Tuổi già và bệnh lý thần kinh

Tuổi già và bệnh lý thần kinh

GS.TS. Lê Đức Hinh

Hội Thần kinh học Việt Nam

TÓM TẮT

Tần suất mắc một số bệnh thần kinh liên quan đến tuổi già bao gồm tai biến mạch não, bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ. Khi chăm sóc các bệnh nhân đó, người thầy thuốc cần quan tâm trước hết đến xử trí các yếu tố nguy cơ có thể cải biến được. Cùng với việc điều trị căn bệnh chính còn phải chú ý tới một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện cơ thể phù hợp với sức khỏe và duy trì hoạt động trí tuệ trong khuôn khổ của một nếp sống ổn định trong môi trường gia đình và xã hội. Ngoài ra cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo thường xuyên về Thần kinh học tại mọi tuyến y tế trong cả nước.

Chúng ta đều biết  một đặc điểm quan trọng trong thế kỷ này là sự gia tăng dân số người cao tuổi. Ở Việt Nam số người trên 60 tuổi đã vượt mức 90%. Trên thế giới khoảng 80% người cao tuổi tới năm 2025 sinh sống tại các khu vực kém phát triển. Hiện tượng đó tác động tới mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với ngành y tế nói chung, chuyên khoa Thần kinh học nói riêng, khi đề cập đến tuổi già cần chú ý trước hết đến sự lão hóa của não với hệ quả là các bệnh thần kinh.

Y văn cho biết tỷ lệ mắc một số bệnh thần kinh gia tăng với tuổi đời bao gồm tai biến mạch não, bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ. Các chuyên gia ước tính khoảng từ 10 đến 20 phần trăm số người từ 60 đến 80 tuổi có thể mắc ít nhất một trong các bệnh nói trên. Theo Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (WFN), hiện có tới 800 triệu người trên 60 tuổi, chiếm khoảng 12% dân số toàn cầu. Người ta dự tính tới năm 2050, tỷ lệ đó là 21% với khoảng 2 tỷ người. Và hậu quả sẽ là sự gia tăng các bệnh nhân thần kinh.

Có nhiều yếu tố nguy cơ lớn đối với các bệnh nêu trên như tuổi cao, tăng huyết áp, tăng đường huyết. Ví dụ tăng huyết áp và tăng đường huyết thường xảy ra ở tuổi trung niên làm gia tăng nguy cơ sẽ có thể mắc bệnh Alzheimer gấp hai đến ba lần. Tuy nhiên còn cần chú ý tới các yếu tố khác có thể gây tác động bao gồm cả cơ địa di truyền, đồng thời cần dựa trên quy luật của tuổi già là sự lão hóa.

Nói chung, sự lão hóa của cơ thể, đặc biệt của hệ thần kinh, diễn ra theo một chương trình đặc hiệu nhất định cho từng cá thể riêng biệt. Con người là một sinh vật xã hội cho nên ngoài những đặc điểm di truyền, thì những yếu tố môi trường và hoàn cảnh xã hội đều có tác động nhất định đến quá trình lão hóa, ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh, tâm trí và tâm lý người cao tuổi. Khoảng  3/4 số người 80 tuổi có ít nhất một bệnh mạn tính, trung bình có thể mắc sáu bệnh đồng diễn. Như vậy để dự phòng và điều trị, điều quan trọng là xem xét các yếu tố nguy cơ; do đó khi thăm khám bệnh nhân, người thầy thuốc phải đặc biệt chú ý tới các yếu tố nguy cơ có thể cải biến được

.Đối với tai biến mạch máu não, các yếu tố nguy cơ có thể cải biến được bao gồm: tăng huyết áp, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim mới diện rộng, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, bệnh hồng cầu liềm, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, hẹp tắc động mạch cảnh không rõ triệu chứng, liệu pháp nội tiết tố sau mãn kinh. Cần chú ý tới nhóm yếu tố có nhiều khả năng cải biến được như đái tháo đường, tăng homocystein – máu, uống rượu, chế độ dinh dưỡng, béo phì, hoạt động thể lực ít.

