Nghiên cứu mối liên quan giữa rlgn với tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm và chỉ số hạnh phúc ở một nhóm bệnh nhân mắc bệnh thần kinh

Nghiên cứu mối liên quan giữa RLGN với tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm và chỉ số hạnh phúc ở một nhóm bệnh nhân mắc bệnh thần kinh

Nguyễn Văn Chương, Phan Thành Công, Nguyễn Thị Thu
Nguyễn Thị Thùy Dung, Đinh Thị Phượng, Trần Thị Huế
Học viện Quân y

ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể con người. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Nếu thời gian ngủ đầy đủ, chất lượng giấc ngủ tốt cơ thể giữ được ổn định và mọi hoạt động được duy trì hằng định [2],[11]. Điều này rất cần thiết để cho cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống tự nhiên và xã hội. Những trường hợp RLGN (RLGN) não không được tái hồi năng lượng đầy đủ, chức năng điều hành suy yếu, nếu tình trạng kéo dài dẫn đến suy giảm thể chất và tinh thần.
RLGN và tình trạng stress, RLLÂ (RLLÂ), trầm cảm gặp tương đối nhiều trong cộng đồng cũng như trong lâm sàng, ảnh hưởng nhiều để chất lượng sống, niềm tin và động lực chữa bệnh của bệnh nhân [1],[3]. Tuy nhiên các yếu tố này còn chưa được quan tâm thỏa đáng trong thực hành lâm sàng. Để khảo sát và có những cái nhìn bao quát và toàn diện hơn nữa về BN chúng tôi tiến hành nghiên cứu các tình trạng bệnh lý trên ở các BN mắc một số bệnh lý thần kinh với 2 mục tiêu:
1. Khảo sát tình trạng RLGN và tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm ở một nhóm bệnh nhân mắc bệnh thần kinh.
2. Xác định liên quan giữa RLGN và tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu.
– Số lượng BN: 200 người mắc các bệnh thần kinh khác nhau đã được xác định chẩn đoán xác định phù hợp.
– Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân: tuổi từ 18 trở lên, mọi giới tính, đã bị bệnh ít nhất 07 ngày.
– Tiêu chuẩn loại trừ: BN có rối loạn ý thức; Mắc bệnh tâm thần; BN không đồng ý cho nghiên cứu; BN mắc các bệnh mạn tính nặng của chuyên khoa khác; BN nghiện rượu, ma túy.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Thiết kế nghiên cứu
Tiến cứu, mô tả cắt ngang
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
– BN được hỏi bệnh, khám xét lâm sàng, thu thập số liệu nghiên cứu và ghi đầy đủ vào bệnh án nghiên cứu.
– Chẩn đoán RLGN dựa vào Chỉ số chất lượng giấc ngủ (Pittsburgh Sleep Quality Index – PSQI) được thực hiện bằng bộ câu hỏi điều tra về 07 yếu tố đại diện các đặc điểm giấc ngủ, để đánh giá chất lượng giấc ngủ; mỗi câu hỏi được chia thành nhiều phương án trả lời từ 1 -3, ứng với các chất lượng khác nhau của giấc ngủ. Tổng số điểm của 7 yếu tố mà từng BN có được sẽ dao động từ 0 đến 21. BN có tổng số điểm PSQI lớn hơn hoặc bằng 5 là có RLGN, mức độ điểm càng cao thì chất lượng giấc ngủ càng thấp. Điểm PSQI <5 là bệnh nhân không có RLGN. Đánh giá RLGN theo các mức độ: Nhẹ (5-8), Vừa (9-12), Nặng (13-16) và Rất nặng (17-21) [8], [11].
– Chẩn đoán và đánh giá tình trạng trầm cảm, RLLÂ, stress theo thang điểm Depression, Anxiety and Stress Scale (DASS-21) bao gồm 21 câu hỏi thuộc các phương diện đánh giá mức độ stress (S), RLLÂ (A), trầm cảm (D) ở BN. Mỗi câu hỏi có 4 lựa chọn trả lời; Điểm của tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm được tính bằng cách cộng điểm các đề mục thành phần, rồi nhân hệ số 2 [9]. Điểm càng cao rối loạn càng nặng (Bảng 1).

