7 cách ngâm chân chữa mất ngủ vô cùng đơn giản mà hiệu quả
Có nhiều cách ngâm chân chữa mất ngủ trong Y học Cổ truyền được cho là cải thiện chứng mất ngủ, ngủ trằn trọc, hay gặp ác mộng hiệu quả. 7 cách ngâm chân trị mất ngủ đơn giản ECO Pharma chia sẻ dưới đây có thể hữu ích cho bạn.
Tìm hiểu về việc ngâm chân
Theo Đông y, bàn chân có nhiều huyệt đạo liên kết với hầu hết các bộ phận của cơ thể. Ngoài châm cứu, bấm huyệt, ngâm chân cũng là liệu pháp mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Liệu pháp ngâm chân trong Đông y là kết hợp nhiều loại dược liệu trong nước ngâm. Phổ biến nhất là muối biển, các loại thảo dược tính ấm, nhiều tinh dầu như gừng, sả, ngải cứu, quế; các loại tinh dầu.
Người ta thường ngâm trong nước ấm, từ 15 – 30 phút vào buổi tối. Trong khi ngâm có thể kết hợp massage, đả thông kinh mạch. Theo Đông y, ngâm chân có tác dụng giữ ấm, lưu thông khí huyết và thải độc. Nó có thể giúp phòng ngừa hoặc cải thiện bệnh và đem đến dung mạo xinh đẹp, giấc ngủ ngon.
Ngâm chân là gì? Cách ngâm chân chữa mất ngủ
Tác dụng của việc ngâm chân chữa mất ngủ bằng thảo dược
Bàn chân là một cấu trúc phức tạp bao gồm 26 xương, 33 khớp, nhiều cơ, gân và dây chằng hoạt động cùng nhau để nâng đỡ trọng lượng của cơ thể và tạo ra chuyển động. Đông y cho rằng, sức khỏe bàn chân có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe toàn bộ cơ thể.
Ngâm chân chữa mất ngủ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể, điều hòa hoạt động chức năng của các cơ quan, tăng cường miễn dịch, giải tỏa căng thẳng, xoa dịu tinh thần. Điều này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện hiệu quả tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Theo một báo cáo từ Nghiên cứu liệu pháp tắm thảo dược truyền thống Trung Quốc, phương pháp ngâm chân chữa mất ngủ bằng thảo dược giúp xoa dịu mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ tốt ở bệnh nhân đột quỵ và ung thư. (2)
Hướng dẫn cách ngâm chân chữa mất ngủ tại nhà
Để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng cách ngâm chân chữa mất ngủ, bạn nên kết hợp ngâm chân cùng một số loại thảo dược như gừng, sả, lá lốt, hoa hồng. Cùng ECO Pharma 7 cách ngâm chân trị mất ngủ đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả mà bạn có thể thực hiện tại nhà.
1. Dùng nước muối ấm để ngâm chân trị mất ngủ
Theo Đông Y, muối vị mặn, tính hàn có khả năng kháng khuẩn, giảm đau và giảm viêm hiệu quả. Sử dụng muối ngâm chân trị mất ngủ giúp kích thích tuần hoàn máu, xoa dịu viêm đau khớp, thư giãn đầu óc, cải thiện mất ngủ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị một chậu nước lớn và cho 2 – 3 lít nước nóng vào.
- Bước 2: Cho 2 – 3 thìa muối hạt cùng một lượng nước mát vừa đủ vào chậu nước, khuấy đều đến khi nước có đủ độ nóng vừa phải.
- Bước 3: Thực hiện ngâm chân từ 15 – 20 phút, sau đó rửa lại, dùng khăn bông lau sạch.
Ngâm chân trị mất ngủ cùng nước muối ấm.
2. Nấu nước lá ngải cứu để ngâm chân trị mất ngủ
Ngâm chân chữa mất ngủ với lá ngải cứu giúp làm ấm cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau đầu, căng thẳng, hỗ trợ điều trị mất ngủ hiệu quả. Bạn cũng có thể dùng tinh dầu ngải cứu thay cho lá tươi. Hương thơm dễ chịu từ tinh dầu ngải cứu sẽ mang lại cảm giác thư thái giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch và để ráo nước một nắm lá ngải cứu tươi.
