Đánh giá kết quả chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não giai đoạn cấp tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Đánh giá kết quả chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não giai đoạn cấp tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Lê Thị Hải Yến2, Trần Văn Tuấn1, Nguyễn Thị Minh Nguyệt1, Lê Thị Quyên1
Món Thị Uyên Hồng1, Bùi Thị Huyền2, Đặng Thị Ninh1, Vũ Thị Chi3
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên1
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên2
Ban BVSKTW2 3
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá kết quả chăm sóc bệnh nhân đột quỵ giai đoạn cấp tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành trên 114 bệnh nhân đột quỵ não, điều trị tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu là 66,77±11,89; triệu chứng lâm sàng thường gặp là liệt nửa người (97,4%), rối loạn ngôn ngữ (88,6%); tiền sử bệnh tật thường gặp là tăng huyết áp (81,6%), rối loạn chuyển hóa lipid máu (64%); các can thiệp chăm sóc điều dưỡng được áp dụng thường xuyên gồm: chế độ ăn bệnh lý (80,7%), tập PHCN sớm (78,1%), thay đổi tư thế (71,9%); Có mối liên quan ý nghĩa giữa tập phục hồi chức năng sớm với cứng khớp chi trên và chi dưới (p<0,05).
Kết luận: Các biện pháp can thiệp điều dưỡng cần được tiến hành sớm trên các bệnh nhân đột quỵ để giảm thiểu các di chứng có thể xảy ra.
Từ khóa: Đột quỵ não, can thiệp điều dưỡng, các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
1. Đặt vấn đề
Đột quỵ não là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong và tàn phế sau đột quỵ cao. Tại Mỹ, đột quỵ nhồi máu não là nguyên nhân hàng thứ 3 gây tử vong và là nguyên nhân hàng đầu gây di chứng và tàn phế. Chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ có ý nghĩa quan trọng góp phần giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế di chứng sau đột quỵ. Kết quả phục hồi chức năng ở bệnh nhân đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vai trò của hoạt động chăm sóc điều dưỡng người bệnh. Tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, hàng năm có đến gần một nghìn bệnh nhân đột quỵ được thăm khám và điều trị. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu “Đánh giá kết quả chăm sóc bệnh nhân đột quỵ giai đoạn cấp tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên” nhằm đánh giá vai trò của hoạt động chăm sóc điều dưỡng đến kết quả điều trị bệnh nhân đột quỵ giai đoạn cấp.
2. Đối tượng và phương pháp
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Gồm 114 bệnh nhân đột quỵ não điều trị nội trú tại Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Tiêu chuẩn chọn: Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của đột quỵ não và hình ảnh chảy máu hoặc nhồi máu trên phim chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não và/hoặc trên phim chụp cộng hưởng từ sọ não. Bệnh nhân và/hoặc người nhà bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân chảy máu não do chấn thương, bệnh nhân và/hoặc người nhà bệnh nhân không đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
Thời gian: Từ tháng 02 năm 2022 đến tháng 08 năm 2022.
Địa điểm nghiên cứu: Trung tâm đột quỵ – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Kỹ thuật: Chọn mẫu thuận tiện.
Cỡ mẫu: Lấy toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn vào nghiên cứu.
Các bước tiến hành:
Bệnh nhân được khám lâm sàng, cận lâm sàng để chẩn đoán xác định đột quỵ não, thể đột quỵ não (chảy máu não hoặc nhồi máu não).
Bệnh nhân được điều trị nội khoa và thực hiện các can thiệp điều dưỡng tại Trung tâm đột quỵ – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Kết quả điều trị được đánh giá dựa trên sự thay đổi của các dấu hiệu lâm sàng khi nhập viện, khi ra viện, sự xuất hiện của các biến chứng trong quá trình điều trị, thang điểm Rankin cải tiến (mRankin) và thang điểm NIHSS khi ra viện.
Số liệu được thu thập theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất.
2.3. Chỉ tiêu nghiên cứu
Tuổi, giới, tiền sử mắc bệnh.
Các triệu chứng lâm sàng: ý thức, triệu chứng thần kinh khu trú, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cơ tròn, triệu chứng khác.
Kết quả điều trị đánh giá qua sự thay đổi các dấu hiệu lâm sàng khi nhập viện, khi ra viện, sự xuất hiện của các biến chứng trong quá trình điều trị, thang điểm Rankin cải tiến (mRankin) và thang điểm NIHSS khi ra viện, thang điểm mRankin khi ra viện.