Bảng 1. Phân chia mức độ rối loạn trầm cảm, RLLÂ và rtress

Mức độ Trầm cảm (D) RLLÂ (A) Stress (S)
Bình thường 0-9 0-7 0-14
Nhẹ 10-13 8-9 15-18
Vừa 14-20 10-14 19-25
Nặng 21-27 15-19 26-33
Rất nặng ≥28 ≥20 ≥34

– Điều tra Chỉ số Hạnh phúc theo bảng đều tra “The Oxford Happiness Questionnaire” (bản rút gọn) được xây dựng năm 2002 bởi tác giả Michael Argyle and Peter Hills, trường Đại học Oxford Brookes [12] dựa trên tính cách, đặc điểm khác biệt cá nhân và lượng giá thông qua các nghiên cứu tâm lý học. Bộ câu hỏi rút gọn gồm 8 câu phản ánh các trạng thái, cảm nhận tích cực (5 câu) hoặc tiêu cực (3 câu) khác nhau; mỗi câu có 6 lực chọn trả lời. Điểm càng cao càng hạnh phúc, từ 4 trở lên là hạnh phúc.
– Các nghiên cứu viên được tập huấn để triển khai công việc, sau đó tới gặp từng BN, giới thiệu, 3 bộ câu hỏi trên, trực tiếp phỏng vấn giải thích và ghi kết quả vào bệnh án nghiên cứu.
– Đối chiếu tình trạng mất ngủ với các yếu tố dân số học, chỉ số hạnh phúc, stress, lo âu và trầm cảm.
– Tổng hợp kết quả bằng phương pháp thống kê toán học, các số liệu được xử lý bằng chương trình phần mềm SPSS, phiên bản 20.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
1. Đặc điểm chung của nhóm BN nghiên cứu

Bảng 2. Phân bố BN theo các nhóm tuổi

Tuổi <20 20-29 30-39 40-49 50-59 60-69 70-79 ≥ 80 Cộng
Số BN 3 14 25 36 42 45 27 8 200
Tỷ lệ % 1,5 7,0 12,5 18,0 21,0 22,5 13,5 4,0 100

Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu: 53,49 ± 16,19, nhóm tuổi từ 50-69 chiếm phần lớn số bệnh nhân nghiên cứu (43,5%).

Biểu đồ 1. Phân bố BN theo giới

Nhận xét: Số bệnh nhân nam 86 (57,0%), nhiều hơn nữ 114 (43,0%).

Nhận xét: Nhóm bệnh nhân có bệnh lí mạn tính kèm theo chiếm tỷ lệ 40,5% trong số các BN nghiên cứu.

2. Tình trạng RLGN và stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm bệnh nhân
2.1. Biểu hiện RLGN ở nhóm BN nghiên cứu
– Thời gian chờ vào giấc kéo dài: trung bình 45,43 ± 37,80 phút.
– Giấc ngủ ngắn: trung bình 4,46 ± 1,44 giờ/đêm.
– Ngủ đứt giấc: 60,17%
– Thức dậy trước 4h sáng: 16,5%.
– Ác mộng và ngủ mộng mị không sâu giấc: 22,1%.
– Ngủ ngáy và khó thở khi ngủ: 8%
2.2. Mức độ RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm b ệnh nhân

Bảng 4. Phân bố BN bị stress, RLLÂ, trầm cảm theo Thang điểm DASS-21

Mức độ RLGN Trầm cảm RLLÂ Stress
Điểm

(PSQI)

Số BN (%) Điểm

(D)

Số BN (%) Điểm

(A)

Số BN (%) Điểm

(S)

