THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TRONG THẦN KINH HỌC
THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TRONG THẦN KINH
Lê Đức Hinh
Hội Thần kinh học Việt Nam
TÓM TẮT
Thực phẩm chức năng là các sản phẩm hoặc thực phẩm có tác dụng hỗ trợ, duy trì, phục hồi hoặc tăng cường cấu trúc chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, góp phần làm giảm nguy cơ và tác hại của bệnh tật. Trong lâm sàng, các bệnh của hệ thần kinh do thiếu hụt dinh dưỡng chiếm một vị trí quan trọng. Các rối loạn dinh dưỡng có thể xâm phạm tới cả hai hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Do đó, tùy từng trường hợp và thể bệnh, ngoài việc áp dụng các phác đồ xử trí chuyên khoa thần kinh còn có thể nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân và hỗ trợ điều trị bằng cách sử dụng một số thực phẩm chức năng cần thiết.
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Thời gian gần đây, một vấn đề được cộng đồng quan tâm nhiều là thực phẩm chức năng. Cùng với những quảng cáo là các khuyến cáo liên quan đến việc sử dụng các chất này trong đời sống hàng ngày bao gồm cả điều trị và dự phòng bệnh tật. Ngoài một số tài liệu về các tác dụng của thực phẩm chức năng đối với một số bệnh lý, chưa có nhiều thông tin liên quan đến bệnh thần kinh. Bài viết này nhằm đề cập đến ý nghĩa và vai trò của thực phẩm chức năng trong thần kinh học.
- ĐẶC ĐIỂM SINH – LÝ – HÓA CỦA HỆ THẦN KINH
Hệ thần kinh có thể coi như một bộ máy thông tin với các đặc điểm:
– Hệ thần kinh phụ trách mọi hoạt động của cơ thể với hai hệ tiếp ngoại và thực vật gắn liền với nhau có khả năng thu nhận và xử lý thông tin dẫn tới sự chấp hành của các cơ quan trong cơ thể. Đơn vị cơ bản là tế bào thần kinh; riêng ở não tại vỏ não có tới 10 tỷ tế bào thần kinh. Điểm gặp gỡ của hai hoặc nhiều tế bào thần kinh là khớp thần kinh. Ngoài các tế bào thần kinh còn có các thần kinh đệm đóng vai trò nâng đỡ, bảo vệ và nuôi dưỡng các tế bào thần kinh cũng như trong sự dẫn truyền xung thần kinh.
– Trong mô thần kinh có một tỷ lệ nước khá cao. Ở não người trưởng thành 78% là nước còn ở tủy sống có khoảng 75%. Chất xám chứa nước cao hơn chất trắng. Phần lớn nước nằm trong tế bào (chỉ 15% ở ngoài tế bào) là một dung môi hòa tan các chất điện giải cũng như các chất dinh dưỡng, góp phần vào quá trình điều hoà áp lực thẩm thấu và thủy lực của hệ thần kinh. Phần đặc của mô thần kinh bao gồm chủ yếu là các chất protein và lipid với một lượng nhỏ các muối vô cơ và các chất hữu cơ. Protein chiếm khoảng 40% phần mô đặc, còn lipid khoảng 40 – 75%. Các lipid có trong não thường được tổng hợp ngay tại chỗ hơn là được vận chuyển tới từ các nguồn khác. Các muối vô cơ tìm thấy trong mô thần kinh là phosphat và clorua kali; còn natri và các thành phần kiềm khác có tỷ lệ thấp hơn. Nồng độ kali và magiê trong tế bào thường cao, còn natri hoặc clorua không có hoặc có rất ít vì chủ yếu nằm ngoài tế bào.
– Ở não trưởng thành, khả năng tổng hợp một vài loại protein và lipid giảm rất nhiều so với não bào thai nhưng sự phụ thuộc vào hydrat carbon là nguồn nhiên liệu chính vẫn được duy trì. Não có đặc tính tiêu thụ oxy rất lớn và hoạt động chuyển hóa ở vỏ não và tiểu não bao giờ cũng cao nhất. Não chỉ có trọng lượng bằng 1/20 trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ tới 20% oxy do glucose và máu cung ứng. Như vậy hoạt động bình thường của não luôn cần có lượng oxy được cung ứng một cách hằng định. Chỉ cần thiếu oxy 5 phút là tế bào thần kinh có thể chết, tuy nhiên riêng trẻ em lúc mới sinh có thể chịu đựng được 15 phút. Mặt khác, theo lý thuyết kinh điển, một đặc điểm của tế bào thần kinh là khi sinh ra có bao nhiêu thì về sau chỉ giảm dần đi chứ không sinh sản ra mới.