2.4. Xử lý số liệu
Theo phương pháp thống kê y học bằng phần mềm SPSS 22: T-test trong kiểm định hai trung bình và Chi-bình phương cho kiểm định hai tỷ lệ.
2.5. Đạo đức nghiên cứu
Đề tài đã được sự chấp thuận của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
3. Kết quả nghiên cứu
Bảng 1. Đặc điểm tuổi, giới, trình độ học vấn của bệnh nhân nghiên cứu
Tuổi (năm) | Trung bình ± SD | Nhỏ nhất | Lớn nhất |
66,77±11,89 | 32 | 97 | |
Đặc điểm | Số bệnh nhân | Tỷ lệ (%) | |
Giới | Nam | 78 | 68,4 |
Nữ | 36 | 31,6 | |
Trình độ học vấn | Tiểu học, THCS | 37 | 32,4 |
THPT | 49 | 43 | |
CĐ, ĐH | 28 | 24,6 |
Tuổi trung bình là 66,77 (năm), bệnh nhân nam chiếm tỷ lệ cao (68,4%), trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở xuống là (75,4%).
Bảng 2. Một số triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh nhân nghiên cứu
Đặc điểm | Số bệnh nhân | Tỷ lệ (%) | |
Triệu chứng đột quỵ | Rối loạn ý thức | 57 | 50 |
Liệt vận động | 111 | 97,4 | |
Rối loạn ngôn ngữ | 101 | 88,6 | |
Rối loạn nuốt | 21 | 18,4 | |
Rối loạn cơ tròn | 73 | 64,0 | |
Khác | 76 | 66,7 | |
Tiền sử | Tăng huyết áp | 93 | 81,6 |
Rối loạn chuyển hóa lipid | 73 | 64,0 | |
Uống rượu nhiều | 20 | 17,5 | |
Hút thuốc lá | 41 | 36,0 | |
Đái tháo đường | 27 | 23,7 | |
Béo phì | 29 | 25,4 | |
Bệnh tim | 6 | 5,3 | |
Ăn nhiều muối | 10 | 8,8 | |
Stress | 1 | 9 |
Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là liệt vận động (97,4%) và tiền sử hay gặp nhất là tăng huyết áp (81,6%).Biểu đồ 1. Thể đột quỵ
Bệnh nhân nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao (72,0%).
Bảng 3. Các can thiệp điều dưỡng khi bệnh nhân nhập viện
Các can thiệp điều dưỡng | Số bệnh nhân | Tỷ lệ (%) |
Chế độ ăn bệnh lý | 92 | 80,7 |
Tập PHCN sớm | 89 | 78,1 |
Thay đổi tư thế | 82 | 71,9 |
Vỗ rung | 75 | 65,8 |
Vệ sinh miệng họng | 55 | 48,2 |
Can thiệp điều dưỡng được tuân thủ nhiều nhất là chế độ ăn bệnh lý (80,7%), tập PHCN sớm (78,1).
Bảng 4. Điểm mRankin tại thời điểm ra viện
Điểm NIHSS trung bình ( ± SD) | Nhỏ nhất | Lớn nhất | |||
Vào viện | 9,75±4,227 | 2 | 20 | ||
Ra viện | 4,04±3,439 | 0 | 15 | ||
Điểm mRankin | Số BN | Tỷ lệ (%) | Điểm mRankin | Số BN | Tỷ lệ (%) |
0 | 28 | 24,6 | 3 | 20 | 17,5 |
1 | 23 | 20,2 | 4 | 24 | 21,1 |
2 | 17 | 14,9 | 5 | 2 | 1,8 |
Tổng | 68 | 59,7 | Tổng | 46 | 40,3 |
Biến chứng | Ngày thứ 3 | Khi ra viện | |||
Số BN | Tỷ lệ (%) | Số BN | Tỷ lệ (%) | ||
Loét da vùng tỳ đè | 5 | 4,4 | 2 | 1,8 | |
Cứng khớp chi trên | 12 | 10,5 | 5 | 4,4 | |
Cứng khớp chi dưới | 11 | 9,6 | 8 | 7 | |
Viêm nhiễm hô hấp | 27 | 23,7 | 10 | 8,8 | |
Viêm nhiễm tiết niệu | 22 | 19,3 | 11 | 9,6 |
Tại thời điểm ra viện, điểm NIHSS giảm đáng kể so với lúc vào viện (từ 9,75±4,227 giảm còn 4,04±3,439), điểm mRankin từ 0-2 chiếm tỷ lệ cao (68 bệnh nhân, 59,7%) và biến chứng gặp nhiều nhất là cứng khớp chi dưới (8 bệnh nhân, 7%).