Đối với hội chứng Parkinson, bốn nhóm bệnh lớn theo phân loại của Fahn S, Marsden CD. và Jankovic J. (1966) là hội chứng Parkinson nguyên phát, thoái hóa nhiều hệ ( hội chứng Parkinson gia tăng),  (hội chứng Parkinson thoái hóa – di truyền và hội chứng Parkinson thứ phát (mắc phải, triệu chứng). Một số yếu tố liên quan lớn đến hội chứng Parkinson thứ phát bao gồm: do nhiễm khuẩn, (sau viêm não, suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS, viêm não xơ cứng bán cấp, bệnh Creutfeldt-Jakob, bệnh prion); do thuốc chọn thụ thể dopamin (thuốc chống loạn thần, thuốc chống nôn), rezecpin, tetrabenazin, alpha-methyldopa, lithium, flunarizin, cinnarizin); do độc tố (MPTP, CO,Mn, Hg, CS­2, cyanid, methanol, ethanol); do mạch máu (nhồi máu não nhiều ổ, bệnh Binswanger); do chấn thương (bệnh não của võ sĩ đấu quyền Anh…); các chứng bệnh khác (bệnh cận giáp trạng, thiểu năng giáp, thoái hóa gan- não, u não, bệnh cận ung thư, tràn dịch não, rỗng trung não, chậm phát triển tâm lý-vận động, bệnh do căn nguyên tâm lý).

Đối với sa sút trí tuệ, ngoài các biến đổi của hệ thần kinh, về mặt bệnh học nội khoa, cần quan tâm tới tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa xương-khớp, viêm phế quản mạn tính, giảm tưới máu não mạn tính…

Trong các điểm nêu trên, quan trọng nhất là các yếu tố nguy cơ hoặc các bệnh mạch máu. Thuật ngữ “rối loạn chức năng nhận thức do mạch máu” (Vascular Cognitive Impairment) được dùng để chỉ các đối tượng bị suy giảm nhận thức nặng do bệnh lý mạch máu. Các yếu tố nguy cơ tạo thuận cho sự xuất hiện một tai biến mạch não như kích cỡ của ổ nhồi máu, khối lượng các điểm tăng tín hiệu ở chất tráng, khối lượng các ổ nhồi máu não thầm lặng (silent infarct), teo não toàn bộ hoặc teo não khu vực phát hiện được nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể coi là những dấu ấn (marker) của quá trình sa sút và là những thông số đích cho chiến lược can thiệp dự phòng.

Như vậy. chỉ riêng việc xử trí kịp thời các yếu tố nguy cơ cũng có khả năng giảm tai biến mạch  não, hội chứng Parkinson và sa sút trí tuệ. Tuy nhiên cùng với các yếu tố nguy cơ, còn cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ một nếp sống phù hợp và duy trì hoạt động trí tuệ.

Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn nhắc tới một chế độ thực đơn có nhiều rau xanh, hoa quả và cá có khả năng giữ cho các trị số cholesterol  máu ở mức thấp. Việc từ bỏ thuốc lá cũng đã được khuyến cáo rất nhiều. Sự tập luyện cơ thể cần phù hợp với sức khỏe cá nhân và tình trạng bệnh tật. Duy trì hoạt động trí tuệ rất quan trọng đối với người cao tuổi tùy theo khả năng, thói quen và sở thích cá nhân như các hoạt động âm nhạc, văn thơ, đọc sách báo, chơi cờ, chăm sóc cây cảnh, v.v. Mặt khác cũng cần tham gia các hoạt động xã hội tại nơi cư trú, các câu lạc bộ, các cuộc du lịch tham quan. Một môi trường gia đình ấm êm, hòa thuận vô cùng quan trọng cho cuộc sống tâm lý tình cảm của mọi người cao tuổi. Tóm lại việc duy trì một nếp sống điều độ từ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi, giải trí… là cách góp phần dự phòng và điều trị bệnh tật cho người cao tuổi.

