Điểm lại hoạt động của Hội Thần kinh học Việt Nam 1998 – 2015
Điểm lại hoạt động của Hội Thần kinh học Việt Nam 1998 – 2015
GS.TS. Lê Đức Hinh – PGS.TS. Nguyễn Chương
Hội Thần kinh học Việt Nam
- MỞ ĐẦU
Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam ra đời ngày 3 tháng 9 năm 1962. Căn cứ vào sự phát triển của cả ba chuyên ngành sau 35 năm hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 1997 giải thể Hội và cho phép phát triển thành ba Hội độc lập. Nhằm thực hiện Quyết định trên, Ban trù bị thành lập Hội Thần kinh gồm đại diện cán bộ Chuyên khoa Quân dân y thuộc Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Thần kinh học Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa – Bộ môn Thần kinh Học viện Quân y – Viện Quân y 103 đã triệu tập các đại biểu Chuyên khoa Thần kinh học toàn quốc để tiến hành Đại hội. Ngày 29 tháng 5 năm 1998 tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc đã quyết định thành lập Hội Thần kinh học Việt Nam. Báo cáo này nhằm điểm lại các hoạt động của Hội từ năm 1998 đến nay.
- TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH HỘI
Đại hội lần thứ Nhất này đã nhất trí bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ. Ban chấp hành đã phân công: Giáo sư Phan Chúc Lâm, Chủ tịch Hội; Giáo sư Lê Văn Thành và Giáo sư Lê Đức Hinh, Phó Chủ tịch; Giáo sư Nguyễn Chương, Tổng Thư ký. Các ủy viên Ban Thường vụ gồm các đại biểu quân dân y, nam và nữ, phía Bắc và phía Nam.
Đại hội cũng quyết định cho xuất bản Nội san là tờ Thông tin Thần kinh học và dự định tổ chức các Hội nghị khoa học – kỹ thuật cách hai năm một lần; mặt khác khuyến khích thành lập các Chi hội Thần kinh học tại các địa phương. Từ đó các Hội nghị đã được định kỳ tổ chức luân phiên tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Tổng hội Y học Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V ngày 2 tháng 12 năm 2009 đã tiến hành bầu lại Ban Chấp hành và Ban Thường vụ tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ 2009 – 2013 này, Đại hội đã giao nhiệm vụ như sau: Giáo sư Lê Đức Hinh, Chủ tịch; Giáo sư Lê Văn Thính, Giáo sư Vũ Anh Nhị và Giáo sư Hoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch; Giáo sư Nguyễn Chương, Tổng Thư ký; Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký. Ngoài các chức danh trên, trong Ban chấp hành còn có 2 ủy viên Ban Thường vụ và 16 ủy viên khác. Như vậy có 16 đại biểu phía Bắc, 8 đại biểu phía Nam; 3 đại biểu nữ, 21 đại biểu nam; 5 đại biểu quân y và 19 đại biểu dân y. Đại hội cũng đã nhất trí tôn vinh Giáo sư Phan Chúc Lâm là chủ tịch danh dự của Hội.
- THÀNH LẬP CÁC CHI HỘI
Mầm mống hình thành các Chi hội đã sớm được thể hiện trong thời kỳ của Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam. Đó là các sinh hoạt khoa học chuyên môn do Khoa và Bộ môn Thần kinh ở Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh tập hợp các đồng nghiệp Quân dân y trên địa bàn từ những năm 1977 – 1978. Sau đó Chi hội Thần kinh học khu vực TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 20 tháng 9 năm 1995.
Ở các nơi khác, các Chi hội Thần kinh học cũng lần lượt triển khai: Ngày 19 tháng 11 năm 1998 tại Cần Thơ; ngày 27 tháng 10 năm 1999 tại Thái Nguyên; ngày 12 tháng 12 năm 2000 tại Thanh Hóa. Riêng Chi hội Thần kinh học khu vực Hà Nội tuy đã tiến hành các sinh hoạt khoa học từ năm 1986 nhưng chỉ chính thức ra mắt ngày 24 tháng 7 năm 2002. Gần đây nhất ngày 6 tháng 11 năm 2014 Chi hội Tiền Giang đã bước vào hoạt động. Một số địa phương khác cũng đang dự định thành lập Chi hội, đặc biệt ở miền Trung.
IV. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN
Tiếp nối hoạt động truyền thống, Hội Thần kinh học Việt Nam với sự hỗ trợ tích cực của hai Chi hội TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thường xuyên tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt chuyên môn. Các chủ đề trọng tâm như bệnh Parkinson, tai biến mạch não, động kinh, nhức đầu, chóng mặt, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, nhiễm khuẩn thần kinh, đau xuất xứ thần kinh, phục hồi chức năng thần kinh, v.v… liên tục được cập nhật qua các cuộc hội thảo, hội nghị từ 1994. Cùng với Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Dược khoa TP. Hồ Chí Minh, một số nội dung quan trọng như cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ não, tai biến mạch não và sa sút trí tuệ, thần kinh học và hình ảnh học, điện sinh lý thần kinh lâm sàng, các thuốc kháng động kinh mới, v.v… đã được trình bày theo các chương trình đào tạo y học liên tục (CME) với sự tham gia thuyết trình của các giáo sư quốc tế.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, một số chuyên gia của Hội đã cùng các đại diện của Tổ chức Đột quỵ Não Thế giới (World Stroke Organization/WSO) triển khai Chương trình huấn luyện cơ bản xử trí đột quỵ não tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước từ tháng 4 năm 2008 đến cuối năm 2009.