Số BN (%)
Bình thường 0 33 (16,5) 0-9 155 (77,5) 0-7 109 (54,5) 0-14 120 (60,0)
Nhẹ 5-8 63 (31,5) 10-13 22 (11,0) 8-9 26 (13,0) 15-18 41 (20,5)
Vừa 9-12 60 (30,0) 14-20 14 (7,0) 10-14 42 (21,0) 19-25 28 (14)
Nặng 13-16 29 (14,5) 21-27 3 (1,5) 15-19 12 (6,0) 26-33 7 (3,5)
Rất nặng 17-21 15 (7,5) ≥28 6 (3,0) ≥20 11 (5,5) ≥34 4 (2,0)
Cộng 200 (100) 200 (100) 200 (100) 200 (100)

Nhận xét: Tỷ lệ BN có RLGN cao nhất (83,50%); Tỷ lệ bệnh nhân có stress, RLLÂ trầm cảm mỗi loại dưới 46%.

2.3. Mối liên quan giữa RLGN với các yếu tố nhân khẩu học ở BN nghiên cứu

Bảng 5. Liên quan giữa tình trạng RLGN và giới

Tình trạng

Giới

RLGN

(PSQI ≥ 5)

Không RLGN

(PSQI <5)

Tổng
Số BN % Số BN %
Nam 87 76,32 27 23,68 114 (100%)
Nữ 80 93,02 6 6,98 86 (100%)

Nhận xét: Số lượng bệnh nhân có RLGN là 167/200 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân nữ có RLGN trên tổng số bệnh nhân nữ nghiên cứu cao hơn so với nhóm bệnh nhân nam (p<0,05, r=0,223).

Bảng 6. Liên quan giữa tình trạng RLGN và tuổi

Tuổi <20 20-29 30-39 40-49 50-59 60-69 70-79 ≥ 80 Cộng
Số BN có RLGN 3 9 12 29 37 43 26 8 167
Tỷ lệ % 1,79 5,37 7,16 17,37 22,16 25,75 15,57 4,83 100

Nhận xét: RLGN gặp ở mọi lứa tuổi trong đó chiếm tỷ lệ cao ở độ tuổi từ 50-69 (47,91%).

Bảng 7. Liên quan giữa tình trạng RLGN và nghề nghiệp

BN

Nghề nghiệp

Bệnh nhân Tỷ lệ %
Làm ruộng 56 33,53
Bộ đội 37 22,16
Giáo viên 5 2,99
Văn phòng 6 3,59
Công nhân 14 8,38
Hưu trí 42 25,15
Kinh doanh 7 7,20

Nhận xét: Trong nhóm BN có RLGN tỷ lệ BN làm ruộng chiếm tới 33,53%. Những bệnh nhân có nghề nghiệp liên quan đến lao động trí óc (giáo viên, văn phòng, kinh doanh…) chiếm tỷ lệ: 35,94%.

Bảng 8. RLGN ở BN sử dụng chất kích thích (cà phê, chè, thuốc lá)

Tình trạng

Chất kích thích

RLGN

(PSQI ≥ 5)

Không RLGN

(PSQI <5)

Số BN % Số BN %
93 55,67 23 69,70
Không 74 44,33 10 30,30

Nhận xét: Trên nhóm bệnh nhân có RLGN tỷ lệ giữa nhóm có sử dụng và không sử dụng chất kích thích là tương đương nhau. (p<0,05).

2.4. Mối liên quan giữa tình trạng RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm với một số yếu tố nghiên cứu

Biểu đồ 3. Tình trạng RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm ở một số bệnh lý thần kinh

Nhận xét: Tỷ lệ BN có RLGN rất cao ở các BN Parkinson; thiểu năng sống nền; đau đầu viêm đa rễ dây thần kinh; nhược cơ; động kinh (100%). Tỷ lệ RLLÂ cao nhất ở nhóm bệnh nhân Parkinson (75%), stress cao nhất ở nhóm BN đau đầu (53,85%), tình trạng trầm cảm có tỷ lệ cao ở các bệnh lý như Parkinson 50%, đau đầu 46,15%…

Biểu đồ 4. Liên quan giữa thời gian mắc bệnh với tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Nhận xét: Tỷ lệ BN có rối loạn stress, RLLÂ ở các thời gian mắc bệnh đều cao >39%, tỷ lệ BN trầm cảm >12%.

