Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2019 của đơn vị chống đau Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện 19-8 Bộ Công an
Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2019 của đơn vị chống đau Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện 19-8 Bộ Công an
ThS. Đỗ Thị Lệ Thúy, ThS. Nguyễn Minh Thu
Khoa Thần kinh, Bệnh viện 19-8 – Bộ Công an
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau là một cảm giác khó chịu và trải nghiệm cảm xúc xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô hoặc được mô tả theo kiểu giống như thế. Đây là lí do chính của hơn 50% các trường hợp đến khám tại các phòng cấp cứu, đồng thời chiếm 30% số người trong gia đình. Đau không chỉ làm cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu về thể chất mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho bản thân người bệnh và cho xã hội. Đơn vị chống đau khoa Tâm thần kinh bệnh viện 19-8 ra đời chính thức từ cuối tháng 7/2017 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đau đồng thời giúp cho việc nghiên cứu và điều trị đau được triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2019 chúng tôi đã điều trị cho gần 1800 lượt bệnh nhân với nhiều chứng đau khác nhau, mang lại sự thoải mái và tin tưởng cho người bệnh.
PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC
Tổ chức hoạt động
Tại Đơn vị chống đau Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện 19-8, mặc dù cơ sở vật chất còn một vài hạn chế nhưng chúng tôi luôn cố gắng khắc phục để phục vụ người bệnh tốt nhất. Đơn vị chống đau của chúng tôi duy trì hoạt động thông thường tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên trong giờ trực nếu bệnh nhân mới đến quá đau và có chỉ định làm thủ thuật, kíp trực sẽ tiến hành tiêm ngay cho bệnh nhân khi có thể. Điều này thể hiện sự linh hoạt trong công tác hoạt động và mang lại phản hồi rất tích cực từ phía người bệnh.
Trong đơn vị chống đau, chúng tôi luôn phân chia nhiệm vụ đối với từng cá nhân nhưng luôn đảm bảo phối hợp với nhau nhịp nhàng và khoa học giữa các bộ phận. Từ bộ phận bác sĩ phòng khám thần kinh, bộ phận tiếp đón, bộ phận làm thủ thuật, thu ngân đến kiểm tra sau tiêm đều phối hợp với nhau ăn ý. Khi người bệnh đến với chúng tôi (bệnh nhân từ phòng khám thần kinh hoặc bệnh nhân nội trú), bộ phận tiếp đón sẽ thông báo cho bác sĩ phụ trách làm thủ thuật khám kiểm tra lại một lần nữa để xác định thủ thuật cần làm đồng thời lưu lại thông tin của người bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, giới tính, chẩn đoán, phương pháp tiêm và tiền sử dị ứng). Sau đó điều dưỡng sẽ đo huyết áp, thử phản ứng thuốc tê với bệnh nhân tiêm lần đầu, sát trùng vùng tiêm. Sau khi bác sĩ tiến hành tiêm xong, bệnh nhân sẽ được điều dưỡng đưa ra khu vực nghỉ ngơi sau tiêm, theo dõi huyết áp và các biểu hiện bất thường nếu có. Nếu bệnh nhân ổn định có thể cho bệnh nhân về.
Với mục tiêu chăm sóc người bệnh tận tình và chu đáo, chúng tôi sử dụng số điện thoại hotline do bác sĩ phụ trách làm thủ thuật quản lí trực tiếp. Bác sĩ sẽ chủ động liên lạc với người bệnh sau mỗi lần tiêm để kiểm tra mức độ thuyên giảm bệnh và hẹn lần tiêm tiếp theo. Tùy từng thủ thuật tiêm trên từng bệnh nhân mà bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ xác định số lần tiêm. Số lần tiêm từ 1 đến 5 lần mũi, trung bình khoảng 3 lần.
Kết quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2019.
Bảng 1. Tỷ lệ bệnh nhân và loại hình thủ thuật
Đối tượng BN Thủ thuật |
Nội trú | Ngoại trú | Tổng |
Tiêm ngoài màng cứng | 114 | 266 | 380 |
Phong bế thần kinh | 355 | 1065 | 1420 |
Tổng số bệnh nhân | 469 | 1331 | 1800 |
Biểu đồ 1. Tỷ lệ thủ thuật tiêm ngoài màng cứng
Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhiều kinh nghiệm và sự chăm sóc tận tình, chu đáo, chúng tôi đã và tiếp tục triển khai và mở rộng hệ thống thủ thuật điều trị các chứng đau sau:
*Các chứng đau đầu, mặt:
– Đau sau đầu ( đau dây thần kinh chẩm lớn , đau dây thần kinh chẩm bé)
– Đau nửa đầu
– Đau mặt ( đau dây thần kinh số 5, viêm động mạch thái dương nông)
– Các chứng co giật mặt
*Các chứng đau cổ-vai và chi trên:
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
– Đau vai gáy
– Đau cánh tay, cẳng-bàn tay
– Hội chứng ống cổ tay
– Viêm quanh khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay
*Các chứng đau ngực:
– Đau ngực do cơ-xương-khớp
– Đau ngực do thần kinh
*Các chứng đau thắt lưng, khung chậu và chi dưới:
– Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
– Đau dây thần kinh tọa
– Đau đùi, cẳng-bàn chân
– Viêm khớp cùng chậu
– Viêm điểm bám gân khớp gối, khớp cổ chân
Trong quá trình điều trị,chúng tôi cũng gặp một số tác dụng không mong muốn khi làm thủ thuật. Chóng mặt nhẹ là biểu hiện hay gặp nhất, do bệnh nhân đói, cảm giác sợ tiêm, hoặc do tác dụng phụ của thuốc gây tê. Chúng tôi khắc phục bằng cách luôn nhắc bệnh nhân ăn trước khi tiêm, động viên giải thích chu đáo để bệnh nhân yên tâm, sau tiêm bệnh nhân phải nằm nghỉ thoải mái khoảng 15 phút.
Tác dụng không mong muốn thứ hai là tăng huyết áp phản ứng. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lí tim mạch khi đến đơn vị chúng tôi khá cao, nên tình trạng tăng huyết áp phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Để kiểm soát vấn đề này chúng tôi luôn kiểm tra huyết áp trước và sau tiêm, chúng tôi luôn dự phòng thuốc hạ áp để xử trí kịp thời.
KIẾN NGHỊ
– Đơn vị chống đau là một hình thức điều trị đau hiệu quả cao nên cần được mở rộng phạm vi trong thời gian tới.
– Thường xuyên tổ chức giao lưu học hỏi giữa các đơn vị chống đau.
– Hội nên tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ cho các bác sĩ thành viên trong hội.