III. BỆNH LÝ DINH DƯỠNG CỦA HỆ THẦN KINH
Bệnh thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chấn thương, khối u, rối loạn mạch máu, thoái hóa, thiếu dinh dưỡng v.v… Trong bệnh lý dinh dưỡng các bệnh của hệ thần kinh chiếm một vị trí quan trọng. Có thể nói rằng các bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng ngày càng trở nên một vấn đề sức khỏe trong các cộng đồng. Các bệnh cảnh “tê tê – say say” ở khu vực Hòa Bình trước kia, vụ dịch “ tê phù” ở miền Bắc những năm 80 của thế kỷ trước và những trường hợp “ bệnh lạ” ở Quảng Ngãi gần đây là những minh họa điển hình. Thuật ngữ “thiếu hụt” ở đây muốn nói tới các bệnh do thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hoặc so các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nhu cầu của các chất dinh dưỡng đó.
Các chất dinh dưỡng quan trọng nhất là các vitamin, đặc biệt các thành viên của nhóm B như thiamin, acid nicotinic, pyridoxin, acid folic và cobalamin. Nhiều bệnh thiếu hụt không chỉ liên quan đến một vitamin đơn thuần (ví dụ bệnh thoái hóa phối hợp tổn thương tủy sống bán cấp do thiếu hụt vitamin B12 là một trường hợp đặc biệt) mà phần lớn do thiếu hụt nhiều vitamin.
Tuy nhiên các bệnh dinh dưỡng của hệ thần kinh không chỉ đơn giản là vấn đề thiếu hụt vitamin. Thực tế cho thấy các dấu hiệu chung của thiếu dinh dưỡng thường là rối loạn tuần hoàn, mất lớp mỡ dưới da và khối cơ kết hợp với nhau. Hơn nữa ngay việc hoàn toàn thiếu hụt vitamin như ở cơ thể đối tượng bị chết đói cũng hiếm khi thấy kết hợp với các hội chứng cổ điển của bệnh tê phù (beri- beri) hoặc penlagra. Có thể nói mọi bệnh do thiếu hụt, bao gồm cả các bệnh do thiếu hụt của hệ thần kinh, đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thai nghén, trưởng thành, tập luyện, nhiễm khuẩn, v.v… thường làm tăng nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thiết yếu. Đồng thời các bệnh của gan và ống tiêu hóa cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Các bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng của hệ thần kinh có thể xuất hiện dưới dạng đơn thuần hoặc kết hợp. Các rối loạn dinh dưỡng có đặc điểm là xâm phạm tới cả hai hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Có thể kể ra một số bệnh như: bệnh Wernicke và loạn thần Korsakov, bệnh dây thần kinh do thiếu hụt dinh dưỡng (bệnh tê phù beri- beri), bệnh dây thần kinh thị giác do thiếu dinh dưỡng, bệnh penlagra, hội chứng Strachan, thoái hóa phối hợp tủy sống bán cấp (thiếu hụt vitamin B12 ), bệnh thần kinh do thiếu hụt pyridoxin và các vitamin B khác, thiếu vitamin E. Ngoài ra còn có nhiều bệnh khác trong đó có thể có vai trò của thiếu hụt dinh dưỡng tuy chưa được chứng minh như: thoái hóa tiểu não do rượu, bệnh tiêu myelin ở trung tâm cầu não và ngoài cầu não, thoái hóa thể chai nguyên phát (bệnh Marchiafava – Bignami)… Đấy là chưa kể đến các trường hợp bệnh lý do thiếu hụt một số vi chất khác.
VI. VAI TRÒ CỦA THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
Theo định nghĩa, thực phẩm chức năng là các sản phẩm hoặc thực phẩm có tác dụng hỗ trợ, duy trì, phục hồi hoặc tăng cường cấu trúc chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, góp phần làm giảm nguy cơ và tác hại của bệnh tật.