Biểu đồ 5. Liên quan giữa chỉ số hạnh phúc với tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Nhận xét: Ở những bệnh nhân có chỉ số hạnh phúc <4 (Chưa hạnh phúc) có tỷ lệ các rối loạn stress, RLLÂ, trầm cảm cao hơn với nhóm bệnh nhân hạnh phúc, chỉ số ≥4.

  1. Liên quan giữa RLGN và tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm.

Bảng 9. Liên quan giữa RLGN và tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm.

Tình trạng RLGN (PSQI ≥ 5)
Stress RL Lo âu Trầm cảm
Rối loạn Số BN 78 88 44
% 46,71 52,69 26,35
Không Rối loạn Số BN 89 79 123
% 53,29 47,31 73,65

Nhận xét: Ở nhóm bệnh nhân có RLGN tỷ lệ có stress, RLLÂ và trầm cảm khác nhau có ý nghĩa thống kê (P<0,05).

Bảng 10. Liên quan giữa tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm và RLGN.

Tình trạng giấc ngủ

Mức rối loạn

Có RLGN (PSQI ≥ 5) Không RLGN (PSQI <5)
Số lượng % Số lượng %
Không có rối loạn 48 62,34 29 37,66
Có 1/3 rối loạn 50 92,59 4 7,41
Có 2/3 rối loạn 42 97,67 1 2,33
Có cả 3 rối loạn 26 100 0 0

Nhận xét: Tỷ lệ có RLGN ở nhóm BN có 1 trong RL (stress, lo âu, căng thẳng) thấp nhất (92,59%) tăng dần khi có 2/3 RL (97,67%) và cao nhất khi có cả 3 RL (100%).

Bảng 11. Liên quan số giờ ngủ được của bệnh nhân với tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm

Tình trạng

Mức độ

Stress RLLÂ Trầm cảm
Số giờ ngủ được ± SD Số giờ ngủ được ± SD Số giờ ngủ được ± SD
Bình thường 5,78 0,14 5,79 0,13 5,52 0,12
Nhẹ 4,90 0,21 5,38 0,32 5,27 0,27
Vừa 5,00 0,19 5,02 0,20 5,50 0,33
Nặng 5,29 0,61 5,00 0,41 5,00 0,58
Rất nặng 5,00 0,71 4,55 0,43 4,83 0,60