Trên lĩnh vực giao lưu quốc tế, ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2000 dưới sự bảo trợ của Liên hội Quốc tế chống Động kinh (ILAE), Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASNA) và Bộ Y tế Việt Nam. Hội đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về Động kinh lần thứ Nhất tại Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp theo cũng tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 25 tháng 1 năm 2002 đã diễn ra Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Tai biến mạch não với sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Hồng Kông, Đài Loan, Singapo và Malaixia. Một vinh dự lớn cho Hội là được chủ trì Hội nghị Quốc tế về bệnh Xơ cứng rải rác tại Châu Á và Trung Đông lần thứ Hai tại TP. Hồ Chí Minh vào hai ngày 19 và 20 tháng 11 năm 2004. Các hội viên của chúng ta cũng đã tham dự Hội nghị Thần kinh học và Hình ảnh học Việt – Pháp lần thứ Nhất do Chi hội TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 13 tháng 12 năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với Ban Tư vấn Tai biến mạch não Châu Á (Asian Stroke Advisory Panel/ ASAP) trong dịp Hội nghị lần thứ 25 của Ban tại Hà Nội, Hội Thần kinh học Việt Nam đã triển khai Hội nghị chuyên đề về Tai biến mạch não vào ngày 6 tháng 12 năm 2008 với các báo cáo viên quốc tế. Tiếp theo là Hội nghị Thần kinh học Việt – Pháp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào hai ngày 11 và 12 tháng 12 năm 2008. Hội nghị mùa Xuân về Động kinh với sự tham dự của đại diện các nước Thái Lan, Singapore, Philippin, Hàn Quốc, Hồng Kông, Inđônêxia, Malaixia và Ôxtrâylia ngày 17 tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội là Chương trình Đào tạo Y học liên tục (CME) của Ban Cố vấn Động kinh Châu Á hợp tác với Hội Thần kinh học Việt Nam.
Ngoài các sinh hoạt khoa học quan trọng nói trên, hai Chi hội ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu các thành tựu y học của các đồng nghiệp Quân dân y trong cả nước cũng như đề cập đến một số chuyên đề nghiên cứu mới . Một số cuộc họp mặt đó đã có các chuyên gia nước ngoài tham gia.
V. HỢP TÁC CHUYÊN MÔN VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Từ nhiều năm qua, Hội Thần kinh học Việt Nam thường xuyên hợp tác với các Hội Phẫu thuật Thần kinh, Hội Tâm thần học, Hội Nhi khoa, Hội Phục hồi chức năng, Hội Điện quang và Y học hạt nhân, v.v… Đồng thời Hội liên hệ chặt chẽ với Tổng hội Y học Việt Nam, kết hợp thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác của Tổng hội. Ngoài ra, trên bước đường phát triển chuyên khoa, nhiều thành viên của Hội Thần kinh học Việt Nam đã xây dựng thành công các Hội chống Động kinh, Hội phòng và chống Tai biến mạch não, Hội Đau TP. Hồ Chí Minh và Hội chống Đau Hà Nội. Với tất cả các Hội đó, Hội Thần kinh học Việt Nam luôn chủ trương đoàn kết và hợp tác chuyên môn vì sự phát triển của khoa học và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Một sự kiện đáng ghi nhớ là ngày 27 tháng 7 năm 1997, Hội Thần kinh học Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASEAN Neurological Association/ ASNA) tại Singapore. Từ đó đến nay, liên tục trong các cuộc Hội thảo chuyên đề cũng như các Hội nghị thường kỳ hai năm của Hiệp hội, chúng ta đều cử đại biểu tham gia đóng góp báo cáo công trình chuyên môn. Đồng thời thông qua các Chi hội ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số chuyên gia của Hiệp hội đã được mời đến Việt Nam để thuyết trình một số vấn đề về Thần kinh học. Ngoài ra chúng ta cũng đã cử một đại biểu tham gia Ban Tư vấn Tai biến mạch não Châu Á (Asian Stroke Advisory Panel/ ASAP) từ năm 1996.
Sự hội nhập quốc tế quan trọng nhất là Hội Thần kinh học Việt Nam được gia nhập vào Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of Neurology/ WFN) trong Đại hội Thần kinh học Thế giới lần thứ XVIII tổ chức tại Xit-ni, Ôxtrâylia vào tháng 11 năm 2005. Đồng thời Hội cũng được mời tham gia là thành viên của Hiệp hội Thần kinh học Châu Á và Châu Đại dương (Asian and Oceanian Association of Neurology/ AOAN).