Đặc điểm của thực phẩm chức năng là giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, giống thực phẩm về bản chất nhưng khác về hình thức, giống thuốc về hình thức nhưng khác về bản chất, do đó có thể tác động tới một hoặc nhiều chức năng của cơ thể. Thực phẩm chức năng có lợi ích với sức khỏe hơn lợi ích dinh dưỡng cơ bản. Mặt khác cũng có thể được chế biến từ nguồn gốc tự nhiên như động vật, thực vật, khoáng vật.
Như vậy, về mặt thuật ngữ cần phân định:
– Chất dinh dưỡng là những chất được dùng như một thành phần của thực phẩm nhằm cung cấp năng lượng cần thiết cho duy trì sự sống và tăng trưởng; nếu thiếu hụt chất đó sẽ gây thay đổi về mặt sinh lý của cơ thể.
– Vi chất dinh dưỡng bao gồm một lượng nhỏ các phân tử hoặc ion cần thiết có trong cơ thể hoặc trong thực phẩm để đảm bảo sự hoạt động của sinh vật. Đó là các vitamin, acid amin, acid béo và các hoạt chất sinh học.
+ Thực phẩm tăng cường là thực phẩm có thêm chất dinh dưỡng vào thức ăn truyền thống (ví dụ iod trong muối ăn, kẽm trong sữa, acid folic trong bột ngũ cốc).
Theo phương thức chế biến, thực phẩm chức năng có thể được bổ sung vitamin (ví dụ vitamin C, E, beta – caroten), khoáng chất (ví dụ iod, calci, magiê, kẽm, sắt), hoạt chất sinh học (như DHA, EPA, omega-3). Theo qui định quốc tế, có 12 loại vitamin (niacin, acid pantothenic, biotin, A, B, B2, B6, B12, C, D, E, acid folic) và 5 loại khoáng chất (calci, sắt, kẽm, đồng, magiê) cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh, duy trì sức khỏe, dành cho những người có lượng dinh dưỡng ăn vào không đầy đủ do lão hóa hoặc do thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
Trong lâm sàng, thực phẩm chức năng thường được sử dụng nhằm hỗ trợ dự phòng và điều trị một số các bệnh tim – mạch, xương – khớp, rối loạn chuyển hóa, bệnh thần kinh và quá trình lão hóa.
Như trên đã trình bày, các bệnh của hệ thần kinh chiếm một vị trí quan trọng trong bệnh lý dinh dưỡng. Do đó đối với từng thể bệnh và từng trường hợp bệnh nhân, ngoài việc áp dụng đúng các phác đồ xử trí chuyên khoa còn có thể nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân và hỗ trợ quá trình điều trị, phục hồi sức khỏe bằng cách sử dụng đúng một số thực phẩm chức năng phù hợp.
Hệ thần kinh cũng như mọi bộ phận, cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể luôn cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách cân đối, phù hợp với lứa tuổi, giai đoạn sinh lý của từng cá thể. Sự chuyển hóa của các chất đó trong cơ thể cơ bản là các phản ứng hóa học. Ở đây vấn đề đáng chú ý là sự phát sinh ra các gốc tự do liên quan đến nhiều phản ứng trong các mô sống của cơ thể với vai trò như những chất trung gian có hoạt tính mạnh trong thời gian ngắn. Hàng ngày cơ thể con người bình thường có thể sản sinh ra khoảng 10 triệu gốc tự do. Bình thường các gốc tự do bị các chất chống oxy – hóa phân hủy nhanh chóng do các loại thức ăn, nước uống đưa vào cơ thể để lập lại thế cân bằng.