- Bước 2: Cho lá ngải cứu vào 2 lít nước đã được đun sôi, sau đó đun tiếp tục trong 7 – 10 phút rồi tắt bếp.
- Bước 3: Đổ vào chậu lớn, pha thêm cùng nước mát đảm bảo nhiệt độ vừa phải để ngâm chân.
- Bước 4: Thực hiện ngâm chân từ 15 – 20 phút, có thể chà xát nhẹ phần bã lá ngải cứu dưới lòng bàn chân để tăng hiệu quả tuần hoàn máu, đả thông kinh mạch.
Cách ngâm chân chữa mất ngủ bằng nước lá ngải cứu.
3. Ngâm chân trị mất ngủ bằng vỏ quế
Vỏ quế có chứa hoạt chất cinnamaldehyde có tác dụng an thần, giảm đau và ức chế hệ thần kinh trung ương. Ngâm chân cùng vỏ quế có thể làm giảm triệu chứng đau đầu do căng thẳng, xoa dịu tinh thần và cải thiện chứng mất ngủ. Bên cạnh đó, ngâm chân bằng vỏ quế còn có tác dụng khử mùi hôi chân và chứng chân, tay lạnh do ra mồ hôi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đun 100g vỏ quê phơi khô trong 3 lít nước.
- Bước 2: Đổ nước ra chậu pha cho hết nóng.
- Bước 3: Ngâm chân từ 15 – 20 phút, sau đó dùng khăn bông lau khô chân.
Lưu ý: Có thể sử dụng lá quế thay thế vỏ quế khô (nếu không có).
Ngâm chân bằng vỏ quế chữa mất ngủ.
4. Ngâm chân với hồng hoa
Ngâm chân bằng nước hồng hoa giúp hoạt huyết, thông kinh, có tác dụng điều hòa giấc ngủ sâu hơn, điều trị chứng tê bì chân tay, đau mỏi lưng do trời lạnh.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cho khoảng 10g – 15g hồng hoa vào nước đun sôi.
- Bước 2: Đổ nước ra thau, pha cùng một lượng nước mát vừa đủ.
- Bước 3: Ngâm chân từ 15 – 20 phút để cải thiện tình trạng khó ngủ, mất ngủ và ngủ không sâu giấc.
Cách ngâm chân chữa mất ngủ bằng hoa hồng.
5. Ngâm chân chữa mất ngủ với gừng
Theo Đông y, gừng vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, hành khí và giải độc hiệu quả. Thực hiện ngâm chân trị mất ngủ cùng gừng giúp tăng lưu thông máu, xua tan mệt mỏi, căng thẳng, giúp ổn định thân kinh, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Làm sạch 2 củ gừng tươi, cắt nhỏ và đập dập.
- Bước 2: Đun sôi 2 lít nước và thả gừng vào sau, tiếp tục đun khoảng 5 – 10 phút để tinh chất của gừng ra hết. Sau đó, bỏ thêm hai thìa muối vào và tắt bếp
- Bước 3: Đổ nước chậu, pha thêm nước mát vừa đủ ấm. Thực hiện ngâm chân trong 15 – 20 phút.
Ngâm chân chữa mất ngủ với gừng.
6. Ngâm chân với sả
Hương thơm dễ chịu từ sả giúp xoa dịu chứng rối loạn thần kinh, giảm stress và cải thiện mất ngủ tốt. Ngâm chân cùng sả sẽ thúc đẩy lưu thông máu lên não bộ, giảm triệu chứng đau đầu, giữ ấm cơ thể. Bên cạnh đó, liệu pháp này còn giúp giảm mùi hồi chân, kích thích bài tiết mồ hôi, trừ hàn, chống viêm, cải thiện các triệu chứng đau nhức.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm 5 – 7 cây sả; 2 muỗi muống hạt, 1.5 lít nước
- Bước 2: Sả làm sạch và đập dập cho vào nồi đun cùng 1,5 lít nước trong 5 phút rồi thêm muối vào khuấy đều. Đun đến khi nước sôi và tắt bếp.
- Bước 3: Đổ nước ra chậu pha cho hết nóng.
- Bước 4: Ngâm chân và kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng trong khoảng 15 – 20 phút.