Cũng cần nói thêm là một số hội viên của chúng ta đã được công nhận là thành viên của các Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ (American Academy of Neurology/ AAN), Hội Thần kinh học Pháp (Société Francaise de Neurologie/SFN), Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu Não (International Brain Research Organization/ IBRO) và Tổ chức Đột qụy Não Thế giới (World Stroke Organization/ WSO).
VI. TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI
Trong phạm vi Chuyên khoa Thần kinh học, đã nhiều năm qua Hội đều có các thành viên tham gia các Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương và Ban Tư vấn Viện Pháp Y Quốc gia. Bộ Y tế cũng đã chỉ định một số chuyên gia của Hội tham dự các Ban soạn thảo và xây dựng các Tiêu chuẩn giám định bệnh tật và thương tật, Tiêu chuẩn chết não phục vụ ghép tạng, Tiêu chuẩn chẩn đoán di chứng nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Một số Hội đồng chuyên môn liên ngành cấp Viện và cấp Bộ đã yêu cầu sự tham gia của một số cán bộ chuyên khoa của Hội. Từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 7 năm 2014, Bộ Y tế phối hợp với Viện Y tế Quốc gia và Ưu việt lâm sàng Vương quốc Anh ( National Institute for Health and Clinical Excellence/ NICE) tổ chức xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng (Quality Standards) chăm sóc tai biến mạch não ở Việt Nam, Chủ trì cuộc Hội thảo có Đại diện Bộ Y tế, Giáo sư Lê Đức Hinh thay mặt Hội Thần kinh học Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Thành thay mặt hội Phòng và Chống Tai biến mạch não ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Thông chuyên viên đầu ngành Thần kinh Quân đội và Giáo sư Anthony Rudd Giám đốc Chương trình Đột quỵ não của Viện NICE. Các tiêu chuẩn chất lượng xử trí đột quỵ não ở Việt Nam đã được Bộ Y tế công bố ngày 16 tháng 7 năm 2014.
VII. CÔNG TÁC THÔNG TIN VÀ XUẤT BẢN
Từ khi phát triển độc lập, việc bồi dưỡng kiến thức và thông tin khoa học được gửi đến các hội viên qua việc xuất bản tập Nội san Thần kinh học tại cả hai Chi hội ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các số báo với các bài viết có chất lượng cao được ấn loát cẩn thận đã phần nào phản ánh các hoạt động chuyên môn của chuyên khoa Thần kinh học trong cả nước. Từ tháng 10 năm 2012, Hội đã cho ra mắt các bạn đọc Đặc san Thần kinh học với những cải tiến và đổi mới về hình thức cũng như nội dung. Sau ba số Đặc san được sự hoan nghênh của các hội viên chúng ta, Ban Chấp hành Hội được phép của Cục Xuất bản đã quyết định cho phát hành rộng rãi Tạp chí Thần kinh học từ đầu năm 2013 đến nay. Tạp chí đã ra được mười số với thế tài và nội dung cũng như cách trình bày và ấn loát phù hợp với một Tạp chí Y học chuyên khoa.
Một vinh dự đặc biệt là Tổ chức Đột quỵ não Thế giới (WSO) đã đồng ý cho xuất bản Tạp chí Quốc tế về Tai biến mạch não (International Journal of Stroke) phiên bản tiếng Việt từ năm 2009 do Giáo sư Lê Văn Thính, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam chịu trách nhiệm là Chủ biên. Ngoài ra Hội cũng đã tham gia biên soạn cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam của Tổng Hội Y học Việt Nam và đã xuất bản cuốn Từ điển Thuật ngữ Thần kinh học.
VIII. KẾT LUẬN
Trong 17 năm qua, với nhiệm vụ và vai trò đoàn kết tập hợp các đồng nghiệp chuyên khoa trong cả nước, Hội Thần kinh học Việt Nam đã và đang cố gắng thực hiện các chức năng của một Hội y học. Có được những kết quả như trình bày trên đây chính là nhờ sự đóng góp nhiệt tình của toàn thể các đồng nghiệp hội viên quân dân y. Cùng đi với chúng ta trong suốt nhiều năm qua phải nói đến sự hỗ trợ quý báu về vật chất và tinh thần, vô tư và thân ái của các Công ty Dược phẩm cũng như một số đơn vị cơ quan đoàn thể trong nước. Tuy nhiên bước đường tới còn rất nhiều gian nan vất vả trong hoàn cảnh đất nước và thế giới đang có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực y học và y tế. Do đó khi nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta cần hết sức nghiêm túc đánh giá các thành tích đã đạt được, rút ra những kinh nghiệm để có thể đề xuất phương hướng đúng đắn cho các hoạt động thời gian tới của Hội Thần kinh học Việt Nam.