Đánh giá kết quả điều trị đau dây V bằng phương pháp tiêm phong bế tại khoa thần kinh Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Đánh giá kết quả điều trị đau dây V bằng phương pháp tiêm phong bế tại khoa thần kinh Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Nguyễn Thị Khánh1, Lê Anh Quang1, Chu Thị Thu Lan1
Lê Thị Hải Yến1, Nguyễn Thị Minh Nguyệt2, Trần Văn Tuấn2
1Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 2Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên
TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, nguyên nhân của đau dây V và đánh giá kết quả điều trị đau dây V bằng phương pháp tiêm phong bế.
Đối tượng: 27 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, điều trị tại khoa Thần kinh bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 10 năm 2020.
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.
Kết quả: Sử dụng thang điểm VAS (Visual Analogue Scale) để đánh giá bệnh nhân sau điều trị bằng phương pháp tiêm phong bế dây V cho thấy cải thiện rõ rệt, điểm VAS trung bình từ 8,1852±1,2415, sau 24h còn 3,22±1,476, sau 48 giờ còn 2,48. 96,3% bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị, không có bệnh nhân nào có biến chứng trong và sau khi tiêm.
Kết luận: Điều trị đau dây V băng phương pháp tiêm phong bế là phương pháp can thiệp tối thiểu có hiệu quả cao với các bệnh nhân đau dây V kháng thuốc, thủ thuật an toàn, dễ thực hiện.
Từ khóa: Dây V, tiêm phong bế.
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau dây thần kinh số V (trigeminal neuralgia) được định nghĩa là tình trạng đau xảy ra ở một hay nhiều vùng chi phối cảm giác của dây thần kinh số V. Đau có tính chất cơn đột ngột, thường xuất hiện ở một bên, đau dữ dội, cơn ngắn, cảm giác đau nhói như điện giật, hay tái phát thành từng đợt [1],[2]. Một số tác giả gọi đau dây V là ‘‘Tic douloureux’’ hay ‘‘Fothergill’’[3], [4]. Tỷ lệ mắc bệnh từ 4 đến 5 người/100000 dân/năm [5]. Đau dây thần kinh V bao gồm: đau dây V nguyên phát (idiopathic) hay còn gọi là đau dây V vô căn (không có nguyên nhân) chiếm 90% [1], [5] và 10% bệnh nhân đau dây V là do xung đột mạch máu-thần kinh, do khối u, dị dạng mạch, sau can thiệp vùng hàm-mặt.
Đau dây V được miêu tả đau rất ‘‘ghê gớm’’ và thường được ví là loại đau khủng khiếp nhất mà con người biết đến [6]. Cơn đau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị đau dây V như phẫu thuật giải ép, tiêm diệt hạch Gasser, tiêm phong bế điểm tham chiếu dây V, hóa trị liệu, mỗi phương pháp điều trị đều có hiệu quả nhất định về tỷ lệ giảm đau và hạn chế tỷ lệ tái phát. Do vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài này nhằm mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, nguyên nhân của đau dây V và đánh giá kết quả điều trị đau dây V bằng phương pháp tiêm phong bế.
- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
2.1.1 Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân
– Bệnh nhân chẩn đoán xác định đau dây thần kinh số V.
– Chụp phim cộng hưởng từ không có u vùng hố sau.
– Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tiêm phong bế điểm tham chiếu hoặc tiêm diệt hạch Gasser
– Bệnh nhân được làm đầy đủ xét nghiệm, cộng hưởng từ chẩn đoán vùng góc cầu- tiểu não.
– Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ
– Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu
2.1.3. Thời gian và địa điểm
– Thời gian: từ 01/06/2019 đến 30/10/2020
– Địa điểm: khoa Thần kinh – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế: nghiên cứu mô tả cắt ngang
2.2.2. Cỡ mẫu: thuận tiện (toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chọn)
2.3. Xử lý số liệu: Theo phương pháp thống kê y học
2.4. Đạo đức nghiên cứu:
Nghiên cứu chỉ dành cho mục đích khoa học, các bệnh nhân được giải thích, tự nguyện ký kết tham gia nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu giúp đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, và không nhằm mục đích nào khác
- KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 1. Một số đặc điểm chung
Tuổi trung bình (năm) | ± SD | Nhỏ nhất | Lớn nhất |
60,44 ± 14,758 | 23 | 86 | |
Đặc điểm | Số bệnh nhân | Tỷ lệ (%) | |
Giới | Nam | 7 | 25,9 |
Nữ | 20 | 74,1 | |
Nghề nghiệp
|
Lao động trí óc | 9 | 33,3 |
Lao động chân tay | 18 | 66,7 | |
Thời gian bị bệnh | < 1 năm | 13 | 48,2 |
1-5 năm | 7 | 25,9 | |
5-10 năm | 6 | 22,2 | |
> 10 năm | 1 | 3,8 | |
Nguyên nhân | Vô căn | 21 | 77,8 |
Sau Zona | 3 | 11,1 | |
Khác | 3 | 11,1 | |
Hình ảnh tổn thương trên MRI | Có | 2 | 7,4 |
Không | 25 | 92,6 | |
Thời gian nằm viện | < 7 ngày | 11 | 40,7 |
7-14 ngày | 13 | 48,2 | |
> 14 ngày | 3 | 11,1 |
Nhận xét: Trong nhóm nghiên cứu, bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ 74,1%. Nghề nghiệp chủ yếu là lao động chân tay chiếm 66,7%. Thời gian bị bệnh >1 năm chiếm 51,8%. Đau dây V vô căn chiếm tỷ lệ 78,7%. Thời gan nằm viện dài nhất là 19 ngày, ngắn nhất là 2 ngày.
