Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đức Hinh

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đức Hinh là nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam. Ông được xem là người thầy của chuyên ngành Thần kinh học với hơn 60 năm làm việc và cống hiến.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1962, bác sĩ Lê Đức Hinh được mời làm Trưởng phòng điều trị khoa Thần kinh và Tinh thần, bệnh viện Bạch Mai trong suốt 8 năm. Năm 1969, khoa Thần kinh tách ra hoạt động riêng. Ông tiếp tục đảm nhận các vị trí quan trọng của khoa: Phó Trưởng khoa (1979), Trưởng khoa (1985) và Bác sĩ cao cấp (2002) cho đến khi nghỉ hưu (2007).

Ngoài quá trình đào tạo trong nước, bác sĩ Lê Đức Hinh còn được cử đi học 2 năm tại Đại học La Habana (Cuba); nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) và thực tập tại 4 trường đại học của Hà Lan: Groningen, Nijmegen, Utrecht, Rotterdam. Ông được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991 và học vị Giáo sư Thần kinh học năm 2002.

images697572_ong_hinh_znka

Không chỉ là lương y tâm huyết với nghề, Giáo sư Lê Đức Hinh còn là người thầy giáo có vốn kiến thức và kinh nghiệm dồi dào. Ông đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại các trường đại học trên khắp cả nước. Riêng Đại học Y Hà Nội, ông có tới 46 năm giảng dạy, từ năm 1969 cho tới nay.

Giáo sư cũng chấp bút nhiều cuốn sách y học, như “Sổ tay Hội chứng thần kinh, Bệnh thần kinh”; “Thần kinh học trẻ em”; “Dinh dưỡng liên quan đến bệnh lý thần kinh”; “Bệnh Parkinson”; “Thần kinh học lâm sàng”; “Nhiễm khuẩn hệ thần kinh”; “Chẩn đoán và điều trị các loại cơn co giật”; “Tai biến mạch não: Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí”; “Thần kinh học trong thực hành đa khoa”… và nhiều ấn phẩm khác được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

Ngoài các công trình về bệnh lý thần kinh ở người trưởng thành, Giáo sư Lê Đức Hinh còn dày công nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Luận án Tiến sĩ của ông về chủ đề này (1989) đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động thanh toán bệnh dịch này tại Việt Nam.

Hiện nay, ngoài vai trò Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, ông còn đảm nhận vai trò Giáo sư giảng dạy của Đại học Y Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108; Giám định viên của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương; Thành viên Hội thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh Cuba, Hội thần kinh học Pháp, Viện Hàm lâm Thần kinh học Mỹ, Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu Não… và các tổ chức uy tín trong nước.

Nói đến Thần kinh học Việt Nam, bạn bè quốc tế thường biết tới đại diện là Giáo sư Lê Đức Hinh. Hằng năm, ông được mời tham dự các hội nghị chuyên ngành của khu vực và thế giới. Để vinh danh những đóng góp của Giáo sư, Nhà nước đã trao tặng ông các danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động Hạng Nhì…