Bảng 5. Mối liên quan giữa tập PHCN sớm, thay đổi tư thế đúng đến biến chứng loét, cứng khớp chi trên, chi dưới tại thời điểm ra viện
Biến chứng
Can thiệp |
Không loét
n (%) |
Loét
n (%) |
p | |
Tập PHCN sớm | Có | 88 (98,9) | 1 (1,1) | > 0,05 |
Không | 24 (96,0) | 1 (4,0) | ||
Thay đổi tư thế | Có | 82 (100) | 0 (0,0) | > 0,05 |
Không | 30 (93,8) | 2 (6,3) | ||
Biến chứng
Can thiệp |
CK chi trên | p | ||
Không [n (%)] | Có [n (%)] | |||
Tập PHCN sớm | Có | 89 (100) | 0 (0) | < 0,05 |
Không | 20 (80) | 5 (20) | ||
Thay đổi tư thế | Có | 79 (96,3) | 3 (3,7) | > 0,05 |
Không | 30 (93,8) | 2 (6,3) | ||
Biến chứng
Can thiệp |
CK chi dưới | p | ||
Không [n (%)] | Có [n (%)] | |||
Tập PHCN sớm | Có | 87 (97,8) | 2 (2,2) | < 0,05 |
Không | 19 (76,0) | 6 (24,0) | ||
Thay đổi tư thế | Có | 76 (92,7) | 6 (7,3) | > 0,05 |
Không | 30 (93,8) | 2 (6,3) |
Tập phục hồi chức năng sớm liên quan đến giảm tỷ lệ cứng khớp chi trên và cứng khớp chi dưới (p<0,05).
Bảng 6. Mối liên quan giữa vệ sinh miệng họng và vỗ rung đến biến chứng viêm nhiễm hô hấp tại thời điểm ra viện
Biến chứng
Can thiệp |
Viêm nhiễm hô hấp | p | ||
Không [n (%)] | Có [n (%)] | |||
Vệ sinh miệng họng | Có | 26 (96,3) | 1 (3,7) | > 0,05 |
Không | 78 (89,7) | 9 (10,3) | ||
Vỗ rung | Có | 26 (96,3) | 1 (3,7) | > 0,05 |
Không | 78 (89,7) | 9 (10,3) |
Không có mối liên quan giữa vệ sinh miệng họng và vỗ rung với viêm nhiễm đường hô hấp (p > 0,05).
4. Bàn luận
4.1. Đặc điểm chung
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tuổi trung bình là 66,7. Tỷ lệ bệnh nhân là nam giới (68,4%) nhiều hơn ở nữ (31,6%), trình độ học vấn từ THPT trở xuống là (75,4%).
Một số triệu chứng lâm sàng hay gặp trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu đó là: liệt vận động (97,4%), rối loạn ngôn ngữ (88,6%, rối loạn ý thức (50%), rối loạn cơ tròn (64%). Tiền sử bệnh nhân mắc các bệnh như tăng huyết áp (81,6%), rối loạn chuyển hóa lipid (64%), hút thuốc lá (36%). Các kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả khác [1], [2].
4.2. Kết quả chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân đột quỵ não giai đoạn cấp.
Khi bệnh nhân nhập viện điều trị, ngoài tuân thủ dùng thuốc và các kỹ thuật can thiệp trên bệnh nhân theo y lệnh, vai trò của người điều dưỡng trong việc chăm sóc cho bệnh nhân rất quan trọng để giúp cho quá trình hồi phục nhanh và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Trong nghiên cứu này, các can thiệp điều dưỡng được áp dụng chủ yếu là điều chỉnh chế độ ăn theo bệnh lý (80,7%), tập phục hồi chức năng sớm (78,1), thay đổi tư thế phù hợp (71,9%), ngoài ra còn kết hợp vỗ rung lồng ngực, vệ sinh răng miệng thường xuyên. Kết quả khi ra viện cho thấy điểm NIHSS đã giảm từ 9,75 xuống 4,04. Điểm mRs từ mức 2 trở xuống chiếm tỷ lệ 59,7% (di chứng mức độ nhẹ). Các biến chứng loét da vùng tỳ đè, cứng khớp chi trên, chi dưới chiếm tỷ lệ thấp, kết quả cho thấy những bệnh nhân tuân thủ chế độ can thiệp điều dưỡng hợp lý cho kết quả phục hồi tốt không để lại các di chứng cứng khớp, sự khác biệt có ý nghĩa với p <0,05.