Nhận xét: Nhìn chung các nhóm bệnh nhân rối loạn stress, RLLÂ, trầm cảm có số giờ ngủ được trong đêm ngắn hơn bình thường, ít nhất là 3,55 giờ. Sự khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
BÀN LUẬN
1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn 200 bệnh nhân mắc các chứng bệnh thần kinh khác nhau gồm 7 mặt bệnh thần kinh cả trung ương và ngoại vi và đã bị RLGN ít nhất 1 tuần. Các bệnh nhân có tuổi trung bình là 53,49 ± 16,19, nhóm tuổi từ 30-69 chiếm hầu hết bệnh nhân nghiên cứu (74,0%). Đây là lứa tuổi thể chất ổn định, đang đảm nhiệm nhiều trọng trách trong gia đình và xã hội, chịu nhiều chi phối trong cuộc sống. Chính vì vậy có nhiều tác động đến các yếu tố nghiên cứu là giấc ngủ, stress, lo âu, trạng thái hạnh phúc. Có đến 89,66% BN nam trong nghiên cứu sử dụng chất kích thích như chè, cà phê, thuốc lá; trong khi số nữ chỉ là 10,34%. Nghề nghiệp của nhóm bệnh nhân nghiên cứu chủ yếu là làm ruộng (31,5%), tiếp theo là lực lượng vũ trang (27,5%), hưu trí (22,5%) và 18,5% bao gồm giáo viên, văn phòng, công nhân, kinh doanh. Như vậy là đại diện tương đối đầy đủ cho các giai tầng xã hội.
2. Đặc điểm RLGN, stress, RL lo âu, trầm cảm ở nhóm bệnh nhân
Tỷ lệ BN có RLGN cao nhất (83,5%) sau đó là RLLÂ (45,5%); stress (40%) và trầm cảm có tỷ lệ thấp nhất với 22,5%. Tỷ lệ các RL trên khác nhau có ý nghĩa thống kê. Các tỷ lệ trên hợp lý với sự logic của chuỗi sự kiện bệnh lý; bắt đầu là RLGN từ đó dẫn đến lo âu, căng thẳng-stress và lâu ngày sẽ khiến BN trầm cảm [8].
2.1. Đặc điểm RLGN của các BN nghiên cứu
Mức độ RLGN: theo chỉ số PSQI, 83,5% bệnh nhân có chỉ số ≥ 5 (có RLGN). Các bệnh nhân có PSQI trung bình là 9,07 ± 4,38 là RLGN là mức độ trung bình, tuy nhiên 61,5% trong đó có RLGN ở mức độ nhẹ và vừa, nặng có 14,5 và rất nặng 7,5%. Số liệu của chúng tôi tương đương với kết quả NC của các tác giả khác trong nước [4],[5].
Kiểu RLGN: chúng tôi quan sát thấy thời gian chờ vào giấc kéo dài (trung bình 45,43 ± 37,80 phút), giấc ngủ ngắn (4,46 ± 1,44 giờ/đêm), tỷ lệ bệnh nhân ngủ đứt giấc thường gặp nhất (60,17%), số bệnh nhân có ác mộng và ngủ mộng mị không sâu giấc là 22,1%, thức dậy trước 4h sáng 16,5%. Ngủ ngáy và khó thở khi ngủ: 8%. Tỷ lệ các kiểu RLGN rất khác nhau giữa các nghiên cứu vì có rất nhiều yếu tố chi phối tình trạng này như tuổi tác, chỉ số BMI, các bệnh mạn tính kèm theo, nghề nghiệp, đặc tính loại hình thần kinh…[13],[14].
Ứng xử của BN: tuy tỷ lệ mất ngủ trong nhóm BN của chúng tôi rất cao nhưng số người có dùng thuốc ngủ chí có 18,00%. Đây là do sự ám ảnh về sợ tác dụng phụ của thuốc được truyền miệng từ người nọ sang người kia trong cộng đồng. Ngược lại có BN lại tự mua thuốc ngủ về uống bừa bãi không có tư vấn y khoa đây là quan niệm và thói quen xấu phi khoa học cần được tư vấn loại bỏ [1],[3],[4].
RLGN theo tuổi: lứa tuổi từ 50-69 có tỷ lệ cao với 47,91%. Đây là nhóm tuổi cao nhất trong BN nghiên cứu. Điều này phù hợp với thực tế sinh lý, bởi tuổi càng cao những thay đổi tinh thần và cơ thể có thể bất lợi đối với giấc ngủ đặc biệt là ở những người có bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, phổi, đái tháo đường, sa sút trí tuệ hoặc thói quen đi vệ sinh ban đêm [5]…
RLGN theo giới tính: bệnh nhân nữ có tỷ lệ RLGN là 93,02% cao hơn nhóm nam là 76,32% có ý nghĩa thống kê (p<0.05), phù hợp với nghiên cứu của tổ chức National Sleep Foundation (Mỹ) là nữ giới dễ mệt mỏi do thiếu ngủ nhiều hơn so với nam giới, có tới 63% phụ nữ trải qua tình trạng mất ngủ một vài lần một tuần, còn ở nam giới tỷ lệ đó là 54%.
RLGN theo nghề nghiệp: do đặc điểm khu vực khảo sát nên nghề nghiệp của bệnh nhân chỉ có 7 nhóm nghề: làm ruộng, lực lượng vũ trang, giáo viên, văn phòng, công nhân, hưu trí, kinh doanh. Các nhóm bệnh nhân có tỷ lệ RLGN cao là làm ruộng (33,53%), sau đó là hưu trí và lực lượng vũ trang.