Bảng 2. Kỹ thuật tiêm phong bế và mức độ an toàn sau tiêm
Số bệnh nhân | Số lần tiêm | |
Phong bế hạch Gaser dưới DSA | 6 | 1 |
Phong bế tại chỗ |
4 | 1 |
7 | 2 | |
11 | 3 | |
Số bệnh nhân | Tỷ lệ | |
Biến chứng sau tiêm | 0 | 0 |
0 | 0 | |
0 | 0 |
Nhận xét: Trong nghiên cứu có 6 bệnh nhân được tiêm phong bế hạch gasser dưới DSA, còn lại phong bế tại chỗ. Không bệnh nhân nào có biến chứng trong và sau khi tiêm.
Bảng 3. Một số đặc điểm bệnh nhân đau dây V trước và sau điều trị
Đặc điểm | Trước điều trị | Sau điều trị | |
Vị trí đau
|
Nhánh V1,2,3 (Dây V) | 21 | 12 |
Nhánh V1 | 3 | 3 | |
Nhánh V2 | 1 | 0 | |
Nhánh V3 | 2 | 4 | |
Không đau | 0 | 8 | |
Cường độ đau | Không đau | 0 | 2 |
Đau rất nhẹ | 0 | 23 | |
Đau vừa phải | 7 | 1 | |
Đau trầm trọng | 15 | 0 | |
Đau không thể chịu nổi | 5 | 1 |
Nhận xét: Trong nhóm nghiên cứu số trường hợp đau toàn bộ dây V trước điều trị là 21 bệnh nhân, sau điều trị còn 12 bệnh nhân, tuy nhiên cường độ đau giảm đáng kể từ đau trầm trọng còn đau rất nhẹ hoặc không đau.
Bảng 4: Đánh giá mức độ đau theo thang điểm VAS
Điểm VAS | ± SD | Nhỏ nhất | Lớn nhất |
Khi vào viện | 8,18 ±1,24 | 6 | 10 |
Sau 24h | 3,22 ± 1,476 | 1 | 8 |
Sau 48h | 2,48 ± 1,88 | 1 | 10 |
Nhận xét: Đánh giá mức độ đau bằng thang điểm VAS sau điều trị, kết quả cho thấy giảm đáng kể so với khi vào viện, điểm trung bình lúc vào viện là 8,18, sau 48h giảm xuống còn 2,48.