Nghiên cứu của Clare CS và cộng sự [3] đánh giá vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não giai đoạn cấp đã đưa ra nhận định đột quỵ là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người bệnh, nhưng việc xác định kịp thời và điều trị sớm có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi chức năng của những người sống sót. Tác giả Amatangelo MP [4] nghiên cứu những vấn đề ưu tiên chăm sóc can thiệp điều dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ nhận thấy Gần 20% tổng số bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ cần được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực, đặc biệt là những người đã được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch hoặc nội mạch, ưu tiên can thiệp của điều dưỡng và theo dõi chăm sóc đặc biệt có thể cải thiện kết quả hồi phục của bệnh nhân và giảm thiểu tàn tật. Oliveira-Kumakura ARS và cộng sự [5] đã nhận định giá trị lâm sàng các chẩn đoán điều dưỡng liên quan đến thiếu hụt sự tự chăm sóc ở bệnh nhân đột quỵ như việc cho ăn, tắm, đi vệ sinh và một số chỉ số khác trên cơ sở đó góp phần xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đột quỵ ngày càng tốt hơn.
5. Kết luận
Trên cơ sở áp dụng các biện pháp can thiệp chăm sóc người bệnh đột quỵ não, kết quả cho thấy ý nghĩa của việc chăm sóc giảm thiểu được các biến chứng sau đột quỵ, do vậy cần huy động nhân lực tham gia vào quá trình hỗ trợ người bệnh tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên trong bệnh viện và ngoài cộng đồng sau khi ra viện để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh đột quỵ não.
Abstract
Evaluation of caring for acute stroke patients at Thai Nguyen national hospital
Objectives: Evaluation of caring for acute stroke patients at the Stroke Center of Thai Nguyen National Hospital.
Methods: A cross-sectional descriptive study was conducted on 114 stroke patients, treated at Stroke Center – Thai Nguyen National Hospital.
Results: The mean age of the patients was 66.77±11.89; common clinical symptoms are hemiplegia (97.4%), language disorder (88.6%); Common medical history is hypertension (81.6%), dyslipidemia (64%); Nursing care interventions are applied regularly including: pathological diet (80.7%), early rehabilitation (78.1%), position change (71.9%); There is a significant relationship between early rehabilitation exercises and stiffness of the upper and lower limbs (p<0.05).
Conclusion: Nursing interventions should be initiated early in stroke patients to minimize possible sequelae.
Keywords: Stroke, nursing intervention, risk factors for stroke.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Lan và Phạm Quang Hòa (2017), “Cải thiện khả năng thực hành của người chăm sóc chính về phục hồi vận động cho người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh”, Tạp chí Nghiên Cứu Khoa Học Điều dưỡng. 1(2), tr. 23-26.
2. Wu S, Wu B, Liu M, Chen Z, Wang W, Anderson CS, et al. Stroke in china: advances and challenges in epidemiology, prevention, and management. Lancet Neurol. (2019) 18:394–405. 10.1016/S1474-4422(18)30500-3 – DOI – PubMed.
3. Clare CS (2020). Role of the nurse in acute stroke care. Nurs Stand. 2020 Apr 1;35(4):68-75. doi: 10.7748/ns.2020.e11482. Epub 2020 Mar 30. PMID: 32227723.
4. Amatangelo MP, Thomas SB (2020). Priority Nursing Interventions Caring for the Stroke Patient. Crit Care Nurs Clin North Am. 2020 Mar;32(1):67-84. doi: 10.1016/j.cnc.2019.11.005. Epub 2019 Dec 18. PMID: 32014162.
5. Oliveira-Kumakura ARS, Sousa CMFM, Biscaro JA, Silva KCRD, Silva JLG, Morais SCRV, Lopes MVO (2021). Clinical Validation of Nursing Diagnoses Related to Self-Care Deficits in Patients with Stroke. Clin Nurs Res. 2021 May;30(4):494-501. doi: 10.1177/1054773819883352. Epub 2019 Oct 23. PMID: 31640400.