RLGN ở các bệnh thần kinh: các bệnh liên quan đến não và có đau đớn có tỷ lệ RLGN cao là, Parkinson (100%), tỷ lệ này của Dr. Joash Lazarus là 75%; TVĐĐ cột sống cổ 86,67%, TVĐĐ cột sống thắt lưng 67,31%. Ngoài ra 97,06% bệnh nhân rối loạn tiền đình cũng có RLGN.
RLGN với thời gian mắc bệnh: có liên quan chặt chẽ. Tỷ lệ BN có RLGN ở nhóm BN mắc bệnh từ 1 tháng – dưới 1 năm chiếm tỷ lệ là 37,12%, thời gian mắc bệnh trên 1 năm tăng lên 44,32%, 1 trong nhiều lý do là bệnh nặng hơn, có thẻ các biến chứng ảnh hưởng đến nhịp thức – ngủ, BN cũng lo lắng, trằn trọc nhiều hơn [4].
3.2. Đặc điểm stress, RLLÂ, trầm cảm ở nhóm BN nghiên cứu
Chúng tôi dùng Bộ câu hỏi DASS-21 là công cụ sàng lọc đồng thời tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm dễ sử dụng và được áp dụng rộng rãi trong lâm sàng.
Tỷ lệ của các RL trên Bảng 4 cho thấy các BN nghiên cứu có số BN có stress là cao nhất (40% và tỷ lệ nhẹ là cao nhất 20,5%); 22,5% RL trầm cảm, nhiều nhất là trầm cảm nhẹ (11%); 45,5% có RLLÂ trong đó nhiều nhất là mức độ vừa (21%).
Tỷ lệ các RL trên theo bệnh: RLLÂ và trầm cảm có tỷ lệ cao nhất ở BN Parkinson (tỷ lệ lần lượt là 75,0% và 50,0%), Stress có tỷ lệ cao nhất ở BN đau đầu (53,85%).
3. Mối liên quan giữa tình trạng RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm với các yếu tố nghiên cứu khác
Thời gian mắc bệnh với 4 tình trạng RLGN, stress, RLLA, trầm cảm: Trong tất cả các giai đoạn mắc bệnh tỷ lệ BN RLGN luôn cao nhất (từ 43,24-50,0%) trong 4 tình trạng trên; BN lâm vào stress và trầm cảm có tỷ lệ bị cao nhất ở giai đoạn sau mắc bệnh 1-5 năm (tỷ lệ lần lượt là 43,48% và 32,61%), sau 5 năm mắc bệnh tỷ lệ các tình trang trên không tăng tuyến tính và tất cả đều giảm.
Chỉ số hạnh phúc với RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm: Mối liên quan này có thể thấy ở Biểu đồ 4. Tỷ lệ BN đạt chỉ số hạnh phúc (>4) ở 4 tình trạng nghiên cứu khá thấp; cao nhất 35,8% ở BN stress, tiếp theo là ở BN RLGN (34,73%), RLLÂ (30,86%) và thấp nhất ở BN trầm cảm (8,64%). Tuy nhiên cũng cần nhắc lại là hạnh phúc của con người là hàm số của rất nhiều biến số ví dụ như năng lực thông minh, trí tuệ, di truyền và bẩm sinh, vai trò của giáo dục và truyền thống, ảnh hưởng của thu nhập tiền bạc, các quan hệ hôn nhân và gia đình…thậm chí người ta còn tính đến ảnh hưởng của các yếu tố tinh tế, phức tạp khác như niềm tin cá nhân thiên về tích cực hay tiêu cực, bản tính từng người thiện hay ác, tâm lý sở hữu mạnh hay yếu, đặc biệt về vấn đề sức khỏe, bệnh tật…Vì vậy mọi số liệu được đánh giá ở đây mang tính tương đối.
Ảnh hưởng của 4 tình trạng RLGN, stress, RLLÂ, trầm cảm tới nhau
Ở nhóm bệnh nhân có RLGN có tỷ lệ bệnh nhân có RLLÂ cao nhất (52,69%) tình trạng stress (46,71%) và thấp nhất là trầm cảm (26,35%), sự khác nhau có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Theo y văn với các bệnh nhân có tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm vào giấc đã khó nhưng khi ngủ được thì giấc ngủ thường nông, chập chờn, dễ thức giấc [6],[7]. Số giờ ngủ được trung bình ở BN có stress cao nhất (4,90 giờ) sau đó giảm xuống 4,55 giờ ở RLLÂ và BN trầm cảm chỉ ngủ được 4,83 giờ; tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả này phù hợp với dữ liệu từ cuộc điều tra săn sóc sức khỏe ban đầu và cộng đồng về mất ngủ tại Mỹ cho thấy có 10% người lớn bị mất ngủ kéo dài trên 6 tháng xuất hiện khó chịu về tâm thần. Những nghiên cứu BN trầm cảm nặng thấy tỷ lệ mất ngủ là 65% BN ngoại trú và 90% BN nội trú. RLGN có thể có yếu tố nguy cơ rõ rệt cho tiến triển trầm cảm hay lo âu. Kết quả phù hợp với nghiên cứu của Eric O. Johnson, Thomas Roth, Naomi Breslau có 73% RLLÂ biểu hiện trước khi có RLGN.
Bên cạnh đó khảo sát ngược ảnh hưởng của 3 tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm lên giấc ngủ chúng tôi thấy có các bệnh nhân có nhiều rối loạn kết hợp thì tỷ lệ RLGN cao hơn. Bệnh nhân có cả 3 rối loạn thì 100% có RLGN, bệnh nhân có 2 trong 3 rối loạn kết hợp tỷ lệ 97,67%. Nếu chỉ có riêng một trong 3 tình trang trên cũng khiến 92,53 % BN có RLGN.

