Tìm hiểu về Giảm Trí Nhớ – một vấn đề cần quan tâm
(*) TS BS Trần Công Thắng: giảng viên bộ môn thần kinh ĐHYD TP HCM, BS điều trị BV Chợ Rẫy, BV Đại Học Y Dược TPHCM
Hiện nay, nhiều người cả già lẫn trẻ có than phiền về giảm trí nhớ. Mối lo lắng thường gặp của người giảm trí nhớ là giảm trí nhớ của họ sẽ tiến triển tăng dần đến mất trí nhớ và sa sút trí tuệ. Điều này cũng có thể xảy ra nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu có nhiều thông tin về trí nhớ.
Trí nhớ là gì?
Trí nhớ là một quá trình hoạt động của não bộ để ghi nhận, bảo tồn và nhớ lại thông tin khi cần thiết. Quá trình này đòi hỏi có sự tham gia của nhiều vùng của não như thùy trán, thùy thái dương, đồi thị, hải mã, … . Một thông tin sẽ được ghi nhận bằng các giác quan, sau đó sẽ được mã hóa và lưu trữ ở các kho trong não. Khi cần nhớ lại, thông tin sẽ được truy suất tại các kho và chuyển đến các trung tâm phát ngôn hoặc vận động ở các vỏ não tương ứng để thực hiện thông tin của trí nhớ. Tùy thuộc vào nội dung thông tin cần nhớ và thời gian ghi nhớ mà chúng ta có các phân loại trí nhớ khác nhau. Phân loại này sẽ giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân và vị trí tổn thương có thể của bệnh giảm trí nhớ.
Phân loại trí nhớ
Được phân theo thời gian nhớ và nội dung thông tin cần nhớ. Bao gồm trí nhớ cực ngắn, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
1.Trí nhớ cực ngắn hay trí nhớ giác quan: trí nhớ về hình ảnh, âm thanh. Sau khi đã thấy một hình ảnh hoặc nghe một âm thanh một cách ý thức hay không ý thức trong vòng 3-5 phần trăm giây, người ta có thể mô tả lại khá chính xác. Trí nhớ giác quan nhanh chóng mất đi, chỉ những phần quan trọng được học nhẩm và lưu trữ thành trí nhớ ngắn hạn.
2.Trí nhớ ngắn hạn: khả năng nhớ lại trong một khoảng thời gian ngắn (vài phút hoặc vài giờ) một thông tin. Nó liên quan đến tiến trình chú ý. Trí nhớ này còn được gọi là trí nhớ công việc. Các thông tin sẽ được ghi nhớ cho đến khi hoàn thành công việc và thường quên đi khi đã xong công việc. Tuy nhiên những thông tin quan trọng, được lập đi lập lại, có thể sẽ được giữ lại thành trí nhớ dài hạn. Thùy trán trước đóng vai trò quan trọng trong việc mã hóa và lưu trữ trí nhớ công việc.
Ví dụ: đọc và nhớ một số điện thoại trong niên giám. Chúng ta thường quên đi sau khi gọi xong cú điện thoại.
3.Trí nhớ dài hạn: là những thông tin được não lưu trữ lâu dài vì nó rất quan trọng cho bạn. Các thông tin cơ bản được nhớ như tên người trong nhà hay bạn bè, địa chỉ, cũng như các thông tin làm thế nào để làm việc, thi cử, ….
Trí nhớ dài hạn được chia thành nhiều nhóm: trí nhớ về tình tiết, trí nhớ ngữ nghĩa, và trí nhớ về kỹ năng.
Trí nhớ về tình tiết: khi bạn cần nhớ về một câu chuyện một bộ phim, hay trả lời các câu hỏi tôi ăn gì tối qua, tôi làm gì trong lần sinh nhật gần đây nhất, … khi đó bạn đang vận dụng trí nhớ về tình tiết. Hoạt động trí nhớ tình tiết cần có sự tham gia của thùy thái dương trong, đồi thị, thùy trán.
Trí nhớ ngữ nghĩa: là những sự kiện hoặc kiến thức in sâu trong não, chúng ta không cần phải có gắng suy nghĩ khi nhớ về nó. Ví dụ như 1 năm có 12 tháng, sự khác nhau giữa cái lược và cái nĩa,…. Thùy thái dương dưới ngoài chịu trách nhiệm chính cho trí nhớ này.
Trí nhớ kỹ năng: là những thông tin giúp bạn có thể làm việc mà không cần suy nghĩ như lái xe, bấm số điện thoại (mà không cần nhìn bàn phím), đánh răng,.… Trí nhớ kỹ năng giúp cho công việc được tiến hành trôi chảy và nhanh chóng. Hạch nền, tiểu não và vùng vận động thùy trán tham gia chính vào loại trí nhớ này.