Bảng 5: Ảnh hưởng của cơn đau đến các hoạt động của bệnh nhân trước và sau điều trị
Các hoạt động | Số BN bị ảnh hưởng trước điều trị | Số BN còn bị ảnh hưởng sau điều trị |
Giấc ngủ | 27 | 0 |
Công việc | 26 | 1 |
Ăn nhai | 25 | 2 |
Rửa mặt | 24 | 3 |
Khác | 26 | 1 |
Nhận xét: Mức độ đau khi vào viện đều ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh, và đều được cải thiện sau điều trị
Bảng 6: Mức độ hài lòng của người bệnh
Mức độ hài lòng | Số bệnh nhân | Tỷ lệ (%) |
Rất hài lòng | 19 | 70,4 |
Hài lòng | 7 | 25,9 |
Không hài lòng | 1 | 3,7 |
Tổng số | 27 | 100 |
Nhận xét: 70,4% bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị, 25,9% bệnh nhân hài lòng, chỉ 1 bệnh nhân không hài lòng chiếm 3,7%
- BÀN LUẬN
* Một số đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu
Trong số 27 bệnh nhân nghiên cứu, có 20 bệnh nhân nữ (74,1%) và 7 bệnh nhân nam (25,9%), kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đó, như nghiên cứu của tác giả Apfelbaum bệnh nhân nữ chiếm 64% [6] và Nguyễn Duy Mạnh bệnh nhân nữ chiếm 59,1% [7]. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 60,44 ± 14,758 (tuổi), nhỏ nhất là 23 tuổi, cao nhất là 86 tuổi. Phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu này làm những công việc chân tay như làm ruộng, công nhân …. và họ đang sinh sống tại các vùng nông thông của tỉnh Thái Nguyên. Về thời gian bị bệnh, có 13 bệnh nhân được chẩn đoán đau dây V trong vòng 1 năm trở lại đây và có 14 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh trên 1 năm, trong đó có 1 bệnh nhân tình trạng bệnh đã kéo dài > 20 năm. Hầu hết những bệnh nhân này đang điều trị nội khoa bằng thuốc (chủ yếu điều trị bằng carbamazepine với liều khác nhau) nhưng ít hiệu quả hoặc không có đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Về nguyên nhân đau dây V: trong nghiên này, chúng tôi ghi nhận 21 bệnh nhân đau dây V vô căn chiếm 77,8 % và có 3 bệnh nhân phát hiện hình ảnh tổn thương trên phim MRI, 3 bệnh nhân đau sau tổn thương do Zona. Kết quả này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác [9].
Biểu hiện lâm sàng của đau dây V bao gồm rối loạn cảm giác theo các nhánh của dây V hoặc toàn bộ dây V và có thể kèm theo rối loạn về chức năng vận động của cơ cắn và cơ thái dương. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy có 21 bệnh nhân đau toàn bộ cả ba nhánh của dây V và phần lớn bệnh nhân đau đến mức trầm trọng, có ảnh nhiều đến giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày như rửa mặt, ăn nhai, công việc …. chính những điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị nội khoa giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các rối loạn cảm giác, cải thiện chất lượng cuộc sống của và thường khởi đầu điều trị bằng Carbamazepine từ liều thấp, thăm dò liều đến liều tác dụng và thường phối hợp với các thuốc giảm đau NSAID, các Vitamin nhóm B, tiếp theo là Oxcarbazepine, hoặc các thuốc chống co giật khác như Lamotrigine, Pregabalin và Gabapentin, nhưng các thuốc này chỉ có hiệu quả trong 60% bệnh nhân [8] và hiệu quả giảm dần trong thời gian dài. Trong số bệnh nhân nghiên cứu, có bệnh nhân bị bệnh trên 20 năm, sử dụng Carbamazepin tự tăng liều lên đến 2000mg nhưng cũng không có tác dụng giảm đau. Khi điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả hoặc gây ra các tác dụng phụ đáng kể thì điều trị can thiệp phải được xem xét [9]. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, can thiệp càng sớm thì tiên lượng lâu dài càng tốt. Trong nhóm nghiên cứu này, có 6 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tiêm phong bế hạch Gasser bằng cồn tuyệt đối, 21 bệnh nhân được điều trị bằng tiêm phong bế các nhánh 1,2,3 của dây V bằng Lidocain.
* Kết quả điều trị
Trước điều trị bằng tiêm phong bế: Phần lớn bệnh nhân trong tình trạng đau trầm trọng, đau không thể chịu được (15 và 5 bệnh nhân), đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, sinh hoạt và công việc của người bệnh. Hầu hết những bệnh nhân này ngủ rất ít hoặc không ngủ được do đau. Ngay cả việc uống nước, có một số bệnh nhân cũng thấy khó thực hiện. Đau ảnh hưởng đến việc ăn nuốt, đánh răng, rửa mặt của người bệnh từ đó gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng trầm trọng đến cảm xúc của người bệnh khiến phần lớn người bệnh phải nghỉ việc khi tái phát đợt đau nhiều.
Sau điều trị bằng tiêm phong bế: Chúng tôi đánh giá kết quả điều trị bằng so sánh cải thiện mức độ đau trên lâm sàng và theo thang điểm VAS trước và sau điều trị, kết hợp với tham khảo kết quả tự đánh giá của người bệnh. Mức độ đau giảm nhiều cùng với sự cải thiện các triệu chứng lâm sàng tại thời điểm sau khi tiêm 24h, 48h. Điểm VAS trung bình trước điều trị (khi vào viện) từ 8,18 ± 1,24 giảm xuống còn 3,22 ± 1,476 sau 24h và 2,48 ± 1,88 sau 48h. Ngoài ra chúng tôi ghi nhận kết quả tốt lên của hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như giấc ngủ, ăn nhai, đánh răng, rửa mặt và các chăm sóc cá nhân khác. Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu ngắn, số lượng bệnh nhân ít nên chúng tôi chưa khảo sát được mức ý nghĩa thông kê của sự khác biệt này. Mặc dù vậy kết quả này tương đồng với nghiên cưú của các tác giả Roberto Carlo Rivera Díaz, cho thấy hiệu quả của việc tiêm phong bế hạch Gasser bằng cồn tuyệt đối. Tham khảo kết quả tự đánh giá của người bệnh thì thấy 26/27 bệnh nhân thấy hài lòng và rất hài lòng với phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu này, chỉ 1 bệnh nhân có kết quả điều trị không hiệu quả là trường hợp đau dây V do ung thư vòm họng.