KẾT LUẬN
Nghiên cứu 4 tình trạng RLGN, stress, RL lo âu, trầm cảm ở 200 BN có một số bệnh thần kinh chúng tối thấy:
Tỷ lệ BN có RLGN cao nhất (83,5%) sau đó là RLLÂ (45,5%) thường mức độ vừa; stress (40%) thường mức độ nhẹ và trầm cảm có tỷ lệ thấp nhất với 22,5% và thường là nhẹ.
RLGN thường ở mức độ nhẹ, thời gian chờ vào giấc kéo dài (trung bình 45,43 ± 37,80 phút), giấc ngủ ngắn (4,46 ± 1,44 giờ/đêm), tỷ lệ bệnh nhân ngủ đứt giấc thường gặp cao nhất (60,17%), số bệnh nhân có ác mộng và ngủ mộng mị không sâu giấc là 22,1%, thức dậy trước 4h sáng 16,5%. Ngủ ngáy và khó thở khi ngủ: 8%. Các BN có liên quan đến bệnh não và có đau đớn có tỷ lệ RLGN cao là, Parkinson (100%), TVĐĐ cột sống thắt lưng- TVĐĐ cột sống cổ (67,31% và 86,67%), rối loạn tiền đình 97,06%. Thời gian mắc bệnh liên quan chặt chẽ tới tình trạng mất ngủ. Tỷ lệ BN có RLGN tăng dần từ tháng đầu đến năm thứ 5.
Tỷ lệ BN cảm thấy hạnh phúc ở 4 tình trạng nghiên cứu trên khá thấp; cao nhất 35,8% ở BN stress, tiếp theo là ở BN RLGN (34,73%), RLLÂ (30,86%) và thấp nhất ở BN trầm cảm (8,64%). Trong các bệnh, BN Parkinson hay bị RLLÂ và trầm cảm nhất (tỷ lệ lần lượt là 75,0% và 50,0%), Stress lại hay gặp nhất ở BN đau đầu (53,85%).
Ở nhóm bệnh nhân có RLGN; tỷ lệ bệnh nhân kèm RLLÂ cao nhất (52,69%) tình trạng stress (46,71%) và thấp nhất là trầm cảm (26,35%), Ngược lại các tình trạng stress, RLLÂ, trầm cảm cũng ảnh hưởng lên giấc ngủ: BN có cả 3 rối loạn đó thì 100% có RLGN, BN có 2 trong 3 rối loạn đó kết hợp thì tỷ lệ RLGN là 97,67%. Nếu chỉ có riêng một trong 3 tình trang trên cũng khiến 92,53 % BN có RLGN.