Về mặt xã hội, cơ cấu tổ chức ngành y tế từ cơ sở tới trung ương rất cần được sự quan tâm xem xét của Nhà nước và nhân dân. Hiện nay bên cạnh mô hình chăm sóc sức khỏe công, các cơ sở y tế tư nhân cũng đã và đang phát triển. Tuy nhiên nếu về hình thức nói chung trong lâm sàng với các chuyên ngành cơ bản nội- ngoại-sản – nhi v.v và các chuyên khoa cận lâm sàng hiện đại thì riêng chuyên khoa Thần kinh học thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu của mạng lưới y tế trong cả nước. Với số khoa Thần kinh ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh/thành, có thể nói việc thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh thần kinh  chưa đáp ứng được thực trạng sức khỏe của nhân dân nói chung, người cao tuổi nói riêng.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh, mọi thày thuốc sau khi ra trường đều đã được trang bị một số kiến thức nhất định về thần kinh học. Tuy nhiên vì cách vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân khi tiếp cận bệnh nhân trên lâm sàng có thể chưa đáp ứng được thực trạng bệnh nhân nên hiện có xu hướng lạm dụng các kỹ thuật hình ảnh học thần kinh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Điều không mong muốn là nhiều khi các kết quả hình ảnh học thần kinh không giúp chẩn đoán xác định khiến cho người thầy thuốc có thể bị băn khoăn lúng túng khi xử trí thực hành. Và hiện trạng này có thể phần nào phản ánh cơ cấu chăm sóc sức khỏe thần kinh của người cao tuổi ở nước ta hiện nay.

Nhân ngày  22 tháng 7 năm 2016 được coi là Ngày Não Thế giới dành cho sự lão hóa não, Tổng Thư ký Liên đoàn Thần kinh học Thế giới là Giáo sư Wolfgang Grisold đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của việc cần mở rộng các cấu trúc chăm sóc sức khỏe thần kinh một cách phù hợp. Theo Giáo sư, “Thần kinh học hiện đại có thể đóng góp nhiều trong xử trí các hậu quả của sự gia tăng dân số. Do đó các nhà hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia có thể tham vấn về việc mở rộng chăm sóc sức khỏe thần kinh thay cho sự nhìn nhận tuổi già chỉ là một gánh nặng. Ngoài công tác chăm sóc bệnh nhân thần kinh trong giai đoạn cấp tính còn cần phải chú trọng tới các hoạt động phục hồi chức năng và công tác chăm sóc lâu dài nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi bệnh nhân kể cả các trường hợp bệnh cực kỳ trầm trọng”.

Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài các hoạt động giảng dạy và đào tạo chuyên khoa Thần kinh học trong các trường Đại học Y khoa quân dân y, thiết nghĩ cần tiếp tục bồi dưỡng liên tục kiến thức thần kinh học trong thực hành lâm sàng cho các thầy thuốc đa khoa ở các bệnh viện địa phương, nhất là ở các tuyến tỉnh, thành phố. Có như vậy mới có thể đáp ứng được công tác chăm sóc sức khỏe thần kinh cho mọi thành viên trong cộng đồng xã hội.

SUMMARY

                              Ageing and neurological diseases

                                                                                  Le Duc Hinh

                                                         The Vietnamese Association of  Neurology.

The prevalence of some neurological diseases is related to ageing including stroke, Parkinson’s disease and dementia, When taking care of such patients, one shoud pay attention firstly to potentially modifiable risk factors.Along with specific management of the disorder, a healthy diet and suitable physical exercise, remaining mentally active and keeping a stable lifestyle are recommended. These measures could be effective of maintaining neurological functions in older people.Moreover, continuing neurological education should be developped in all public health centers in our country

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ADA. Diabetes Care 2013, 38, suppl.

2.  Aldwin CM, Park CL, Spiro AS. (eds). Handbook of Health Paycholegy and Aging. Guildford Press, 2007.

3. Norrving B (ed). Oxford Textbook of stroke and cerebro-vascular disease. Oxford Univ. Press, 2014.

4. Ropper AH, Samuels MA, Klein JP (eds), Adams and Victort’s Principles of Neurology, 10th ed. McGraw Hill edu, 2014.

5. Schulz R,Albert SM. Psychobgical  Aspects of Aging.In Hazzard’s Geriatric Medicine and Gerontology (Halter JB.Cuslander JG, Tinetti ME, et al (eds), 6th ed.Mc Graw Hill Medical, 2009.

6. World Federation of Neurology.Press Release on July 19. 2016.

 

   .