Giảm hoặc mất trí nhớ
Giảm trí nhớ lành tính. Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi, chủ yếu suy giảm về trí nhớ công việc, do các thay đổi của thùy trán trước. Nó bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài. Quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, quên tên của khách hàng mình mới gặp hôm qua, … là những biểu hiện thường gặp của loại giảm trí nhớ này. Thật là rất khó chịu khi trí nhớ công việc trở nên kém chính xác và chậm chạp, nhưng điều đó không phải là biểu hiện của bắt đầu bệnh lý thoái hóa não, và cũng không phải là không thể điều trị. Mặc dù trí nhớ thường giảm khi lớn tuổi, nhưng một số người 70-80 tuổi vẫn có trí nhớ công việc tốt hơn nhiều người 20-30 tuổi.
Giảm trí nhớ bệnh lý. Đây là bệnh giảm mất trí nhớ bất thường, khác với giảm trí nhớ do có tuổi. Nó thường được chia làm hai nhóm: mất trí nhớ ngược chiều và mất trí nhớ xuôi chiều.
Mất trí nhớ ngược chiều là mất đi những hồi ức về quá khứ. Những người bị chấn thương đầu hoặc bị sốc do điện giật có thể bị mất hết trí nhớ về những điều trước khi họ bị sang chấn não, nhưng vẫn duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới gần đây. Đây là loại mất trí nhớ thường được mô tả trong các câu chuyện trên phim ảnh nhưng rất hiếm khi gặp trong thực tế.
Mất trí nhớ xuôi chiều là mất khả năng tạo được trí nhớ mới. Đối với bệnh nhân, tất cả mọi điều đều là mới mẻ, dù đó là những sự kiện, những con người mà họ đã gặp nhiều lần trước đây. Người bệnh có thể vẫn nhớ được những điều xảy ra trước khi họ bị mất trí nhớ nhưng họ không thể thêm vào được những thông tin mới. Nguyên nhân thường gặp của loại mất trí nhớ này là chấn thương, tai biến mạch máu não, viêm não, và bệnh Alzheimer. Vị trí tổn thương chính ở vùng hải mã thùy thái dương. Thiếu vitamin B1 trên người nghiện rượu cũng thường gây ra mất trí nhớ xuôi chiều này.
Quá trình nhớ và quên
Neuron là tế bào căn bản của não. Neuron sản xuất ra các dẫn truyền thần kinh, đó là các thông điệp hóa học để liên lạc giữa các neuron. Các neuron tiếp xúc với nhau tại các điểm gọi là synáp. Các chất dẫn truyền thần kinh sẽ đi từ neuron này đến các neuron khác qua các synáp này.
Mỗi khi bạn tiếp nhận một thông tin, một nhóm các neuron tương ứng sẽ được kích hoạt. Nếu không theo đuổi tiếp thông tin, sự tiếp nhận sẽ mờ dần đi và các neuron sẽ trở về trạng thái nghỉ ban đầu. Còn khi tiếp tục nghĩ đến, mối liên hệ giữa các neuron sẽ vững chắc hơn. Sự dẫn truyền các tín hiệu qua synáp giữa các neuron này trở nên dễ dàng hơn. Nhóm các neuron này đã tạo thành một đơn vị trí nhớ. Khi đơn vị nhớ đã được tạo thành, bất kỳ kích hoạt nào cũng làm chúng ta nhớ lại, điều này gọi là trí nhớ. Nếu các neuron được phép nằm im không hoạt động qua lâu, mối liên hệ của chúng trong đơn vị nhớ sẽ mất đi và trí nhớ cũng mất đi.
Chất dẫn truyền thần kinh cho trí nhớ công việc là dopamine. Chất này được phóng thích và tác dụng nhanh, nhưng mau hết hiệu quả, nên có vai trò chủ yếu trong trí nhớ ngắn hạn. Chất dẫn truyền cho trí nhớ dài hạn là glutamate và oxit nitric, các chất này xuất hiện chậm hơn nhưng bền vững hơn. Chúng làm hoạt động điện của neuron kéo dài hơn và hổ trợ các protein có sẵn. Sự kích hoạt kéo dài sẽ tạo nên sự thay đổi về cấu trúc neuron: sinh thêm nhiều nhánh mới và tạo ra nhiều synáp mới. Các nghiên cứu gần đây cho thấy não sinh thêm tế bào mới để phục vụ trí nhớ, hay nói cách khác “trí nhớ của chúng ta có thể giúp tái tạo lại não chúng ta”.