Summary
Background: Many patients with disease of nervous system suffer from sleep depletion, stress, anxiety and depression, they impact conversly on basic diseases and interfere with this disease remission.
Purposes: – Studying on sleep depletion, stress, anxiety and depression in patients with disease of nervous system. – Finding the relation beetwen above mentioned clinical conditions.
Objects and method: Data of 200 patients with various diseases of nervous system, prospective cross- sectional descriptive research.
Results: Among the study patients 83,5% have sleep depletion, 45,5% anxiety, 40% stress and 22,5% depression. Out of the patients with sleep depletion 52,69% combined with axiety, 46.71% with stress and 26.35% with depression.
Conclusion: The percentages of sleep depletion, stress, anxiety and depression among patients with disease of nervous system are relatively high. A research on impact of those conditions on remission of basic diseases is needed.
Keywords: Sleep depletion, anxiety, stress, depression, disease of nervous system.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Chương (2004), “Thực hành lâm sàng thần kinh học”, Nhà xuất bản Y học, tr 81- 84.
2. Đỗ Công Huỳnh (1987), “Một số chuyên đề sinh lý học”- Học viện Quân y
3. Bùi Quang Huy (2010), “Mất ngủ”, Nhà xuất bản Y học, tr 7- 51.
4. Ngô Ngọc Tản (2007), “RLGN”, Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học – Học viện Quân y, tr 227-232.
5. Lê Việt Thắng (2009), “Ảnh hưởng của thiếu máu đến tình trạng RLGN ở bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ”, Tạp chí Y học thực hành- Bộ Y tế 2009, 11 (686): 55-58.
6. Nguyễn Kim Việt (2009), Lâm sàng và điều trị các RLLÂ, Bộ môn tâm thần – Đại học Y Hà Nội.tr 4.
7. Nguyễn Kim Việt – Nguyến Viết Thiêm (2003),” Sinh hóa não – các chất dẫn truyền thần kinh”, Các rối loạn liên quan tới stress và điều trị học trong tâm thần, Bộ môn Tâm thần – Đại học Y Hà nội, tr 64.
8. D J Buysse 1, C F Reynolds 3rd, T H Monk, S R Berman, D J Kupfer (1989) The Pittsburgh Sleep Quality Index: a new instrument for psychiatric practice and research; Psychiatry Res, 28(2):193-213; doi: 10.1016/0165-1781(89)90047-4.
9. Crawford, J. R., & Henry, J. D. (2003). The Depression Anxiety Stress Scales (DASS): Normative data and latent structure in a large non-clinical sample. British Journal of Clinical Psychology, 42(2), 111–131.
10. Kussleilaite N et al (2005), “Sleep disorders and quality of life in patients on hemodialysis”, Medicina, 41 (1): 69- 74.
11. Partinen M.“Sleep disorders and stress”. J Psychosom Res. 1994;38(Suppl 1):89–91.
12. Hill,p. – argyl.m. (2002). the oxford happiness questionnaire: a compact scale for the measurement of psychological well-being. personality and individual differences. vol.33, pp.1073-1082.
13. Weibel L, Follenius M, Spiegel K, Ehrhart J, Brandenberger G. “Comparative effect of night and daytime sleep on the 24-hour cortisol secretory profile”. Sleep. 1995;18:549–556.
14. Jones BE. “From waking to sleeping: neuronal and chemical substrates”. Trends Pharmacol Sci.2005; 26:578–586.