Ngâm chân chữa mất ngủ với sả.
7. Ngâm chân với lá lốt trị mất ngủ
Bên cạnh tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp, lá lốt dùng ngâm chân trị mất ngủ còn được cho là giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm áp lực cho hệ thần kinh, khôi phục chu kỳ giấc ngủ bình thường.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị một nắm lá lốt tươi đã được rửa sạch.
- Bước 2: Cho 2 lít nước vào nồi và đun sôi. Sau đó, cho lá lốt vào nồi đun thêm 10 – 15 phút.
- Bước 3: Đổ nước ra chậu pha thêm nước mát vừa đủ ấm. Sau đó ngâm chân trong khoảng từ 15 – 20 phút. Bạn có thể lấy bã lá lốt chà xát vào lòng bàn chân để tăng hiệu quả.
Ngâm chân trị mất ngủ với lá lốt.
Một số bài thuốc ngâm chân chữa mất ngủ
Bên cạnh biện pháp ngâm chân tại nhà đơn giản nêu trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài thuốc Đông y ngâm chân chữa mất ngủ khác:
1. Công thức 1
Ngâm chân bằng nước ấm tự nhiên: chuẩn bị 1 chậu nước ấm có nhiệt độ vừa phải, sau đó ngâm chân trong 20 phút. Thực hiện mỗi ngày từ 1 – 2 lần, cần phải ngâm một lần trước khi ngủ buổi tối. Nhiệt độ nước ngâm tốt nhất khoảng từ 38 độ C – 43 độ C.
2. Công thức 2
Sắc nước 20g ngô thù du, bỏ bã. Sau đó bỏ thêm dấm gạo vào hỗn hợp nước vừa sắc. Đợi nhiệt độ nước vừa ấm, tiến hành ngâm chân trong 30 phút, thực hiện một lần trước khi ngủ buổi tối.
Công thức này có tác dụng làm cho hai tạng Tâm và Thận giao hòa với nhau, nhờ đó giúp cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
3. Công thức 3
Sắc nước từ 20g thạch trong 30 phút rồi cho 20g chích ngũ gia, 15g phục thần, 10g ngũ vị tử vào tiếp tục sắc. Sau 30 phút, chắt lấy nước, pha ấm, thực hiện ngâm chân trong 20 phút trước khi đi ngủ. Bạn có thể dùng nước thuốc xoa lên vùng trán và thái dương để xoa dịu tinh thần, mang lại cảm giác thư thái, giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ.
4. Công thức 4
Dùng 20g từ thạch, 15g sinh long cốt, 15g hoa cúc, 12g hoàng cầm, 20g dạ giao đằng sắc lấy nước, sau đó mang đi ngâm chân trong 30 phút mỗi buổi tối. Liệu pháp này thích hợp dùng cho người bị mất ngủ kèm theo triệu chứng đau đầu, bốc hỏa, trong ngực bụng cồn cào, bứt rứt không yên.
5. Công thức 5
Dùng 20g đan sâm, 15g bạch truật, 12g hoàng liên, 10g viễn chí, 15g toan táo nhân, 10g trân châu mẫu sắc lấy nước. Ngâm chân trong 30 phút, dùng một lần mỗi ngày trước khi ngủ vào buổi tối. Liệu pháp này có tác dụng bổ dương, đào thải khí lạnh trong cơ thể, điều hòa giấc ngủ tốt hơn.
6. Công thức 6
Dùng 20g lạc tiên, 20g lá vông, 20g thảo quyết minh, 15g hồng hoa sắc lấy nước. Thực hiện ngâm chân trong 30 phút mỗi ngày trước khi ngủ giúp an thần, cải thiện chứng mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh.
7. Công thức 7
Dùng 20g toan táo nhân, 20g mẫu lệ, 20g thạch quyết minh, 20g long cốt sắc nước. Tiến hành ngâm chân 30 phút/ ngày trước khi đi ngủ buổi tối giúp dưỡng tâm, an thần, ngủ ngon giấc.
Nên ngâm chân nước ấm như thế nào để chữa mất ngủ?
Thực hiện ngâm chân đúng cách để nhanh lấy lại giấc ngủ ngon. Những điều bạn cần ghi nhớ:
- Thời điểm: Nên ngâm chân vào buổi tối trước khi ngủ khoảng 30 phút đến một tiếng.