Nguyên nhân giảm trí nhớ
Giảm trí nhớ bình thường do tuổi tác. Số lượng tế bào não và lượng chất dẫn truyền thần kinh bắt đầu giảm dần một ít khi ta được 20 tuổi. Khi tuổi càng lớn, sự thay đổi càng nhiều hơn. Bạn có thể nghĩ khá lâu mới nhớ được tên một người bạn, có thể quên đi việc mình đang định làm,… nhưng ở một thời điểm khác bạn có thể nhớ lại. Nói chung, giảm trí nhớ này không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Bệnh lý thoái hóa não. Nguyên nhân hàng đầu của nhóm bệnh này là bệnh Alzheimer. Giảm trí nhớ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh Alzheimer và ngày càng tăng dần. Các dấu hiệu sau đây có thể là biểu hiện sớm của bệnh:
– Quên nhiều hơn những điều mà trước đây vẫn thường quên.
– Hỏi lập đi lập lại một câu hỏi.
– Khó khăn trong việc tìm từ hoặc dùng sai từ để diễn tả
– Không thể hoàn thành tốt những công việc quen thuộc như nấu ăn
– Đặt đồ vật sai chổ trầm trọng như bỏ cái ví trong tủ lạnh
– Lạc đường ở những nơi quen thuộc
– Trở nên thay đổi cảm xúc hoặc hành vi mà không có lý do rõ ràng
Các nguyên nhân khác.
Một số bệnh lý khác có thể gây tổn thương não và gây giảm trí nhớ như chấn thương đầu, tai biến mạch máu não, u não, viêm não siêu vi, nghiện rượu. Ngoài ra các bệnh lý như bệnh gan, bệnh tuyến giáp, … cũng có thể gây giảm trí nhớ.
Một số loại thuốc có thể gây giảm trí nhớ như thuốc gây mê, thuốc gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm.
Bệnh cạnh các bệnh lý trên, chấn thương tâm lý do stress, trầm cảm, mất ngủ, làm việc căng thẳng gây kém tập trung là những nguyên nhân thường gặp gây giảm trí nhớ của người trẻ.
Thăm khám và chẩn đoán giảm trí nhớ
Khi bạn bắt đầu quan tâm về việc giảm trí nhớ của mình hoặc việc giảm trí nhớ gây khó chịu cho bạn, đó là lúc bạn nên đi khám trí nhớ.
Việc hỏi bệnh sử cẩn thận, đặc biệt thời gian và thời điểm giảm trí nhớ, nội dung trí nhớ bị giảm, yếu tố tinh thần, công việc, thuốc men có thể ảnh hưởng trí nhớ, và diễn tiến của giảm trí nhớ,… có thể giúp bác sĩ định hướng loại giảm trí nhớ và nguyên nhân.
Các bài đánh giá chuyên biệt về trí nhớ như kể tên đồ vật, lập lại danh sách từ ngữ, vẽ đồng hồ, làm toán,… được thực hiện bởi các chuyên viên tâm lý sẽ giúp phân loại giảm trí nhớ bình thường hoặc bệnh lý.
Khám tổng quát và khám thần kinh có thể phát hiện các bệnh lý ảnh hưởng đến trí nhớ như suy giáp, bệnh gan, bệnh lý thoái hóa thần kinh (như bệnh Parkinson), u não, tụ máu não, tai biến mạch máu não, trầm cảm,…
Và cuối cùng, các cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ ,… sẽ được chỉ định để giúp tìm ra nguyên nhân bệnh.
Các phương pháp giữ gìn trí nhớ
Bạn có thể duy trì trí nhớ minh mẫn theo 8 hoạt động sau:
Rèn luyện trí óc. Tập thể dục sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, tập luyện trí óc sẽ làm trí nhớ minh mẫn. Cách rèn luyện là luôn học tập những kỹ năng mới, ví dụ như:
– Chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích
– Tạo thú vui mới như trồng cây, chạy xe đạp, vẽ tranh, cắm hoa,…
– Tình nguyện làm các công việc xã hội
– Đọc sách báo, xem ti vi để theo dõi tình hình trên thế giới và trong nước,…
Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục làm máu lưu thông lên não tốt hơn, các cơ quan chậm lão hóa, đặc biệt là các giác quan. Nó giúp chúng ta tiếp nhận các thông tin nhanh hơn và giữ lâu hơn. Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp chống stress và chống các bệnh lý gây giảm trí nhớ.
Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau cải. Đây là thức ăn chứa nhiều chất chống ôxy hóa để bảo vệ tế bào não. Đặc biệt phải hạn chế chất béo và tránh ăn khuya.
Không uống rượu. Người nghiện rượu lâu năm sẽ bị tổn thương não do thiếu dinh dưỡng, có nguy cơ cao bị giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ.
