa bia

Hoa bia là phần hoa được sử dụng để làm bia, cụ thể là tạo hương vị cho các loại bia ale và pilsner. Ngoài đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm, hoa bia còn có tác dụng an thần nhẹ. Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện năm 2014 ở 30 sinh viên đại học. Sau một tuần ghi lại thói quen giấc ngủ, các sinh viên được yêu cầu uống bia không cồn với bữa tối trong 14 ngày. So với tuần đầu tiên, các sinh viên báo cáo có sự cải thiện đáng kể về thói quen giấc ngủ, bao gồm thời gian để đi vào giấc ngủ sau khi uống bia không cồn.

Theo Đông y, hoa bia vị đắng và thơm, tính bình, có tác dụng kiện vị, hóa đàm, chỉ khái, an thần.

Bài thuốc dân gian chữa mất ngủ bằng hoa bia như sau:

  • Chuẩn bị hoa bia và sắc lấy nước uống, bạn có thể nước hoa bia thay thế cho trà và dùng hàng ngày.

Hoa bia vị đắng, thơm, có tính bình và thường được dùng để an thần.

9.   Cây nữ lang

Cây nữ lang có nguồn gốc từ châu Á, châu Âu và cũng được tìm thấy ở khu vực Bắc Mỹ. Rễ cây nữ lang thường được dùng cho nhiều mục đích y học, đặc biệt là trong việc điều trị chứng đau nửa đầu, mệt mỏi, co thắt dạ dày, hội chứng tiền mãn kinh và mất ngủ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit valerenic trong rễ cây ảnh hưởng đến các thụ thể GABA, một loại chất dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó giảm lo âu. Ngoài ra, rễ cây nữ lang có thể còn ảnh hưởng đến các thụ thể serotonin, liên quan đến tâm trạng và giấc ngủ.

Theo Đông y, cây nữ lang có vị ngọt, cay, tính ấm, không độc, đi vào hai kinh Tâm và Can, có tác dụng kích thích mạnh, lợi trung tiện và sát trùng.

Bài thuốc dân gian chữa mất ngủ bằng cây nữ lang như sau:

  • Chuẩn bị: 10g rễ cây nữ lang.
  • Đun với 300ml nước cho tới khi còn khoảng 200ml. Uống 2 lần vào buổi sáng và tối.

Lưu ý khi sử dụng bài thuốc dân gian chữa chứng mất ngủ

Mặc dù các bài thuốc dân gian trị mất ngủ thường an toàn và lành tính, người bệnh cần chú ý một số điểm sau khi áp dụng tại nhà:

  • Sơ chế nguyên liệu kỹ lưỡng: Trước khi sử dụng, các nguyên liệu cần được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và vi khuẩn. Việc này giúp giảm nguy cơ ngộ độc.
  • Đối tượng sử dụng: Một số phương pháp có thể không phù hợp với người có cơ địa nhạy cảm, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người mắc bệnh gan, thận. Vì vậy, những nhóm đối tượng này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào.
  • Kết hợp với thuốc Tây: Không nên tự ý kết hợp bài thuốc dân gian với thuốc Tây mà không có sự đồng ý của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
  • Hiệu quả của bài thuốc: Các bài thuốc dân gian trị mất ngủ thường chỉ hiệu quả đối với mất ngủ thông thường do căng thẳng, mệt mỏi, thiếu chất, có thể không hoặc ít hiệu quả đối với mất ngủ do mắc bệnh lý mãn tính.

Một số biện pháp chữa khó đi vào giấc ngủ khác

Một số biện pháp hỗ trợ cải thiện giấc ngủ lành mạnh nên được duy trì cho dù bạn đang chữa mất ngủ bằng bất kỳ loại điều trị nào.

  • Duy trì lịch đi ngủ cố định: Bạn cần luyện tập duy trì lịch đi ngủ cố định, cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Việc này giúp cơ thể củng cố chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ có thể giảm tình trạng buồn ngủ vào ban ngày. Đảm bảo rằng thời gian đi ngủ của bạn vẫn đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ: Thư giãn trước khi đi ngủ giúp bạn xả stress và dễ dàng đi vào giấc ngủ. Thời điểm tốt nhất để thư giãn là khoảng 30 – 60 phút trước khi đi ngủ. Bạn có thể tắm bằng nước ấm, thực hiện các động tác căng cơ nhẹ nhàng, yoga, thiền hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng. Tránh làm các việc gây căng thẳng hoặc kích thích quá mức.
  • Không sử dụng các thiết bị điện tử: Các thiết bị điện tử như điện thoại phát ra ánh sáng xanh làm giảm nồng độ melatonin trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy tỉnh táo. Nồng độ melatonin giảm có thể gây khó khăn trong việc vào giấc ngủ. Do đó, bạn nên để điện thoại xa giường ngủ và chuyển điện thoại sang chế độ im lặng.
  • Tập thể dục đều đặn: Bạn có thể dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Bất kỳ loại hình luyện tập nào cũng có lợi cho sức khỏe và giấc ngủ miễn là lành mạnh, phù hợp với thể lực của bạn và không tập sát giờ đi ngủ.
  • Hạn chế lượng caffeine nạp vào: Tác dụng của caffeine trong cơ thể kéo dài từ 3 – 7 giờ sau khi tiêu thụ. Cách tốt nhất là bạn nên dùng các thức uống chứa caffeine vào buổi sáng và hạn chế uống vào buổi chiều, tối.
  • Tạo môi trường ngủ lý tưởng: Cách bạn sắp xếp không gian ngủ có thể ảnh hưởng lớn đến việc dễ dàng đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ sâu. Nhiệt độ phòng lý tưởng để ngủ ngon là từ 15,6°C đến 19,4°C. Ngoài điều chỉnh nhiệt độ, việc chọn nệm, gối và ga giường thoải mái cũng rất quan trọng, vì sự thoải mái sẽ giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ và giữ cho giấc ngủ được liên tục. Cân nhắc sử dụng nút tai hoặc máy tạo tiếng ồn trắng nếu bạn nhạy cảm với âm thanh. Bên cạnh đó, để tránh ánh sáng làm gián đoạn giấc ngủ, bạn nên sử dụng rèm chắn sáng hoặc mặt nạ ngủ để tạo ra không gian tối và yên tĩnh nhất có thể.
  • Hạn chế ăn nhiều trước khi đi ngủ: Một bữa ăn lớn trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ và gây ra chứng trào ngược axit. Thêm vào đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên tránh sử dụng rượu bia và nicotine vì các chất này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Bổ sung thêm một số tinh chất thiên nhiên có tác dụng giảm đau đầu, chóng mặt, mất ngủ. Một số tinh chất được chiết xuất từ việt quất (Blueberry) và bạch quả (Ginkgo Biloba) cũng có tác dụng cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Các tinh chất này giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ chức năng não bộ, từ đó cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung. Nhờ vậy, bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn và có một giấc ngủ sâu hơn.

Các bài thuốc dân gian trị mất ngủ vẫn được nhiều người dùng cho đến ngày nay. Hiệu quả có thể đến với người này nhưng cũng có thể không với người khác. Điều quan trọng cần ghi nhớ, luôn dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu mất ngủ kéo dài quá một tháng nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị với bác sĩ.