Biến chứng trong quá trình điều trị: chúng tôi không gặp phải biến chứng nghiêm trọng nào, có thể do số lượng bệnh nhân nhỏ, thời gian nghiên cứu còn ngắn. Tuy nhiên có một vài trường hợp người bệnh thấy tê bì một bên mặt, có cảm giác xệ một bên mặt, nhưng sau vài ngày bệnh nhân thấy hết cảm giác đó.
- KẾT LUẬN KHUYẾN NGHỊ
Điều trị đau dây V băng phương pháp tiêm phong bế là phương pháp can thiệp tối thiểu có hiệu quả cao với các bệnh nhân đau dây V kháng thuốc, thủ thuật an toàn, dễ thực hiện.
Cần có nghiên cứu với quy mô lớn hơn để đánh giá chính xác hiệu quả điều trị, độ an toàn của các phương pháp từ đó chỉ định điều trị được thực hiện rộng rãi mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.
SUMMARY
EVALUATE THE EFFECTIVENESS OF TREATMENT NERVE BLOCKADE
FOR THE TREATMENT OF TRIGEMINAL NERVE PAIN IN NEUROLOGY DEPARTMENT, THAI NGUYEN NATIONAL HOSPITAL
Objective: Describe the clinical features and causes of V-cord pain. Evaluate the results of V-cord pain. Treatment with blockade injection method.
Subjects: 27 patients diagnosed with clinical diagnogis and cranial magnetic resonance imaging (MRI), treated at the Neurology Department of Thai Nguyen National Hospital from June 2019 to October 2020.
Method: Cross section description.
Results: using the VAS scale to evaluate patients after treatment with the method of blocking trigeminal nerve showwed a marked improvement, the average VAS score from 8,1852 ± 1.2415, after 24 hours to 3.22 ± 1,476, after 48 hours to 2.48. 96.3% of patients are satisfied with the results of treatment, no patients have complications during and after the injection.
Conclusion: Block trigeminal nerve, blockade injection method is a highly effective minimum intervention method for patients with drug resistant V-string pain, the procedure is safe and easy to perform.
Keyword: trigeminal nerve, blockade injection.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Levin M. (2004). The International Classification of Headache Disorders: 2nd edition. Cephalalgia. 24 Suppl 1, pp. 9-160.
- Eller J. L.,Raslan A. M., Burchiel K. J. (2005). Trigeminal neuralgia: definition and classification. Neurosurg Focus. 18(5), p. E3.
- Cole CD, M.S et al (2005). Historical perspective on the diagnosis and treatment of trigeminal neuralgia. Neurosurg Focus. 18 (5).
- Pearce J. M. (2003). Trigeminal neuralgia (Fothergill’s disease) in the 17th and 18th centuries. J Neurol Neurosurg Psychiatry. 74(12), p. 1688.
- “Trigeminal neuralgia: a comprehensive guide to symptoms, treatment, research and support” (2012), Medifocus.com, Inc.www.medifocus.com 800
- Apfelbaum R. I (2002). Comparison of the long-term result of microvascular decompression trigeminal neurolysis for the treatment of of trigeminal neuralgia, ed. Neuroscience., Watanabe K.Development in, Elsevier Science B.V.
- Nguyễn Duy Mạnh (2016). “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG VI PHẪU THUẬT GIẢI ÉP THẦN KINH TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU DÂY V”. https://sdh.hmu.edu.vn.
- Roberto Carlo Rivera Díaz, José Libardo Bastidas Benavides, Juliana García Álvarez “Radiofrecuencia térmica del ganglio de Gasser en pacientes con neuralgia del trigémino”. Revista Colombiana de Anestesiología, Volume 41, Issue 2, April–June 2013, Pages 127-131
- Majeed, M.H., et al., Trigeminal Neuralgia: A Clinical Review for the General Physician. Cureus, 2018. 10(12): p. e3750-e3750.