Chống căng thẳng stress. Khi bị stress, não sẽ phóng thích ra các nội tiết có thể gây tổn thương não. Stress kéo dài có thể làm bạn lo âu và trầm cảm, đây là một bệnh lý thường gây giảm trí nhớ.
Hãy nghỉ vài phút khi thấy quá căng thẳng, hít vào sâu và thư giãn. Nếu thấy căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đúng mức cho mỗi ngày, và thậm chí phải cắt bỏ bớt công việc.
Bảo vệ đầu của bạn. Chấn thương đầu có thể gây tụ máu trong não hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Hay bảo vệ đầu bạn khi chơi thể thao và đặc biệt phải đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy.
Ngưng hút thuốc. Tên bạn sẽ được thêm vào danh sách người mất trí nhớ nếu bạn còn hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị Alzheimer gấp 2 lần người không hút thuốc. Hãy dừng hút thuốc lại, vẫn chưa muộn.
Hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ của bạn có thể giúp cho bạn hiểu tốt hơn về cơ chế của trí nhớ và gợi ý cho bạn các giải pháp thích hợp cho bạn (các lời khuyên đơn giản, huấn luyện thực hành trí nhớ, kê toa)
Cải thiện trí nhớ và điều trị mất trí nhớ
Các phương pháp cải thiện trí nhớ
Tổ chức hóa công việc. Bạn hãy tập thói quen tổ chức hóa để có thể tập trung tốt hơn khi tiếp nhận thông tin mới. Bạn hãy thử các phương pháp sau:
– Dụng cụ cá nhân cần thiết như chìa khóa, mắt kính,… phải được đặt ở đúng một nơi trong nhà.
– Sử dụng phương tiện nhắc nhở như sổ lịch hẹn, điện thoại hẹn nhắc nhở, danh bạ điện thoại có từ mục dễ tra cứu.
– Liệt kê công việc cụ thể và đếm tổng số công việc cần làm, ghi vào sổ ghi nhớ.
Tăng cường sự tập trung. Khi bạn tập trung tốt và tập luyện để sự tập trung trở thành thói quen, trí nhớ sẽ trở lại với bạn. Phương pháp tập luyện gồm 4 bước: quan sát, liên kết, học thầm và nhớ lại. Quan sát khuôn mặt người mới tìm những nét đặc biệt, quan sát đồ vật, quan sát động tác (như thối tiền cho người khác),… – liên kết với một đồ vật, một chữ cái,..- học thầm trong đầu – và nhớ lại khi cần.
Ví dụ bạn đặt chìa khóa xuống, bạn hãy quan sát động tác mình làm, quan sát vị trí chìa khóa nằm trên bàn và liên kết chìa khóa với một vật dụng dễ nhớ đã có sẵn trên bàn như bình hoa, đèn bàn,.. đồng thời bạn hãy đọc thầm nhiều lần “chìa khóa để gần bình hoa”. Như thế, khi bạn cần tìm chìa khóa, trong đầu bạn sẽ xuất hiện lại hình ảnh những vật dụng bạn đã quan sát, câu nói bạn đã học thầm và cuối cùng nó sẽ liên kết với chìa khóa bạn đang cần tìm.
Điều trị mất trí nhớ
Điều trị mất trí nhớ tùy thuộc vào nguyên nhân. Đôi khi rất đơn giản, chỉ cần loại bỏ nguyên nhân thì trí nhớ sẽ từ từ hồi phục. Một số bệnh lý như trầm cảm, mất ngủ, bệnh tuyến giáp có thể điều trị bằng thuốc uống.
Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào điều trị hết giảm trí nhớ do tuổi. Tập luyện trí nhớ là biện pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, các thuốc có tác dụng chống ôxy hóa như vitamin E, ginko biloba cũng có tác dụng chống lão hóa và giúp gìn giữ trí nhớ.
Về sa sút trí tuệ như bệnh Alzheimer, thuốc có vai trò làm chậm diễn tiến của bệnh và điều trị các triệu chứng đi kèm. Các thuốc có tác dụng trong điều trị bệnh Alzheimer bao gồm: thuốc kháng men cholinesterase, thuốc kháng viêm non-steroid, estrogen, vitamin E và ginko biloba.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Budson A.E. Memory dysfunction. N Engl J Med 2005;352:692-9.
2.Davidbizar R. When your memory malfunctions. Health Care Manager. 2003, Lippincott Williams & Wilkins, Inc. Volume 22, Number 1, pp. 45-51.
3.Ghoneim M.M. Drugs and human memory. Anesthesiology 2004; 100: 1277-97.
4.Healthyplace.com- The formation and loss of memory.
5.MayoClinic.com- How to keep your mind sharp: Preventive action