- Nhiệt độ nước: Nước ấm nên có nhiệt độ từ 38 độ C – 40 độ C.
- Thời gian ngâm: Nên ngâm chân trong khoảng 15 – 30 phút.
- Kết hợp ngâm cùng thảo mộc: Có thể thêm các loại thảo mộc như gừng, sả, lá bạc hà, lá ngải cứu,… vào nước ngâm để tăng hiệu quả.
- Kết hợp cùng với massage: Bạn có thể massage nhẹ nhàng bàn chân và bắp chân trong khi ngâm hoặc sau khi ngâm.
Một số lợi ích của ngâm chân đối với sức khỏe
Bên cạnh tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ, liệu pháp ngâm chân còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như:
- Cải thiện trí não và tinh thần: Làm dịu não bộ, đào thải stress, áp lực mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu, khôi phục năng lượng.
- Tăng cường sức khỏe thể chất: Ngâm chân nước nóng giúp cải thiện các chứng bệnh như huyết áp, đau nhức cơ xương khớp, tiêu hóa kém.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính: Ngâm chân còn hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị các bệnh như tiểu đường, đau cơ xơ hóa, ung thư. (3)
- Điều trị các bệnh ngoài da: Ngâm chân loại bỏ da chết, giảm viêm, ngứa, khô nẻ chân do các bệnh ngoài da như nấm, nứt gót chân.
- Khử mùi hôi chân: Ngâm chân giúp thải độc, giảm tiết mồ hôi và mùi hôi chân.
Cách ngâm chân chữa mất ngủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một số lưu ý khi ngâm chân chữa mất ngủ
Bạn cần lưu ý một số vấn đề sau khi thực hiện ngâm chân trị mất ngủ:
- Không nên ngâm chân quá 30 phút.
- Không nên ngâm chân với nước lạnh hoặc nước quá nóng
- Không nên ngâm chân khi bàn chân có vết thương hở, nhiễm trùng, hoại tử.
Một số biện pháp cải thiện mất ngủ khác
Một số biện pháp hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ khác có thể kết hợp với ngâm chân trị mất ngủ.
- Không gian ngủ thích hợp: Ngủ ở nơi mát mẻ, yên tĩnh và tối, tránh sử dụng các thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh sẽ làm gián đoạn chu kỳ thức.
- Đi ngủ và thức dậy theo giờ cố định: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Tránh xa caffeine, nicotine và rượu: Sử dụng các loại thức uống này có thể làm giấc ngủ của bạn ngắn hơn, dễ thức giấc vào ban đêm.
- Tập thể dục thường xuyên vào ban ngày: Giúp lưu thông khí huyết, cải thiện chất lượng và thời gian ngủ của bạn tốt hơn vào ban đêm. Nên tập trước giờ đi ngủ buổi tối ít nhất 2 tiếng đồng hồ, tránh luyện tập nặng.
- Hạn chế ngủ trưa quá nhiều: Giấc ngủ trưa dài quá một tiếng thường gây khó ngủ vào ban đêm.
- Ăn uống đúng giờ, hạn chế ăn tối muộn, ăn quá no và ăn các thức ăn khó tiêu.
- Tránh uống nước gần giờ ngủ: Thói quen này sẽ giúp bạn ngủ lâu hơn mà không cần phải đi vệ sinh.
- Hình thành thói quen mới: Thực hiện một thói quen mới như đọc sách, nghe nhạc, thiền,… sẽ giúp bạn xua tan tâm lý căng thẳng, thư giãn cơ thể giúp ngủ ngon hơn.
- Tránh một số loại thuốc kê đơn, thuốc theo toa: Một số loại thuốc gây rối loạn giấc ngủ, ví dụ như thuốc cảm lạnh và dị ứng. Hãy trao đổi với bác sĩ về loại thuốc ít gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Cách ngâm chân chữa mất ngủ được Đông y sử dụng hàng nghìn năm để giúp người bệnh có được giấc ngủ ngon. Bạn nên kết hợp liệu pháp này với chế độ ăn uống, luyện tập có lợi cho giấc ngủ. Và nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị nếu mất ngủ kéo dài quá vài tuần không cải thiện.