Trong quá trình lão hóa, tốc độ lão hóa của cơ thể phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa các gốc tự do và các chất chống oxy- hóa. Nếu gốc tự do chiếm ưu thế xâm hại các mô, cơ quan, hệ thống của cơ thể một cá thể, tốc độ lão hóa của cá thể đó sẽ nhanh hơn. Đối với hệ thần kinh, đặc biệt là não, gốc tự do có thể gây các tổn thương cấp tính và mạn tính cho tế bào thần kinh, nhu mô não và các mạch máu nuôi dưỡng não. Gốc tự do có thể làm cho các tế bào thần kinh bị thoái hóa, ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh về chất lượng và số lượng dẫn tới các hình thái teo não. Ngoài lão hóa bình thường, các quá trình bệnh lý khác của hệ thần kinh cũng đều chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các gốc tự do. Y văn cho biết các gốc tự do liên quan chặt chẽ đến hơn sáu mươi bệnh thường gặp về tim – mạch, tiêu hóa, hô hấp, xương – khớp, rối loạn chuyển hóa, thần kinh v.v. Do đó, dự phòng bệnh tật nói chung, ngăn ngừa lão hóa và bệnh lý thoái hóa thần kinh nói riêng cần được đặc biệt quan tâm trên nhiều mặt trong đó có thể sử dụng các chất chống oxy – hóa để xử trí các gốc tự do.
Đối với các thực phẩm và dược phẩm, nguồn cung cấp các chất chống oxy – hóa đã được nói tới nhiều là các trái cây, rau quả tươi, các vitamin có khả năng bẫy gốc tự do. Ngoài các vitamin, còn có các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng cần thiết, các hoạt chất sinh học (bao gồm các hormon và tiền hormon, các acid amin, acid béo chưa no, các enzym (men) và các chất bổ sung khác… Đó cũng là những thành phần thường có trong một số thực phẩm chức năng.
- SỬ DỤNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TRONG THẦN KINH HỌC
Trong thực hành lâm sàng, người thầy thuốc chuyên khoa thần kinh luôn phải cân nhắc thận trọng khi kê đơn điều trị cũng như trả lời tư vấn liên quan đến thực phẩm chức năng. Đối với các loại bệnh khác nhau, cần theo hướng dẫn xử trí của các phác đồ đã được ban hành và tham khảo các tài liệu y văn. Các sách giáo khoa cũng như phần lớn các hướng dẫn điều trị thường ít đề cập đến các thực phẩm chức năng. Do đó việc nghiên cứu tham khảo cập nhật các tài liệu chuyên đề rất quan trọng để có thể đề ra phương thức sử dụng đúng, an toàn và hợp lý thực phẩm chức năng trong điều trị và dự phòng các bệnh thần kinh.
SUMMARY
FUNCTIONAL FOOD IN NEUROLOGY
LE DUC HINH
Vietnamese Association of Neurology
Functional foods are products or foods having the action of helping, maintaining, recovering or fortifying functional structures of body organs, with or without nutritional properties, providing to the organism a state of well – being, increasing immune resistance, contributing to reduce risks and damage of diseases. Clinically, diseases of the nervous system due to nutritional deficiencies take an important place. Nutritional disorders may involve both of the central and peripheral nervous system. Therefore depending on the case and the clinical form, beside applying guidelines for management in neurology, one can increase patient’s resistance and help healing process by correctly using necessary functional foods.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Đấng (chủ biên). Thực phẩm chức năng, Nhà xuất bản Y học, 2013.
- Lê Đức Hinh. Sự lão hóa và gốc tự do. Bản tin Bảo vệ sức khỏe cán bộ, 2013, 17, 11-12.
- Phan Thị Kim, Lê Đức Hinh, Bùi Minh Đức. Dinh dưỡng liên quan đến bệnh thần kinh. Nhà xuất bản Y học, 1999.
- Nguyễn Quốc Triệu, Phạm Song (chỉ đạo biên soạn). Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, 2011.
- BRADLEY WG, DAROFF RB, FENICHEL GM (eds). Neurology in Clinical practice, 4th ed. Butterworth – Heinemann, 2003.
- KANDEL ER, SCHWARTZ JF, JESSELL TM, Principles of neural science, 3rd ed. Appleton and Lande, 1991.
- MARTOREL R, HASCHKE F (eds). Nutrition and Growth. Lippincott Williams and Wilkins, 2001
- NOSEWORTHY JH, ed. Neurological Therapeutics Principles and Practice, 2nd ed. Informa Health, 2001.
- WICTOR M, ROPPER AH, (eds). Adams and Victor’s Principles of Neurology, 7th ed. McGraw – Hill, 2001.
- SIEGEL GJ, ALBERS RW, AGRANOFF BW, KATZMAN R, (eds). Basic Neurochemistry, 3rd ed. Little, Brown and Co, 1981.